Đều trải qua quá trình tiêm kích trứng để có con nhưng bà Nhân Vlog và nữ ca sĩ Minh Hằng lại có những phản ứng khác biệt, trái ngược nhau. Trong khi Minh Hằng chọn cách tìm hiểu kỹ lưỡng quy trình thực hiện của phương pháp thụ tinh ống nghiệm "để có thể biết được mọi thứ diễn ra theo trình tự như thế nào nhưng nó lại không như mình nghĩ" thì có vẻ như bà Nhân Vlog đã bỏ qua bước này khi nhầm lẫn thời gian hút trứng sau khi tiêm kích thích buồng trứng là 12 giờ thay vì 36 giờ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Phản ứng đối lập của nữ ca sĩ Minh Hằng và bà Nhân Vlog khi cùng thực hiện tiêm kích trứng
Bên cạnh đó, theo hình ảnh chia sẻ của Minh Hằng, có thể thấy người đẹp 8x mạnh mẽ và bình tĩnh mỗi lần thực hiện tiêm. Nữ ca sĩ chỉ kêu lên vài câu và tiếp tục quá trình tiêm kích trứng. Nhìn lại hình ảnh của bà Nhân Vlog, việc tiêm kích trứng được "lột tả" là vô cùng đau đớn, lăn lộn, bật khóc...
Thực tế, tiêm kích trứng là một bước vô cùng quan trọng trong cả 2 thụ tinh nhân tạo (IUI) và thụ tinh trong ống nghiệm (IUI).
Tiêm kích trứng là gì?
Đối với phụ nữ có chức năng buồng trứng thông thường, buồng trứng giải phóng một quả trứng mỗi tháng trong quá trình rụng trứng. Nếu nó gặp tinh trùng thích hợp sẽ thụ tinh thành phôi thai. Tuy nhiên, tùy vào một số yếu tố, chẳng hạn như độ tuổi của phụ nữ, khả năng làm tổ và phát triển của phôi thai đó sẽ là khoảng 5 - 20%. Những trứng trưởng thành thì được giải phóng vào vòi trứng, các trứng chưa trưởng thành còn lại (nang) sẽ bị thoái hóa. Do đó, trong điều trị vô sinh hiếm muộn, mục đích chính là làm sao để thu được nhiều trứng trưởng thành nhất có thể. Và đây chính là "trách nhiệm" của việc tiêm kích trứng.
Theo Bệnh viện KJK (Ấn Độ), mục đích của việc kích trứng là thu hoạch số lượng trứng trưởng thành tối đa từ buồng trứng của người phụ nữ. Do đó, cơ hội trứng được thụ tinh là cao nhất. Quy trình kích thích buồng trứng có thể mất khoảng 8 đến 14 ngày để nang trứng phát triển tối ưu.
Tiêm kích trứng sẽ được thực hiện ở đâu?
Có nhiều cách đưa thuốc vào cơ thể nhưng các thuốc kích thích buồng trứng thường được dùng qua 2 đường: tiêm dưới da (thường tiêm quanh rốn, cách rốn 3-5 cm) và tiêm bắp (tiêm mông hoặc tiêm mặt trong đùi).
Ảnh minh họa: inviTRA
Người phụ nữ sẽ phải trải qua quá trình kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo rằng không có bất kỳ biến chứng tiềm ẩn nào trong quá trình kích thích buồng trứng. Trong thủ thuật kích thích buồng trứng, bác sĩ sẽ tiêm thuốc kích thích hormone kích thích nang trứng (FSH) hoặc hormone Luteinizing (LH). Điều này lần lượt kích hoạt buồng trứng sản xuất trứng trưởng thành hơn. Ngay trước quá trình rụng trứng trong cơ thể có khả năng tăng nồng độ LH. Một mũi kích hoạt hCG (Human Chorionic Gonadotropin) được tiêm để rụng trứng tốt hơn. Và một lần nữa, nếu các nang trứng của người phụ nữ chậm phát triển thì có thể cần dùng thuốc trong thời gian dài hơn. Thời điểm thích hợp và sự cẩn trọng tối đa chắc chắn là nền tảng của quy trình kích thích buồng trứng này. Cả kích thích quá ít và kích thích quá mức đều được phát hiện là nguyên nhân khiến quy trình thất bại. Vì vậy, việc tiêm kích thích phải đúng thời điểm, đúng liều lượng và người phụ nữ phải thường xuyên tham gia xét nghiệm siêu âm để kiểm tra khả năng buồng trứng kích thích tốt để tạo ra nhiều nang trứng.
