Ekip phẫu thuật do bác sĩ CKII. Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Khoa Ung bướu 1, BV Bãi Cháy, Quảng Ninh vừa mổ cấp cứu cho bệnh nhân là ông Phạm V.H (60 tuổi, Hải Phòng) có tiền sử uống rượu nhiều năm, xơ gan, suy tim-rung nhĩ. Ông được người nhà đưa vào cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội vùng thượng vị, đầy chướng bụng.
Bệnh nhân được chẩn đoán bị thủng tạng rỗng trên nền thiếu thiếu máu nặng, suy tim, suy thận, xơ gan. Đây là bệnh lý cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm, cần phải phẫu thuật khẩn cấp để cứu người bệnh thoát nguy cơ tử vong do nhiễm trùng, nhiễm độc ổ bụng.
Bệnh nhân bị thủng tạng rỗng.
Bác sĩ Dũng cho biết, thủng tạng rỗng là bệnh lý cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao do sốc nhiễm trùng, nhiễm độc nặng. Đặc biệt phẫu thuật cho bệnh nhân cao tuổi, kèm theo nhiều bệnh lý nền nặng nề thì nguy cơ tử vong do biến chứng mất máu, rò bục miệng nối rất cao. Đặc biệt, quá trình hồi sức phục hồi thể trạng sau phẫu thuật góp phần quan trọng vào sự thành công cứu sống người bệnh.
Theo bác sĩ, có nhiều nguyên nhân gây thủng tạng rỗng như chấn thương bụng kín, dị vật đường tiêu hóa, khối u, viêm ruột hoại tử…, thường gặp nhất là biến chứng ổ loét dạ dày – tá tràng. Thủng tạng rỗng nếu không được chẩn đoán, xử trí sớm sẽ dẫn đến những biến chứng đe dọa tính mạng người bệnh như viêm phúc mạc, nhiễm trùng, nhiễm độc ổ bụng…
Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo khi có các dấu hiệu đau bụng đột ngột dữ dội, bụng co cứng, nôn hoặc buồn nôn, bí trung đại tiện, sốt…, người bệnh cần phải đến cơ sở y tế thăm khám, điều trị sớm thủng tạng rỗng. Với những người bệnh có triệu chứng của bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng như nóng rát vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua… cần điều trị dứt điểm, tránh biến chứng nguy hiểm như thủng ổ loét, chảy máu dạ dày, ung thư.
Nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, phòng chống những nguy cơ bệnh tật và tai nạn nguy hiểm do sử dụng rượu, bia, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo: Mọi tổ chức, cá nhân tuân thủ thực hiện các quy định của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Hãy hạn chế uống rượu, bia vì không có ngưỡng nào là an toàn. Trong trường hợp có uống thì không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam, một đơn vị cồn/ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần (1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); 1 cốc bia hơi 330 ml; 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%).
Đặc biệt, không sử dụng rượu bia trong các trường hợp: điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên.