Nam sinh V.V.T. (sinh năm 2008, trú tại Hà Nội) đột ngột xuất hiện cơn đau tức bìu trái lúc rạng sáng. Cơn đau diễn biến liên tục, dữ dội khiến em không thể ăn uống được, nên được gia đình đưa đến khám tại Phòng khám Đa khoa cơ sở Cầu Giấy (cơ sở 2 của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội).
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán em bị xoắn tinh hoàn với các triệu chứng khởi phát đột ngột, ấn đau chói, giảm phản xạ cơ bìu trái. Kết quả siêu âm tinh hoàn ghi nhận thừng tinh trái tăng kích thước kèm hình ảnh "xoáy nước" rất đặc trưng, giúp các bác sĩ nhanh chóng chẩn đoán xác định về căn bệnh nguy hiểm này.
Ảnh minh họa
Nhận thấy tình trạng tối cấp cứu của bệnh xoắn tinh hoàn, bác sĩ đã chuyển người bệnh sang ngay Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cơ sở Tôn Thất Tùng để phẫu thuật cấp cứu. Ekip trực cấp cứu và phòng mổ được huy động chuẩn bị sẵn sàng với hy vọng tranh thủ thời gian "vàng" giữ lại tinh hoàn cho nam sinh.
Trong quá trình phẫu thuật, quan sát thấy tinh hoàn sưng nề, xanh tím, xoắn 1,5 vòng, các bác sĩ quyết định tháo xoắn, ủ ấm tinh hoàn, phong bế thừng tinh bằng lidocain. May mắn thay, sau 10 phút tinh hoàn trái đã hồng ấm trở lại và được cố định vào khoang bìu cùng với tinh hoàn bên còn lại.
Nam giới cần đề phòng xoắn tinh hoàn khi trời lạnh
Bác sĩ Khoa Nam học và Y học giới tính cho biết: Trong tuần qua, khoa đã tiếp nhận 5 trường hợp xoắn tinh hoàn, đáng tiếc trong đó có 2 ca phát hiện cấp cứu muộn nên buộc phải cắt bỏ tinh hoàn.
Thời tiết lạnh là một yếu tố nguy cơ khiến tinh hoàn dễ bị xoắn hơn. Theo một số nghiên cứu, nguy cơ đau và xoắn tinh hoàn tăng cao khi nhiệt độ và độ ẩm không khí giảm thấp. Lý do vì điều kiện thời tiết lạnh, hanh khô sẽ làm tăng hoạt động co thắt của cơ bìu dẫn tới tăng nguy cơ tinh hoàn chuyển động xoắn quanh trục.
Dấu hiệu nhận biết xoắn tinh hoàn ở nam giới
Xoắn tinh hoàn hay gặp ở lứa tuổi dậy thì (chiếm hơn 60%), bất cứ lúc nào như lúc đang ngủ, hoặc trong lúc vận động thể lực, chơi thể thao, chấn thương bìu.
Các dấu hiệu nhận biết xoắn tinh hoàn như sau:
- Đau bìu khởi phát đột ngột, dữ dội, đau có thể lan lên vùng bẹn, chậu, hông, bụng.
- Bìu sưng nề, da bìu đỏ thẫm hoặc bầm tím.
- Tinh hoàn treo cao hơn bên đối diện.
- Tinh hoàn xoay trục, nằm ngang.
- Nôn hoặc buồn nôn.
Ảnh minh họa
Thời gian "vàng" để điều trị xoắn tinh hoàn
Chia sẻ trên Vietnamnet, PGS.TS Nguyễn Quang, Chủ tịch Hội Y học giới tính Việt Namkhuyến cáo khi nam giới có bất kì biểu hiện đau tức tinh hoàn đột ngột, dữ dội, cần nghĩ ngay đến xoắn tinh hoàn. Cơn đau có thể lan lên vùng bẹn, chậu, hông, bụng. Ngoài ra, nếu thấy bìu sưng nề, da bìu đỏ thẫm hoặc bầm tím; tinh hoàn treo cao hơn bên đối diện; tinh hoàn xoay trục, nằm ngang... hoặc thấy kèm nôn, buồn nôn... cần đi khám nam khoa ngay.
Thời gian vàng điều trị xoắn tinh hoàn chỉ trong 6 giờ đầu tiên tính từ lúc có biểu hiện đau. Nếu can thiệp trước 6 giờ, 100% bệnh nhân được cứu tinh hoàn. Từ 6 đến 12 giờ thì khả năng cứu được tinh hoàn chỉ còn 50% và trong khoảng 12-24 giờ thì chỉ còn 20%, trên 24 giờ thường sẽ không cứu được tinh hoàn.
Thực tế, các bác sĩ chuyên khoa nam học tại các bệnh viện lớn như Việt Đức, Đại học Y Hà Nội, gặp rất nhiều trường hợp đáng tiếc phải cắt bỏ tinh hoàn do khi đến bệnh viện đã quá thời gian "vàng" cấp cứu, đặc biệt là ở độ tuổi đang phát triển hay ngại ngùng, sợ bố mẹ mắng nên không nói với gia đình, cố nhịn. Khi gia đình phát hiện đã quá muộn..
Ngoài ra, nhiều trường hợp đến cơ sở y tế kém uy tín, bị chẩn đoán sai thành viêm tinh hoàn, sau điều trị vài ngày không thấy đỡ mới chuyển lên bệnh viện tuyến trên, lúc đó tinh hoàn đã hoại tử, phải cắt bỏ.