Trong mâm cỗ ngày đầu năm mới bao giờ cũng không thể thiếu một đĩa gà luộc. Người Việt cho rằng thịt gà tượng trưng cho con đường tài lộc hanh thông, ăn thịt gà ngày đầu năm sẽ giúp cả năm no đủ, may mắn.
Xét về mặt dinh dưỡng, thịt gà thực sự là một trong những loại thịt tốt cho sức khỏe. Trong 100g thịt gà mái cho 20,3g protid; 13,1g lipid; 12mg vitamin A; 6,16mg vitamin B2; 8,1mg vitamin PP; 4mg vitamin C; 12mg Ca; 200mg P; 1,5mg Fe và 200 calo...
Trong Đông y, thịt gà cũng được cho rằng có nhiều công dụng trong việc chữa bệnh. Theo lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông Y Hà Nội): "Trong Đông y, thịt gà gọi là kê nhục, vị ngọt, tính ấm, không độc. Có tác dụng ôn trung ích khí, bổ tinh tủy. Thường dùng cho các trường hợp gầy yếu sút cân, suy kiệt, đầy bụng không tiêu, ăn kém, tiêu chảy, lỵ, phù nề, tiểu dắt, di niệu, đái hạ, huyết trắng, sau đẻ ít sữa, bệnh đái tháo đường…".
Dù gà ngon miệng và có thể sử dụng để trị nhiều bệnh nhưng có một số bộ phận của gà không nên tiêu thụ quá nhiều.
4 bộ phận của gà nên lược bỏ khi ăn
1. Phần da gà
Dù rằng da gà giòn và béo, nhưng giới chuyên gia lại cho rằng đây là bộ phận không nên ăn nhiều. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Cán bộ Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), da gà là nơi thường tiếp xúc trực tiếp với lông gà, nằm ở lớp ngoài cùng nên dễ bị nhiễm ký sinh trùng và vi khuẩn ký sinh. Da gà khó làm sạch nên khi ăn, người dùng cần cẩn trọng để không hấp thụ "ổ vi khuẩn" vào cơ thể.
Đặc biệt là khi đang mắc một số bệnh như gút, tiểu đường, huyết áp cao... thì càng không nên ăn da gà vì da gà có chứa nhiều chất béo và có hàm lượng cholesterol cao.
2. Phao câu gà
Phao câu gà là bộ phận tập trung tuyến dịch bạch huyết, nơi chứa đại thực bào. Tế bào này có khả năng ăn vi khuẩn, nhưng lại không thể tiêu diệt được chúng, vì thế theo thời gian sẽ là nơi trú ẩn của hàng loạt vi rút và vi khuẩn, gây hại cho sức khỏe. Hơn nữa, phao câu gà là bộ phận có mùi hôi, có nhiều chất béo, do đó tốt nhất là không nên ăn nhiều.
3. Phổi gà
Phổi gà là một trong những bộ phận không nên ăn vì chúng "bẩn" hơn những gì bạn có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Ở trong các phế nang của phổi gà thường tích tụ rất nhiều vi khuẩn. Sau khi gà bị giết, vi khuẩn trong phổi sẽ càng "lộng hành", chúng sinh sôi rất nhanh, kể cả việc rửa phổi gà ở nhiệt độ cao nhưng khó mà giết hết được lượng vi khuẩn đó.
4. Cổ gà
Phần cổ gà thường chứa nhiều da, rất thơm ngon nhưng đây lại là nơi tập trung rất nhiều hạch bạch huyết. Nếu ăn nhiều bộ phận này, khác nào tự bổ sung một lượng độc tố không nhỏ vào cơ thể.
Thịt gà ngon, nhưng những người này tốt nhất là không nên ăn nhiều
Lương y Vũ Quốc Trung cho rằng không phải ai cũng nên ăn thịt gà. Nếu mắc những bệnh sau mà ăn thịt gà thì hậu quả khôn lường:
1. Người mới phẫu thuật
Lương y Trung cho biết những bệnh nhân mới mổ xong mà ăn thịt gà sẽ gây cảm giác ngứa da. Dù còn phụ thuộc vào cơ địa của từng người nhưng tốt nhất là tránh ăn.
2. Người đang bị thủy đậu
Người bị thủy đậu nên kiêng ăn thịt gà, đặc biệt là phần da bởi nó sẽ gây ngứa, khó chịu ở các nốt thủy đậu. Đồng thời dễ để lại sẹo.
3. Người bị vết thương hở
Thịt gà vốn có tính nóng nên có thể gây ra hiện tượng sưng, mưng mủ vết thương. Ăn nhiều gà sẽ làm da lâu lành, dễ bị viêm nhiễm.
4. Người đang bị táo bón, khó tiêu
Ăn nhiều thịt gà rất khó tiêu. Những người có vấn đề về tiêu hóa nên tránh ăn thịt gà vì chúng không có lợi về mặt tiêu hóa, sẽ khiến bệnh thêm trầm trọng.