Tiêm kích trứng có đau không?
Với sự phát triển của ngành công nghệ dược phẩm, việc tiêm thuốc kích trứng hiện nay hầu như không gây cảm giác khó chịu, đau đớn hay mệt mỏi cho những chị em tham gia các biện pháp hỗ trợ sinh sản.
Tiêm kích trứng trong IVF và IUI có gì khác nhau?
Trước tiên, chúng ta cần hiểu IVF và IUI là gì dưới sự giải thích của chuyên gia vô sinh hiếm muộn người Mỹ Jenna M. Rehmer chia sẻ trên Cleverland Clinic.
Tiêm kích trứng trong IUI
Đối với IUI, trong quá trình thụ tinh trong tử cung, tinh trùng được đặt trực tiếp vào tử cung của người phụ nữ, điều này làm giảm khoảng cách mà tinh trùng phải di chuyển và giúp nó có cơ hội tiếp cận trứng tốt hơn.
Do đó, việc kích trứng trong IUI sẽ chỉ cần tạo ra từ 1 - 3 nang noãn trưởng thành, đẩy nhanh quá trình phóng noãn để giúp tăng cơ hội có thai. IUI thích hợp để áp dụng trong những trường hợp như: Tinh trùng yếu; Bất thường về phóng tinh; Rối loạn phóng noãn; Mắc bệnh lý ở cổ tử cung; Vô sinh không rõ nguyên nhân; Lạc nội mạc tử cung mức độ nhẹ và vừa; Bơm tinh trùng nếu người chồng không có tinh trùng.
Ảnh minh họa: fertilityexperts.org
Tiêm kích trứng trong IVF
Trong khi đó, thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) bao gồm một vài bước nữa. Mục tiêu của việc tiêm kích trứng là tạo ra 10 đến 15 nang chứa trứng, tối thiểu mỗi lần kích trứng cần phải thu về được từ 8 - 10 trứng đạt chuẩn.
Các trường hợp dưới đây sẽ được chỉ định tiến hành IVF: Bất sản ống dẫn tinh; Tinh trùng yếu nặng; Người vợ đã lớn tuổi; Người vợ bị suy buồng trứng sớm; Người chồng không có tinh trùng; Buồng trứng giảm dự trữ; Yếu tố tai vòi; Đã từng thực hiện IUI nhiều lần nhưng không đạt hiệu quả.
Tác dụng phụ của tiêm kích trứng?
Theo Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), việc tiêm kích trứng có thể mang đến một số tác dụng phụ không mong muốn như:
- Khi buồng trứng bị kích thích nó sẽ trở nên to hơn khiến bầu ngực và vùng bụng dưới có cảm giác trì nặng, căng tức và có thể dẫn tới phản ứng buồn nôn. Triệu chứng này thường diễn ra vào 2 - 3 ngày cuối trong quá trình kích trứng, tới khi chọc hút trứng nó sẽ biến mất;
- Đối với những trường hợp tiến hành thụ tinh nhân tạo IUI thì sẽ làm tăng tỷ lệ mang đa thai - rủi ro thai sản sẽ lớn hơn rất nhiều lần so với việc mang đơn thai;
- Đối với thụ tinh ống nghiệm IVF, bệnh nhân có thể bị quá kích buồng trứng - một trong những biến chứng vô cùng nghiêm trọng khi thực hiện phương pháp này.
Đặc biệt, nếu người phụ nữ gặp phải một trong những triệu chứng sau sau khi tiêm kích trứng thì cần thông báo với bác sĩ càng sớm càng tốt:
- Bụng bị căng tức quá mức;
- Tiêu chảy;
- Tiểu ít;
- Bụng đau lâm râm hoặc vùng bụng dưới bị đau quặn thắt;
- Chỉ sau một vài ngày tiêm kích trứng đã bị tăng cân nhẹ hoặc tăng rất nhanh;
- Tụt huyết áp, khó thở, tim đập nhanh.
Nguồn tham khảo: NIH, KJK Hospital, BV ĐKQT MEDLATEC