Trẻ nhỏ cũng bị đột quỵ
Mới đây, một bé gái 10 tuổi ở Hậu Giang đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng xuất huyết não. Trước khi bị đột quỵ bé đang đi học bình nhưng đột ngột có biểu hiện đau đầu dữ dội, nôn ói. Ngay sau khi được người nhà đón về, bé không nói rõ, chân không đứng vững nữa và được chuyển ngay vào bệnh viện. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bé bị dị dạng mạch máu não bẩm sinh cần can thiệp nội mạch bằng công nghệ DSA. May mắn xử lý kịp thời, bé đã tỉnh, sức khỏe diễn biến tốt.
Trên thực tế, có nhiều trường hợp trẻ bị đột quỵ mà người lớn thường không để ý. Tại bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM) cũng đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhi chỉ 3 tuổi bị đột quỵ. Người nhà đưa bé đến khám tại địa phương trong tình trạng lơ mơ dần, được theo dõi viêm màng não.
Ảnh minh họa
Theo Hiệp hội Đột quỵ Mỹ, đột quỵ ở trẻ em ngoài phân loại theo xuất huyết, nhồi máu như đột quỵ người lớn sẽ phân theo tuổi. Đột quỵ xảy ra từ 28 tuần thai đến 28 ngày sau sinh là đột quỵ chu sinh và đột quỵ trẻ em từ 28 ngày sau sinh đến 18 tuổi.
Đột quỵ ở trẻ em bản chất không khác đột quỵ ở người lớn đều là tình trạng nhồi máu não hoặc xuất huyết não. Đột quỵ trẻ em phần lớn là xuất huyết não. Nguyên nhân là do vỡ dị dạng mạch máu bẩm sinh mà không có bất kỳ triệu chứng nào hoặc một số ít có biểu hiện. Triệu chứng như đau đầu, co giật, động kinh, rối loạn thị lực, rối loạn phối hợp vận động… Tuy nhiên, nhiều cha mẹ chủ quan, nhầm lẫn với bệnh lý khác mà khiến trẻ gặp nguy hiểm khi cấp cứu chậm.
Xử trí sớm hồi phục cao
PGS.TS. BS Kiều Đình Hùng - Khoa Ngoại thần kinh, Cột sống và Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện ĐH Y Hà Nội) chia sẻ rằng, đột quỵ hay còn gọi là tai biến là căn bệnh nguy hiểm có khả năng cướp đi tính mạng của bệnh nhân rất nhanh chóng. Nếu có qua khỏi thì 70% sẽ để lại di chứng ở các mức độ khác nhau. Do đó việc xử trí sớm và đúng cách vô cùng quan trọng giúp bệnh nhân tăng khả năng điều trị và phục hồi.
Đột quỵ được chia thành 2 loại là chảy máu và nhồi máu (tắc mạch), nguyên nhân, triệu chứng lâm sàng và điều trị khác nhau. Dấu hiệu đột quỵ thường thấy là đau đầu dữ dội, liệt ½ người hoặc nói khó, nặng hơn có thể đi vào lơ mơ và hôn mê. Những bệnh nhân cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch, xơ vữa động mạch hoặc dị dạng động tĩnh mạch, phình mạch não… hay xảy ra. Khi có các dấu hiệu trên bệnh nhân cần phải nhập viện ngay.
Thông thường các bác sĩ sẽ chụp cắt lớp hoặc cộng hưởng từ, kèm theo chụp mạch não sẽ biết được loại đột quỵ do chảy máu hay do tắc mạch. Trường hợp đột quỵ do chảy máu trên phim chụp mạch nếu có dị dạng hoặc phình mạch cần phải xử trí cấp cứu có thể phẫu thuật hoặc can thiệp mạch. Nếu trước đây phẫu thuật là chủ yếu, ngày nay cần thiệp mạch là phương pháp tối ưu nhất vì ít làm tổn thương đến não. Trường hợp khối máu tụ lớn có thể cần phải phẫu thuật để lấy khối máu tụ để giải phóng chèn ép não. Trường hợp đột quỵ do tắc mạch nhỏ, dùng thuốc tiêu sợi huyết sẽ giúp tiêu cục máu đông và tái thông mạch máu.
Những trường hợp tắc mạch lớn bệnh nhân nhập viện trước 6 giờ (tốt nhất trước 3 giờ), bác sĩ sẽ dùng ống thông hút khối máu đông làm tắc mạch, thường kết quả rất tốt. Bệnh nhân có thể tỉnh táo và hết liệt ngay sau khi can thiệp. Còn những trường hợp đến muộn không có chỉ định tái thông, thuốc tiêu sợ huyết kết quả rất hạn chế.
Các chuyên gia khuyến cáo, với đột quỵ trẻ em rất khó phòng ngừa do không thường gặp và nhiều yếu tố nguy cơ. Một khi bệnh nhi đã có đột quỵ, sau khi điều trị đột quỵ cấp cần phòng ngừa tái phát bằng việc tìm nguyên nhân, yếu tố nguy cơ để có cách điều trị các nguyên nhân bệnh nền phù hợp. Cha mẹ không nên chủ quan khi thấy trẻ có những dấu hiệu như nhức đầu đột ngột, nôn, yếu liệt nửa người…
Phát hiện sớm các dị dạng mạch máu não bằng cách chụp MRI não và mạch não để tầm soát, đặc biệt là những người trong gia đình có tiền sử dị dạng mạch não. Ngoài ra cần phải phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý như: cao huyết áp, xơ vữa động mạch, tiểu đường và các bệnh tim mạch. Ở trẻ nhỏ thường đột quỵ chủ yếu là do dị dạng mạch máu não nhưng cha mẹ cần chú ý đến thói quen sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng lành mạnh, nhiều rau xanh để trẻ có sức đề kháng.