Ngày 15/3, bác sĩ Phạm Xuân Long, khoa Nam học, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết kết quả siêu âm Doppler ghi nhận anh Minh bị xoắn tinh hoàn trái, cần tháo xoắn ngay.
Bác sĩ tháo xoắn bằng tay không thành công, anh Minh được đưa vào phòng mổ. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ Long ghi nhận tinh hoàn xoắn hai vòng, màu sắc bắt đầu chuyển sang xanh tím. Bác sĩ tháo xoắn, phục hồi lưu thông máu cho tinh hoàn của người bệnh, sau đó ủ ấm. Cơ quan này dần trở về màu đỏ hồng. Để tránh tái phát, bác sĩ khâu cố định hai tinh hoàn vào bìu.
BS Phạm Xuân Long (bên trái) và BS Đoàn Ngọc Thiện phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: Thắng Vũ
Sau mổ, anh Minh không còn cảm giác sưng đau, được xuất viện, trở lại làm việc và sinh hoạt bình thường. Người bệnh cần kiêng quan hệ tình dục cho đến khi vết mổ lành hẳn, tránh vận động mạnh, chơi thể thao hay mang vác nặng.
Xoắn tinh hoàn thực chất là xoắn thừng tinh (gồm mạch máu và ống dẫn tinh) dẫn đến tinh hoàn thiếu máu nuôi và tổn thương, hoại tử. Đây là tình trạng khẩn cấp, thời gian "vàng" điều trị là 6 giờ đầu tính từ lúc có biểu hiện đau.
Bác sĩ Long đánh giá người bệnh may mắn được mổ tháo xoắn kịp thời, giữ lại được tinh hoàn trái. "Chỉ cần trễ hơn 2-3 giờ nữa, rất có thể phải cắt bỏ tinh hoàn", bác sĩ nói thêm.
Anh Minh kết hôn chưa đầy một năm, chưa có ý định sinh em bé. Theo bác sĩ Long, trong trường hợp phải cắt tinh hoàn trái, anh vẫn còn cơ hội làm cha nếu chức năng tinh hoàn phải không gặp bất thường.
Thừng tinh là ống đi từ mỗi tinh hoàn lên phần dưới ổ bụng. Bên trong thừng tinh chứa các ống dẫn tinh, mạch máu, mạch bạch huyết và dây thần kinh. Thừng tinh xoắn lại khiến lưu thông máu đến tinh hoàn tắc nghẽn, dẫn tới vùng bìu sưng to, đau đớn. Tình trạng này gọi là xoắn tinh hoàn.
Xoắn tinh hoàn chiếm khoảng 25% trường hợp cấp cứu tại vùng bìu. Ước tính, cứ trong 4.000 nam giới dưới 25 tuổi thì có một trường hợp xoắn tinh hoàn, nhất là nhóm tuổi 12-18. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tiếp nhận nhiều trường hợp phải cắt một bên tinh hoàn do xoắn, phần lớn là trẻ sơ sinh và trẻ nam trong độ tuổi dậy thì.
Bác sĩ Xuân Long khuyến cáo nam giới cần đến bệnh viện ngay khi có các triệu chứng đột ngột đau dữ dội ở vùng bìu, bìu sưng tấy hoặc sờ thấy cục u, tinh hoàn bên cao bên thấp bất thường, bụng đau, buồn nôn, nôn, sốt cao, chóng mặt, tiểu nhiều bất thường. Nếu để lâu, tinh hoàn hoại tử, phải cắt bỏ, thậm chí có thể gây tổn thương bên tinh hoàn còn lại.
Hiện không có cách phòng ngừa tình trạng xoắn tinh hoàn nhưng có thể giảm nguy cơ bằng cách giữ ấm vùng kín trong thời tiết lạnh, mặc đồ bảo hộ vùng kín khi vận động mạnh hoặc khi chơi thể thao cường độ cao (bóng đá, đạp xe, tập tạ...). Cần cẩn trọng khi quan hệ tình dục, tránh tác động vặn xoắn tinh hoàn.
* Tên người bệnh đã được thay đổi