Vậy là chuỗi Fashion Week mùa Thu/Đông 2022 tại 4 kinh đô thời trang lớn nhất thế giới (New York - London - Milan - Paris) đã khép lại. Trên truyền thông, những gương mặt siêu sao được nhắc tới ra rả như Jennie, Jisoo, Zendaya, Rihanna... vậy cái tên nào sẽ nổi bật nhất giữa hàng trăm show diễn vừa nối tiếp không ngừng nghỉ? Câu trả lời sẽ có ở dưới đây.
Chanel
Để lý giải cho những thiết kế mang sắc màu "thôn nữ" với hàng tá đôi tất dày cộm, NTK Virginie Viard chia sẻ: "Chúng tôi dành toàn bộ BST để tri ân đến chất liệu tweed. Các thiết kế được khai sinh từ ý tưởng theo chân huyền thoại Gabrielle Chanel đến với vùng nông thôn Scotland, đưa các gam màu đặc trưng của cảnh quan nơi vào từng lớp vải tweed ấm áp."
Không khó để hiểu vì sao giới mộ điệu không vừa mắt với BST này. Những "phép màu" thường được Karl Lagerfeld áp dụng thì nay đã biến mất, để lại những đường băng tinh giản và trông có phần... chán đời. Đem tweed ra để tôn vinh cũng bị chê bai là cũ mèm trong cách khai thác chủ đề, bởi có mùa nào chất liệu này được ngơi nghỉ dưới cái tên Chanel đâu?
Và hơn cả, có lẽ dân tình đã kỳ vọng ở Chanel nhiều hơn, đặc biệt kể từ khi nhà mốt tăng giá liên tục bất chấp đại dịch. Họ muốn được chiêm ngưỡng một sân khấu hoành tráng, những bộ cánh cách biệt khỏi trí tưởng tượng thông thường thay vì các cô thôn nữ dắt tay nhau dưới logo Chanel màu mè. Suy cho cùng, cũng chỉ thương cô Jennie Kim vì phận Đại sứ mà "gánh" cả show diễn chán đời hết sức.
Dior
Nếu Chanel bị bĩu môi vì quá nhàm thì Dior lại đang khiến fan trung thành phản ứng mạnh vì... khác lạ quá. Theo như lời mào đầu từ chính nhà mốt thì đây là một kỷ nguyên mới vừa được mở ra bởi Maria Chiuri.
Cả hội trường treo đầy những bức tranh chân dung phụ nữ trải dài từ thế kỷ 16 đến 18. Các chân dài Dior sải bước trong các thiết kế duyên dáng được tô điểm phụ kiện mang phong cách vị lai. Không ít ý kiến cho rằng chính những phụ kiện này trông thô kệch, làm hư hao phần nào tính nữ rất đặc trưng của nhà mốt: đỏng đảnh, kiêu kỳ nhưng dịu dàng. Tuy nhiên nếu đã theo dõi đường hướng của Maria Chiuri, giới mộ điệu sẽ nhận ra NTK này luôn chú tâm tôn vinh nữ quyền trong thời đại ngày nay và cách khai thác này tương đối hợp lý.
Valentino
Nếu bạn đang cần một liều dopamine, hãy tìm đến Valentino. Xuyên suốt 80% BST là sắc hồng rực rỡ được đích thân NTK Pierpaolo Piccioli hợp tác cùng viện Pantone Color Institute thuộc Pantone Inc., một tập đoàn lớn của Mỹ nổi tiếng với hệ thống bảng màu Pantone Color Matching System (PMS)
Vì sao lại là màu hồng? Valentino giải thích rằng đây là sắc màu giúp giải phóng con người khỏi chủ nghĩa hiện thực, đồng thời làm nổi bật bản ngã độc tôn của người mặc, đồng thời giúp người mặc nắm bắt rõ hơn các giá trị cảm xúc.
Xen kỹ BST có một số look màu đen huyền bí nhằm giúp thị giác khán giả được dịu lại đôi chút.
Gucci
Những đường kẻ sọc đặc trưng trong bộ nhận diện thương hiệu chính là nét tương đồng của Gucci lẫn Adidas. Cú bắt tay giữa hai cái tên sừng sỏ tại Fashion Week mùa Thu/Đông 2022 hẳn đã khiến giới mộ điệu hú hét không ngừng.
