BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, BV Nhiệt đới Trung ương lý giải vì sao có người uống rượu nhanh say. Bên cạnh đó, có người uống rượu lại lâu say?
Theo BS Cấp, rượu được hấp thu một phần ở dạ dày, phần lớn ở ruột non. Tốc độ hấp thu rượu sau khi uống phụ thuộc nồng độ rượu uống vào, dạ dày rỗng hay đã có thức ăn khi uống rượu. Sau khi hấp thu rượu được chuyển hóa tại dạ dày và gan.
Việc rượu hấp thu nhanh hay chậm (chóng say hay lâu say) phụ thuộc vào uống rượu nồng độ mạnh hay nhẹ
Có 2 enzym tham gia chuyển hóa rượu là hệ enzyme ADH - ALDH và CYP P450. Enzyme ADH chuyển hóa ethanol thành Acetaldehyte và sau đó ALDH chuyển hóa Acetaldehyte thành Acetat để cơ thể tiêu thụ sinh năng lượng. Khi uống quá nhiều rượu, hệ ADH-ALDH bị bão hòa thì hệ CYPE P450 hoạt động đề hỗ trợ.
Những người uống rượu thường xuyên thì có thể tăng hoạt tính của hệ CYP P450 nên người uống rượu thường xuyên sẽ chuyển hóa rượu tốt hơn người ít khi uống. Tuy nhiên khi uống thường xuyên, kéo dài dẫn đến giảm chức năng gan và xơ gan thì các hệ enzyme này lại giảm đi.
“Do vậy, việc rượu hấp thu nhanh hay chậm (chóng say hay lâu say) phụ thuộc vào ta uống rượu nồng độ mạnh hay nhẹ, uống khi dạ dày rỗng hay đã có thức ăn, và đặc tính của thức ăn có giúp cản trở hấp thu rượu hay không”, BS Cấp nói.
Còn việc chuyển hóa rượu tốt hay không tốt tùy thuộc cơ địa và thể trạng người uống có hệ enzyme chuyển hóa rượu tốt hay không tốt.
Bởi vậy, sau khi uống bao lâu thì hết nồng độ cồn trong máu phụ thuộc vào việc uống nhiều hay ít, rượu nặng hay nhẹ, uống rượu khi đói hay uống khi đã ăn những thức ăn làm chậm hấp thu rượu và cơ địa, thể trạng người uống có cho phép chuyển hóa rượu tốt hay không.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, người uống càng nhiều thì nồng độ cồn trong máu càng cao. Hấp thu nhanh nhất là rượu 20 độ.
Rất nhiều người tưởng rằng mình uống mãi không say và uống rất nhiều.
Thời điểm uống rượu: Cơ thể càng đói hấp thu rượu càng nhanh. Khi có thức ăn, quá trình hấp thu chậm hơn.
Người uống kéo dài, triền miên, rượu tồn tại trong cơ thể lâu hơn. Một số trường hợp cá biệt phụ thuộc vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến thời gian chuyển hóa nồng độ cồn.
Chính vì thế, rất nhiều người tưởng rằng mình uống mãi không say và cứ thế uống tiếp. Uống đến một mức nào đó cơ thể sẽ bị ngộ độc và sẽ có nguy cơ tử vong.
Chuyên gia khuyến cáo, nam giới khỏe mạnh không nên uống quá hai đơn vị cồn, nữ giới khỏe mạnh không quá một đơn vị cồn mỗi ngày và uống dưới 5 ngày/tuần. (Một đơn vị cồn có thể hiểu tương đương 10 gam cồn nguyên chất, khoảng 3/4 lon bia 330ml (5%), một ly rượu vang 100ml (13,5%) hay một chén rượu mạnh 30ml (40%).