Cho đến hiện tại, bạn đã ngộ ra được bao nhiêu đạo lý trong cuộc sống này?
Trải nghiệm càng nhiều thì mới càng trưởng thành, va vấp càng nhiều thì mới biết cuộc đời này không dễ dàng đến thế. Đối nhân xử thế, không phải ngày một ngày hai là học được, đôi khi cả đời cũng chưa chắc hiểu được bao nhiêu.
Thấm nhuần 10 đạo lý dưới đây để tránh xa những mặt tối của lòng người
1. Không nên chuyện gì cũng nói với người khác, nên giữ lại một phần của riêng mình. Một thực tế rằng bán đứng chúng ta đa phần là người xung quanh bên cạnh. Đặc biệt là đối với chuyện bất hạnh. Trên đời này không có lòng đồng cảm thật sự, người khác ngoài mặt an ủi nhưng chưa chắc trong lòng đã biết thấu hiểu, thậm chí lắm lúc chuyện buồn của bạn lại trở thành trò đùa của người ta.
2. “Hại người đương nhiên không nên, nhưng phòng người thì lúc nào cũng phải có”. Lòng người là thứ phức tạp nhất trên thế giới này.
3. Không nên làm người quá dễ dãi và tốt bụng, nếu không chịu tổn thương cũng chỉ là mình. Người tốt bụng rất để ý suy nghĩ của người khác mà quên đi chính mình. Thật ra, nhiều khi giúp đỡ không được suôn sẻ cũng trở thành chuyện phiền phức. Người quá dễ dãi sẽ bị ăn hiếp, người quá tốt bụng thì sự giúp đỡ sẽ bị người khác xem là trách nhiệm phải làm.
4. Thân thiết đến mấy cũng nên biết giữ khoảng cách và sự chừng mực. Quá gần, nảy sinh mâu thuẫn. Vừa phải, tình cảm tốt đẹp bền lâu. Giữa con người với nhau, cho dù tình cảm đôi bên khăng khít cũng có một vài phần khác biệt trong tính cách và giá trị quan. Thực tế không thiếu những trường hợp làm bạn với nhau rồi mới biết đôi bên không hợp.
5. Làm người không nên quá so đo tính toán, đôi khi chịu thiệt một chút cũng là phúc. Sống ở đời, có nhiều chuyện không cần phải quá rõ ràng. Đôi khi bản thân chịu thiệt, nếu không tổn hại đến lợi ích cơ bản thì không cần phải tính toán. Mở rộng trái tim mà sống cũng là cách được thế giới bao dung mỗi khi sa cơ thất thế.
6. Thành công đến mấy, hạnh phúc ra sao, quan trọng nhất vẫn là khiêm tốn. Trên thế giới này, núi cao còn có núi cao hơn. Khiêm tốn cũng là một cách bảo vệ lấy mình. Khoa trương phù phiếm dễ bị người đời khen tức, rước về hậu họa. Làm người khiêm tốn, hành sự trong im lặng mới là biểu hiện của người mạnh mẽ và thông minh.
7. Lùi một bước, trời cao biển rộng. Thêm bạn, thêm nhiều con đường; thêm kẻ thù, thêm nhiều bức tường ngăn cản. Không nên ép người quá đáng, bức đối phương vào đường cùng; hành sự đừng quá tuyệt tình và cực đoan. Bao dung với người khác cũng là chừa lại đường lui cho mình.
8. Không nên ngưỡng mộ cuộc sống của người khác, bởi lẽ những thứ bạn nhìn thấy không phải là tất cả trong cuộc đời của họ. Cái bạn đang ngưỡng mộ chỉ là vẻ bề ngoài hào nhoáng, mà bạn lại không thể nhìn thấy những nỗ lực và sự thật bên trong. Cuộc sống không phải cứ có những chuyện “kinh thiên động địa” thì mới gọi là đặc sắc. Chúng ta đều độc nhất vô nhị, điều bạn phải làm lúc này là tự hào và tin tưởng vào bản thân.
9. Chuyện không thể chắc chắn thì đừng nên dễ dàng hứa hẹn. Lời nói phải có sự cân đo đong đếm, chữ tín thật sự rất quan trọng. Một khi mất đi sự tin tưởng của người khác vào mình thì cho dù thành thật thành tâm cũng bị xem là giả dối. Lời nói và hành động có thể toát ra phẩm chất của một người, đáng tin cậy hay không còn phải nhìn vào cách đối phương thực hiện lời hứa.
10. Đừng chuyện gì cũng nhờ vả người khác, chi bằng tự lực cánh sinh, dựa vào chính mình. Bản thân mạnh mẽ thì giông tố ập đến mới không sợ. Ỷ lại sẽ khiến con người trở nên yếu kém, không thể tin tưởng vào bản thân. Cái người khác cho mình cũng có thể mất đi, nhưng cái mình tự làm ra vẫn ở lại bên cạnh.