Ảnh: Canva
Tạp chí Jama Oncology hôm 31/7 công bố kết quả nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Sydney ở Australia thực hiện trong gần 7 năm, theo dõi hoạt động hàng ngày của hơn 22.000 người không tập thể dục.
Các nhà khoa học đã loại trừ những người tham gia nghiên cứu mắc ung thư và đo chuyển động của họ thông qua thiết bị đeo tay. Họ cũng giới hạn nghiên cứu đối với những người không tập thể dục trong thời gian rảnh rỗi và đi bộ một lần hoặc ít hơn mỗi tuần. Độ tuổi trung bình của những người tham gia là 62. Những đợt hoạt động ngắn có thể bao gồm làm việc nhà cường độ cao, đi bộ nhanh hoặc leo cầu thang.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng lợi ích tăng lên khi có nhiều đợt hoạt động thể chất, đặc biệt đối với các bệnh ung thư liên quan đến vận động. Hầu hết các đợt hoạt động ngắn kéo dài tới một phút. Trong số những người tham gia, có 2.356 trường hợp mắc ung thư mới. Một hạn chế của nghiên cứu này là mang tính quan sát, do đó không trực tiếp khám phá nguyên nhân và kết quả.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hoạt động thể chất có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc 13 loại ung thư. Nghiên cứu của Đại học Sydney đã xem xét các loại này cũng như mức giảm nguy cơ mắc ung thư nói chung.
WHO khuyến nghị nên dành ít nhất 150 phút mỗi tuần cho hoạt động cường độ vừa phải hoặc ít nhất 75 phút mỗi tuần cho hoạt động cường độ mạnh. Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, tập thể dục giúp hạn chế tình trạng viêm, ngăn ngừa lượng đường trong máu cao, phòng tránh béo phì... do đó giảm nguy cơ ung thư.
Emmanuel Stamatakis, giáo sư tại Đại học Sydney và là trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: "Chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu mối liên hệ này thông qua các thử nghiệm mạnh mẽ, nhưng có vẻ như VILPA (hoạt động thể chất mạnh ngắt quãng) có thể là một cách miễn phí đầy hứa hẹn để giảm nguy cơ ung thư".