Vỏ hàu tưởng vứt đi nhưng lại có tác dụng không ngờ

Mẫu lệ là vỏ của con hàu, con hà. Đây là loại thực phẩm rất quen thuộc với chúng ta, không chỉ cung cấp giá trị dinh dưỡng mà vỏ của chúng còn làm vị thuốc để trị bệnh…

1. Đặc điểm vị thuốc

Mẫu lệ còn gọi là vỏ hàu, vỏ hà, hà sông…

Tên khoa học: Ostrea sp.

Thuộc họ: Mẫu lệ (Ostridae)

Mẫu lệ là vỏ phơi khô của nhiều loại hàu hay hà như hàu cửa sông (còn gọi là hàu cồn, hà sông).

Hàu cửa sông là loại hàu vỏ to và dày, có nhiều hình dáng kích thước như tròn, dài, bầu dục… Do bám chen chúc vào nhau trên các vật bám khác nhau nên tạo ra những hình dáng khác nhau.

Mặt ngoài của vỏ hàu có màu sẫm. Mặt trong của vỏ thường có màu trắng, có vỏ màu vàng tím, óng ánh như xà cừ. Đối với hàu nhiều tuổi thì lớp vỏ có thớ xếp chồng lên nhau theo từng lớp.

Vỏ hàu chế biến vị thuốc mẫu lệ có thể thu nhặt quanh năm, loại bỏ thịt, lấy vỏ rửa sạch, phơi hoặc sấy khô.

Cách bào chế:

- Mẫu lệ khô, khi dùng rửa sạch, làm khô, tán vụn thành bột hoặc nung rồi mới tán bột.

- Mẫu lệ nung: Lấy mẫu lệ đã rửa sạch, đặt trên lò than, nung đến khi thành màu trắng tro xốp, lấy ra để nguội, nghiền nhỏ.

Vỏ hàu tưởng vứt đi nhưng lại có tác dụng không ngờ - 1

Với hàu nhiều tuổi thì lớp vỏ có thớ xếp chồng lên nhau theo từng lớp.

2. Thành phần hóa học của mẫu lệ

Mẫu lệ chứa phần lớn là canxi cacbonat, canxi phophat và canxi sulfat. Ngoài ra còn có magie, nhôm, sắt oxyd, chất hữu cơ. Tuy nhiên, khi nung lên thì không còn chất hữu cơ nữa.

3. Công dụng và liều dùng

Trong Đông y mẫu lệ được dùng làm thuốc chữa đau dạ dày do thừa nước chua (thừa acid), bồi bổ cơ thể suy nhược, mồ hôi trộm, băng huyết.

Dùng ngoài chữa mụn nhọt, lở loét.

Theo tài liệu cổ, mẫu lệ vị mặn, chát, tính hơi hàn, vào 3 kinh can, đởm và thận; có tác dụng tư âm (nuôi âm) tiềm dương, hóa đờm, cố sáp; dùng chữa cốt nhiệt, di tinh bang đới, mồ hôi trộm.

Dùng 3-6 gam/ngày dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột hay thuốc viên.

4. Một số đơn thuốc có mẫu lệ

Vỏ hàu tưởng vứt đi nhưng lại có tác dụng không ngờ - 2

Vị thuốc mẫu lệ.

4.1 Hỗ trợ chữa đau dạ dày: 25g mẫu lệ (nướng qua lửa), 25g lá khôi, 10g hương phụ, 12g khương hoàng, 10g hoài sơn, 5g cam thảo. Các vị thuốc này sấy khô tán bột mịn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 10g uống với nước chín nguội.

4.2 Trị viêm loét dạ dày tá tràng: Long cốt sống và mẫu lệ nung, mỗi vị 30 – 50g. Nếu ngủ kém gia thêm dạ giao đằng 15g, đau thượng vị nhiều gia thêm diên hồ sách 10g. Sắc uống mỗi ngày, chia thành 2 lần uống.

4.3 Trị khí hư kiệt và băng huyết ra không ngừng: Miết giáp và mẫu lệ mỗi vị 90g. Đem tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 4g, ngày dùng 3 lần.

4.4 Thuốc bổ, chữa bệnh có nhiều mồ hôi: Mẫu lệ 10g, hoàng kỳ 4g, ma hoàng căn 4g, cám 10g, nước 600 ml. Sắc còn 200 ml, chia làm nhiều lần uống trong ngày.

4.5 Thuốc chữa khí hư, bạch đới: Mẫu lệ (nung rồi tán nhỏ) 40g, hoa hòe 40g. Hai vị sấy khô, tán bột. Ngày uống 12 g (Theo Bản thảo cương mục).

4.6 Trị mộng tinh, di tinh, đi phân sệt: Mẫu lệ tán bột trộn đều với giấm, làm thành viên hoàn to bằng hạt bắp. Mỗi lần dùng 30 viên, uống ngày 2 lần.

4.7 Hỗ trợ chữa chóng mặt: Mẫu lệ và long cốt mỗi vị 18g, cúc hoa 9g, hà thủ ô và cây kỷ 12g. Sắc uống trong ngày.

4.8 Bài thuốc chữa chứng mụn nhọt mới nổi chưa có mủ: Lấy một ít bột mẫu lệ, hòa với nước, sau đó trộn đều và bôi lên da (vùng tổn thương).

4.9 Chữa chứng ra mồ hôi trộm: Mẫu lệ và đỗ trọng, hai vị lượng bằng nhau. Cách chế biến: Các dược liệu trên đem phơi khô, nghiền thành bột mịn, mỗi lần dùng 1 thìa bột uống với rượu. Ngày dùng từ 2 – 3 lần cho đến khi khỏi.

Kiêng kỵ: Do mẫu lệ có tính hàn nên không dùng cho trường hợp bệnh hư mà có lạnh (hàn), thận hư vô hỏa, tinh lạnh tự xuất, tiêu chảy thuộc hàn khí và âm hư không có thực nhiệt…