BST được kết hợp từ vẻ đẹp hào nhoáng của Hollywood trong thập niên 70-80 cùng phong cách thể thao khỏe khoắn. 84 look được đặt trong sân khấu lấy cảm hứng từ chiếc gương. Theo NTK Alessandro Michele thì gương giống như một công cụ thiết yếu về tri thức và nhận thức, giúp người soi có thể hiểu rõ chính xác về thực tại.
Versace
Không khó để nhận ra những chiếc corset đã chiếm trọn "spotlight" của BST, song hành bên những đường nét góc cạnh của kỹ thuật tayloring từ thập niên 80 và dáng đầm bodycon siết chặt từng đường cong của người mặc.
Kể cả khi khoác lên mình những chiếc áo ngoại cỡ và hầm hố, corset chính là công cụ để giúp phái đẹp khoe trọn vòng eo một cách tự tin nhất. Bên cạnh đó, lối chơi màu bạo tay cũng như cách phối tầng tầng lớp lớp khiến một thương hiệu nhiều năm tuổi như Versace dễ đi vào tâm thức của lứa khách hàng trẻ như Gen Z.
Louis Vuitton
Nhà mốt nước Pháp sở hữu gương mặt mở màn rất "chất lượng": Jung Ho Yeon, nữ chính của siêu phẩm Squid Game càn quét thế giới khắp năm qua.
Nói về ý tưởng, NTK Nicolas Ghesquiere muốn dùng váy áo để lưu giữ giấc mộng thanh xuân trong mỗi chúng ta. Điều đó được thể hiện qua lối phá cấu trúc trang phục vốn là sở trường của anh, cũng như cách mix&match chẳng tuân theo một nguyên tắc cụ thể nào: áo khoác to tướng phủ bên ngoài chân váy maxi mềm mại, hay sweater đỏ rực thắt eo chiếc đầm voan mang sắc xanh dịu mát. BST là tổng hòa của cả xuề xòa, thoải mái với cá tính mạnh mẽ, cũng như kết hợp thú vị tính nam lẫn tính nữ trên cùng một set đồ.
Prada
Phụ nữ ngày nay không lên đồ để chiều lòng người khác, họ mặc những thứ họ thích cũng như thể hiện được tuyên ngôn của bản thân. Và các quý cô của Miuccia Prada và Raf Simons vẫn luôn thế.
Xuyên suốt BST là hình ảnh của chiếc áo ba lỗ trắng gần gũi. Ngoài ra còn có vô vàn kiểu áo khoác ngoại cỡ như trench-coat, bomber jacket, blazer... đi kèm với lối đính hoa 3D sống động. Chất liệu dệt kim cũng được khai thác tối đa và mới mẻ, mang lại cảm giác hứng khởi cho khán giả.
Balenciaga
Khán giả theo dõi show diễn qua lớp kính ngăn dày cộm, nín thở trước từng sải bước co ro của dàn người mẫu trong cơn bão tuyết lạnh điếng người. Có thể nhận định cả show diễn là một tuyên ngôn dõng dạc từ Demna Gvasalia đối với vấn đề biến đổi khí hậu, chiến tranh và người tị nạn.
Những thứ hiển hiện trong khung cảnh đó được lấy ra từ chính ký ức của NTK về những ngày chạy nạn khắp châu Âu: manh áo mỏng được chắp vá, những chiếc túi nylon, băng dính khắp người... tất thảy đều chờ mong một tương lai tươi sáng hơn.
Dolce&Gabbana
Metaverse hay NFT không còn là chủ đề xa lạ, và nhà mốt Ý đã "bắt trend" rất nhanh!
Các sáng tạo của Dolce&Gabbana như lời giải đáp rành rọt cho thắc mắc đang hiển hiện: Chúng ta sẽ mặc gì trong cái thế giới ảo đó? Những chiếc áo phồng tướng, catsuit kiểu siêu anh hùng, áo trùm kín đầu, đầm body phô trương nội y... và những màu sắc đặc trưng của thế giới công nghệ đã giúp nhà mốt Ý mang viễn cảnh tương lai dến gần hơn với giới mộ điệu.
Saint Laurent
Vẫn tối giản với sắc đen bao trùm mọi ngóc ngách, BST mới còn được NTK Anthony Vaccarello tô điểm thêm bằng âm hưởng Art Deco của thập niên 90.
So với các BST trước thì thành quả lần này của Anthony hơi... kín. Âu cũng bởi anh bị ám ảnh với chiếc bóng đổ dài trên đất của những quý cô lượt thượt trong vải vóc, đồng thời kết hợp cùng hình tượng nữ nhân Nancy Cunard của thế kỷ trước - người sở hữu phong cách ăn diện gai góc, bạo liệt đi trước thời đại.
