Chuyên khoa: Sản phụ khoa
Nơi công tác: Viện Sức khỏe sinh sản
Bác sĩ Lê Thị Kim Dung - Chuyên gia Sản phụ khoa, nguyên Trưởng khoa Sản (Trung tâm Y tế Lao động Thái Hà, Bệnh viện Nông Nghiệp) cho biết có không ít phụ huynh có con tuổi mới lớn lo ngại các vấn đề liên quan đến "vùng kín" của trẻ.
Thậm chí, có bà mẹ khi thấy khu vực này của con bị thâm còn nghĩ trẻ đã quan hệ tình dục nhiều lần và đưa đến gặp bác sĩ để kiểm tra màng trinh. Theo bác sĩ, việc làm này là thái quá, có thể ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý của trẻ.
Con gái chị Hoàng Thị Thoa (38 tuổi, ở Hà Nội) năm nay 14 tuổi. Trong một lần kiểm tra "vùng kín" cho con gái vì trẻ kêu ngứa, ra khí hư, người mẹ vô cùng bất ngờ khi thấy chỗ đó của con thâm như màu mận chín. “Thấy vậy, tôi nghĩ ngay đến việc con vụng trộm quan hệ với bạn trai. Tôi gặng hỏi con nhiều lần nhưng cháu khẳng định chưa từng làm chuyện đó”, chị Thoa chia sẻ.
Trẻ tuổi vị thành niên bị thâm đen vùng kín không đáng lo và không phải cứ quan hệ nhiều là vùng này thâm. (Ảnh minh họa)
Không muốn dồn ép con gái, chị Thoa tạm chấp nhận câu trả lời của con, đồng thời âm thầm lên kế hoạch để kiểm tra xem con nói thật hay nói dối. Chị Thoa bố trí công việc, xin cho con nghỉ học một buổi và đưa đi khám phụ khoa vì lý do bị ra khí hư, ngứa vùng kín.
“Thực ra vấn đề ra khí hư ở tuổi mới lớn không có gì lạ, có thể vệ sinh, đặt thuốc là khỏi. Tuy nhiên, mục đích chính tôi đưa con đi khám là kiểm tra xem con còn trinh hay đã mất”, chị Thoa nói. Kết quả khám cho thấy, con gái chị Thoa vẫn còn trinh và lời con khẳng định chưa từng quan hệ là chính xác.
Bác sĩ Kim Dung cho biết, "vùng kín" trẻ vị thành niên bị thâm không có nghĩa là đã quan hệ tình dục hoặc quan hệ nhiều lần. Với trẻ nữ ở tuổi dậy thì sẽ có thay đổi rất nhiều về tâm sinh lý, đặc biệt là thay đổi ở vùng sinh dục như âm hộ hình thành lông mu; kích thước âm hộ sẽ phát triển lớn hơn trước đây và có màu sậm hơn; có mùi cơ thể nặng hơn…
Theo bác sĩ Dung, vùng da ở khu vực âm hộ và xung quanh hậu môn thông thường sẽ có màu thẫm hơn những vùng da khác trên cơ thể. Do đó, nếu phụ huynh thấy con gái có biểu hiện thâm "vùng kín" tuổi dậy thì không quá hoang mang hay nghi vấn, bởi đơn giản đó là do sắc tố da tạo nên.
Tuy nhiên, một số trường hợp cũng không nên chủ quan, bởi đôi khi thâm "vùng nhạy cảm" cũng xuất phát từ nguyên nhân do ma sát hoặc tổn thương, do nội tiết thay đổi hoặc vệ sinh âm đạo không đúng cách.
Khi vùng kín bị thâm, kết hợp cùng một số triệu chứng khác như ra mủ, ngứa ngáy... thì cần đi khám phụ khoa.
“Trong trường hợp vùng kín bị thâm nhưng không có triệu chứng viêm nhiễm hay bất thường nào thì đây không phải là vấn đề đáng lo ngại và có thể cải thiện được bằng những phương pháp chăm sóc hàng ngày”, bác sĩ Kim Dung cho hay.
Bản thân trẻ hoặc các mẹ cần lưu ý một số vấn đề khi vệ sinh bộ phận sinh dục cho con như dùng nước sạch hoặc dung dịch vệ sinh phù hợp, không sử dụng các sản phẩm như sữa tắm, xà phòng, dầu gội hoặc các chất tẩy rửa khác để rửa vì sẽ làm mất cân bằng độ pH trong âm đạo, dễ khiến da vùng này này bị xỉn màu.
Trong kỳ kinh nguyệt nên chăm sóc kỹ lưỡng vùng kín hơn: Thường xuyên thay băng vệ sinh hoặc tampon, nên rửa sạch âm hộ sau đó lau khô nhẹ nhàng trước khi thay băng vệ sinh mới. Không nên ngâm vùng kín vào chậu nước vì sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn ở hậu môn xâm nhập vào âm đạo dẫn tới viêm nhiễm.
Sau khi đi vệ sinh xong nên dội lại khu vực nhạy cảm bằng nước sạch và dùng giấy lau từ trước ra sau, tránh lau theo chiều ngược lại từ hậu môn về phía âm hộ vì sẽ khiến vi khuẩn di chuyển vào âm đạo. Nếu "vùng kín" bị mọc mụn, có mủ, dịch tiết bất thường, ngứa ngáy khó chịu... hãy đi khám ngay để tìm hiểu nguyên nhân và được điều trị đúng cách. Cần lựa chọn những loại quần lót làm từ chất liệu mỏng mịn, mềm mại, thoáng khí, không nên mặc loại quần bó sát, không thấm mồ hôi.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi