Bệnh nhân là bà H.K.A (54 tuổi), nhập viện trong tình trạng có một khối bướu khủng ở âm hộ, xâm lấn toàn bộ vùng âm hộ lan hết vùng bẹn và 2 bên đùi, bên cạnh đó còn xâm lấn một phần xương mu. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy khối bướu là sarcoma nên hầu như không đáp ứng với hoá trị hay xạ trị.
"Để cứu bệnh nhân thì chỉ có phương án phẫu thuật, cắt thật rộng để lấy hết bướu và bờ diện cắt an toàn, sau đó sẽ xạ trị thêm. Tuy nhiên phẫu thuật cắt rộng chắc chắn sẽ thiếu da và để lại khuyết hổng rất lớn", bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu cho biết.
Bác sĩ Tiến cùng đồng nghiệp đang tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.
Theo bác sĩ Tiến, đây là ca bệnh phức tạp và làm đau đầu các bác sĩ trong khoa. Nhưng may mắn là trong thời gian qua bệnh viện vừa mới thành lập tổ phẫu thuật tạo hình gồm nhiều chuyên gia phẫu thuật tạo hình có nhiều kinh nghiệm. Việc tạo hình khuyết hổng tức thời cho phép cắt tận gốc hơn vùng âm hộ bị ảnh hưởng do có bờ diện cắt an toàn hơn. Phương pháp tạo hình âm hộ sẽ giúp che phủ lại vùng khuyết hổng ở âm hộ và phục hồi lại chức năng cho vùng bị ảnh hưởng với một mức độ thẩm mỹ chấp nhận được.
"Sau 5 giờ phẫu thuật với nhiều kỹ thuật tạo hình phức tạp từ những vạt da cơ vùng bụng dưới không những cắt rộng, lấy được toàn bộ khối bướu mà còn che hết lỗ khuyết khổng lồ với những vạt da sống. Khối bướu được bóc tách khỏi cơ thể bệnh nhân nặng hơn 3kg, có kích thước khoảng 20x15 cm”, bác sĩ Tiến thông tin.
Khối bướu được bóc tách khỏi cơ thể bệnh nhân nặng hơn 3kg.
Theo bác sĩ Tiến, ung thư âm hộ thường xảy ra trên mặt ngoài của bộ phận sinh dục nữ. Âm hộ là vùng da bao quanh niệu đạo và âm đạo, bao gồm âm vật và môi lớn, môi bé.
Ung thư âm hộ thường biểu hiện như một nốt hoặc một vết loét gây ngứa. Vị trí ung thư âm hộ thường gặp nhất là ở môi lớn. Các vị trí khác như môi nhỏ, âm vật hay các tuyến âm đạo thì ít gặp hơn. Mặc dù có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng bệnh thường gặp ở người lớn tuổi.
Ung thư âm hộ thường phát triển chậm, các tế bào bất thường có thể phát triển ở da âm hộ trong nhiều năm. Bệnh lý này được gọi là tân sinh trong biểu mô âm hộ (VIN). Các tổn thương này sẽ phát triển thành ung thư âm hộ nên cần được điều trị sớm.
Cách điều trị thường là phẫu thuật lấy đi khối bướu và một ít mô lành xung quanh. Đôi khi cần phải cắt âm hộ toàn bộ nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn trễ, khối bướu lớn. Nếu được phát hiện sớm, việc điều trị sẽ đơn giản và hiệu quả hơn nhiều.