Phụ kiện đặc trưng của BST là những chiếc vòng nặng trĩu trên đôi tay người mẫu. Chúng được lấy cảm hứng từ chính kiểu vòng ngà voi mà văn sĩ Nancy Cunard hay đeo, dù công chúng từng chỉ trích loại phụ kiện này là "man rợ".
Givenchy
Kể từ khi tiếp quản Givenchy, NTK Matthew Williams đã kiến tạo nên một đặc trưng mới từ sự pha trộn giữa chất streetwear cùng nét thanh lịch, cao sang trong di sản nhà mốt.
BST mới là giao điểm của nhiều yếu tố: nữ tính và mạnh mẽ, ảnh hưởng từ phong cách Mỹ cũng như Pháp, tinh thần thể thao và cốt lõi của nghề thủ công. Phụ kiện ngọc trai, chất liệu sequin sáng chói cùng kiểu quần-boots là những yếu tố được lòng giới mộ điệu nhất trong show diễn.
Fendi
Với Kim Jones, 51 thiết kế mới nhất chính là một cuộc hành trinh vượt thời gian. "Chốn tuyệt nhất để khám phá kho lưu trữ của Fendi là thông qua chính tủ đồ của thương hiệu", anh chia sẻ.
Và thế là khán giả được dẫn dắt về với BST Xuân/Hè 1986 và Thu/Đông 2000 của Fendi, vốn do huyền thoại Karl Lagerfeld sáng tạo. Nét cuốn hút của show diễn là chuyển động mềm mại của lớp vải sheer và chiffon mơn trớn cơ thể người mặc nhưng không phô phang chút nào. Các tông màu đất, ghi, xanh chàm... cũng được điều phối tinh tế, gợi nên cảm giác ấm áp đối với thị giác.
Michael Kors
Sau bao ngày tháng bó gối vì đại dịch, Michael Kors mang đến động lực mới cho phái đẹp với BST lấy cảm hứng từ cuộc sống về đêm sôi động tại New York.
Thế mạnh của nhà mốt được lặp lại mạnh mẽ hơn trước: trang phục đơn sắc hơn rực rỡ, áo khoác lông sang chảnh, đầm sequin nhìn thoáng đã thấy "bốc"... Chung quy là với Michael Kors, đã đến lúc để chúng ta "xõa" hết mình!
Carolina Herrera
Nếu bạn là một quý cô đam mê trang phục dạ hội thì show diễn của Carolina Herrera là điểm đến tuyệt vời nhất tại Fashion Week.
Sắc màu tươi vui, kiểu dáng thanh tao nhưng không kém phần quyền lực, chất liệu cao cấp... mỗi thiết kế của Carolina Herrera là một ước mơ của người phụ nữ. Những mô tuýp như hoa hay nơ vốn đã kinh điển nhưng vẫn khiến người xem dán chặt mắt theo dõi.
Jason Wu
Các chuyên trang thường khen ngợi rằng Jason Wu luôn biết cách tạo nên những món xinh xẻo hớp hồn phái đẹp, và show diễn Thu/Đông 2022 không là ngoại lệ.
NTK đã chạm tới tận cùng của sự nữ tính bằng những chiếc đầm dạ hội dáng xòe (ball-gown) với cúp ngực thắt nơ dịu dàng. Baazar khen rằng các thiết kế như bước ra từ một câu chuyện cổ tích tươi vui, hoặc hình thành từ những bản diễn họa thời trang năm 1950. Với Jason Wu, BST còn là cách anh tri ân tới những nghệ nhân của thời trang cao cấp Mỹ.
Bottega Veneta
"Bottega luôn hướng tới tính thực dụng vì khởi điểm của chúng tôi là một công ty làm đồ da. Với sở trường là những chiếc túi xách, chúng tôi muốn hướng đến sự dịch chuyển", Mathieu Blazy - Giám đốc sáng tạo mới của nhà mốt chia sẻ.
Ngay khi show diễn được streaming, giới mộ điệu đã tăm tia được khá nhiều mẫu túi hứa hẹn sẽ thành IT bag trong thời gian tới, đặc biệt là kiểu túi da đan dáng cổ điển. Về trang phục thì Mathieu cũng không ngần ngại tung hứng bằng những tà váy cuốn hút trong từng chuyển động hay áo khoác hải quân.
Nguồn: Harper's Bazaar UK, Vogue