Quảng Châu Nhật báo đưa tin, tòa án ở tỉnh Chiết Giang đã đưa ra phán quyết rằng, công ty phải chịu trách nhiệm 20% về cái chết của người đàn ông tên A Bảo.
Tòa án nhận thấy A Bảo qua đời vì suy đa tạng do nhiễm khuẩn phế cầu, thường liên quan đến hệ miễn dịch suy yếu.
Sự việc này đã gây ra sự phẫn nộ rộng rãi ở Trung Quốc và khơi mào một cuộc thảo luận về cách đối xử với người lao động trong nước.
Người đàn ông qua đời do làm việc quá sức.
Tháng 2 năm ngoái, A Bảo đã ký hợp đồng làm thợ sơn cho một công ty (tòa án không tiết lộ tên). Hợp đồng dự kiến kéo dài đến tháng 1 năm nay. Sau đó, anh được giao nhiệm vụ làm một dự án ở Châu Sơn, tỉnh Chiết Giang.
A Bảo làm việc liên tục trong 104 ngày từ tháng 2 đến tháng 5 năm ngoái sau khi ký hợp đồng, chỉ với 1 ngày nghỉ vào ngày 6/4. Vào ngày 25/5, anh nghỉ ốm vì cảm thấy không khỏe và dành cả ngày để nghỉ ngơi.
Vào ngày 28/5, tình trạng của A Bảo xấu đi nhanh chóng. Anh được đồng nghiệp đưa đến bệnh viện, nơi anh được chẩn đoán mắc nhiễm trùng phổi và suy hô hấp. Tuy nhiên, anh đã qua đời vào ngày 1/6.
Trong quá trình điều tra ban đầu về cái chết của A Bảo, các quan chức bảo hiểm xã hội cho biết, vì đã quá 48 giờ kể từ khi anh bị bệnh đến khi qua đời nên không thể được phân loại là tai nạn lao động. Gia đình anh sau đó đã đâm đơn kiện đòi bồi thường, cáo buộc chủ lao động sơ suất.
Đáp lại, công ty lập luận rằng khối lượng công việc của A Bảo là có thể quản lý được và bất kỳ giờ làm thêm nào cũng là tự nguyện. Họ tiếp tục cho rằng, cái chết của anh là do các vấn đề sức khỏe trước đó cùng với việc thiếu can thiệp y tế kịp thời, khiến tình trạng của anh xấu đi.
Tòa án xác định việc liên tục làm suốt 104 ngày của A Bảo đã vi phạm luật. Theo Luật Lao động Trung Quốc quy định tối đa 8 giờ làm việc mỗi ngày và trung bình 44 giờ mỗi tuần.
Tòa án đưa ra phán quyết rằng, việc công ty vi phạm quy định lao động đóng một vai trò quan trọng trong việc làm suy yếu hệ miễn dịch của A Bảo, dẫn tới cái chết của anh. Vì thế, công ty phải chịu trách nhiệm 20% về bi kịch này.
Gia đình của A Bảo nhận được 400.000 nhân dân tệ (khoảng 1,4 tỷ đồng) tiền bồi thường, bao gồm 10.000 nhân dân tệ (khoảng 35 triệu đồng) cho tổn thương tinh thần do cái chết gây ra.
Công ty kháng cáo phán quyết, nhưng Tòa án nhân dân trung cấp Châu Sơn đã duy trì phán quyết ban đầu vào tháng 8.
Vụ án đã gây ra những cuộc thảo luận và phẫn nộ rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc.
“Sơn là một công việc vốn có hại cho sức khỏe. Ở tuổi 30, anh ta đã mất mạng và gia đình bị tan vỡ. Tòa án chỉ yêu cầu bồi thường 400.000 nhân dân tệ. Điều còn đáng phẫn nộ hơn là công ty đã kháng cáo phán quyết ban đầu, không tỏ ra thông cảm, họ có còn là con người không”, một cư dân mạng bình luận.
Một người khác đồng tình với quan điểm đó: “Thật đau lòng khi thấy điều này. Làm việc như thế này thực sự là trao đổi cuộc sống của người ta lấy tiền”.
Cái chết của A Bảo không phải là chuyện quá xa lạ, vì những cái chết liên quan đến điều kiện làm việc khắc nghiệt ở Trung Quốc phổ biến trong những năm gần đây.