Mắc ung thư nhưng tưởng viêm họng, sâu răng thông thường

Sau khi điều trị không thuyên giảm, vùng lợi của bệnh nhân này sưng to dần lên, chảy máu, ăn uống kém. Đến khám tại bệnh viện thì hóa ra bị ung thư lợi giai đoạn 4.

Bệnh nhân N.T.B. (69 tuổi, trú tại Đông Anh, Hà Nội) đến khám tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội sau một thời gian điều trị các triệu chứng viêm họng, sâu răng không khỏi, phần lợi ngày càng sưng to.

Sau khi làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ phát hiện khối u đã ăn vào xương hàm dưới. Bệnh nhân được chẩn đoán: K lợi hàm dưới trái, bệnh đã tiến triển đến giai đoạn 4.

Qua hội chẩn liên khoa, các bác sĩ nhận định phương pháp hóa xạ trị ít đáp ứng với khối u này. Tác dụng phụ của phương pháp xạ trị sẽ làm bệnh nhân bị khít hàm, nấm miệng, khô tuyến nước bọt. Đặc biệt có thể gây hoại tử và gãy xương hàm dưới làm bệnh nhân mất khả năng ăn nhai. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt khối ung thư lợi hàm dưới triệt căn có tạo hình một thì.

Mắc ung thư nhưng tưởng viêm họng, sâu răng thông thường - Ảnh 1.

Các bác sĩ Khoa Ngoại đầu cổ đã tiến hành ca mổ kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ. Bệnh nhân được cắt rộng khối u, vét hạch cổ phòng chống di căn. Đồng thời, tạo vạt xoay tại chỗ để tạo hình che khuyết hổng trong khoang miệng, cắt 3cm đoạn xương hàm từ góc xương hàm, đặt nẹp vít sinh học để có thể điều trị bổ trợ sau mổ.

Kỹ thuật đặt nẹp vít sinh học là kỹ thuật mới trong phẫu thuật điều trị ung thư tại các bệnh viện chuyên khoa ung bướu. Kỹ thuật này có nhiều ưu điểm như chỉnh hình khớp cắn để có thể ăn nhai được sau mổ, ít tai biến, dò vết mổ so với nẹp titan, giảm đau đớn và đảm bảo về mặt thẩm mĩ cho bệnh nhân, có thể điều trị bổ trợ tiếp theo sau mổ.

Sau mổ, bệnh nhân tỉnh táo ngay, sức khỏe hồi phục tốt. Sau 48 giờ, bệnh nhân đã có thể ăn cháo và dự kiến sau 10 ngày, bệnh nhân có thể ăn nhai bình thường. Đặc biệt, sau phẫu thuật, khuôn mặt bệnh nhân hầu như không thay đổi.

TS.BS Đàm Trọng Nghĩa, Trưởng Khoa Ngoại đầu cổ cho biết: K lợi hàm dưới là một loại ung thư tương đối hiếm gặp. Những người hay ăn trầu, vệ sinh răng miệng kém, nhiễm HIV hoặc có tiền sử bạch sản, dị sản vùng khoang miệng có nguy cơ cao mắc phải căn bệnh này. Đáng lưu ý, bệnh không có triệu chứng điển hình, khó phát hiện.

Bệnh nhân dễ bị lầm tưởng với một số triệu chứng cơ bản của bệnh răng hàm mặt, tai mũi họng thông thường nên thường có tâm lý chủ quan. Khối u không được điều trị kịp thời sẽ tiến triển ăn vào xương hàm, gây chảy máu, hoại tử xương hàm dưới, bệnh nhân không ăn nhai được dẫn đến cơ thể suy kiệt, chất lượng sống suy giảm và thời gian sống khó kéo dài.

Do đó, TS.BS Đàm Trọng Nghĩa khuyến cáo: Nếu có triệu chứng viêm loét miệng, chảy máu vùng hàm, lợi mà điều trị sau 3 tuần đến 1 tháng không đỡ, người dân nên đến các bệnh viện ung bướu khám chuyên khoa để tầm soát phát hiện sớm ung thư.