Cụm từ "Granny’s Chips" gợi lên hình ảnh một người bà đang chiên khoai tây cho bữa tối của gia đình; nhưng đối với Hoàng gia Anh, nó có ý nghĩa lớn hơn nhiều. Đó chính là biệt danh ngọt ngào mà Nữ hoàng Anh Elizabeth II đặt cho một trong những tài sản quý giá nhất của bà - chiếc cài áo kim cương đắt giá nhất thế giới.
Chiếc cài áo "Granny's Chips" độc nhất vô nhị của Nữ hoàng Anh Elizabeth II trị giá hơn 55 triệu USD. Ảnh: Order of Splendor
Những món trang sức quý giá của hoàng gia thường được truyền từ đời này sang đời khác. Tương tự, chiếc cài áo của Nữ hoàng Elizabeth II được người bà của bà là Vương hậu Mary tặng. Nữ hoàng chỉ đeo "Granny’s Chips" chỉ vài lần ít ỏi trong suốt 70 năm trị vì của mình.
Chiếc cài áo được tạo thành từ hai viên kim cương Cullinan III và Cullinan IV. Các nhà kim hoàn ước tính trang sức này trị giá khoảng hơn 50 triệu bảng Anh, và là trang sức hoàng gia có giá trị nhất thế giới. Cullinan III nặng 94,4 carat và Cullinan IV nặng 63,6 carat.
Ngoài ra, hai viên kim cương này còn được đánh giá cao bởi chúng được hình thành cách đây hơn 1 tỉ năm và nằm sâu tận 400-640 km dưới bề mặt trái đất. Điều này có nghĩa là chúng có mặt trước cả khi có sự tồn tại của khủng long và bất kỳ sự sống nào trên hành tinh chúng ta.
Đặc biệt hơn, hai viên kim cương này vốn được phân chia từ một viên kim cương mang tên Cullinan có một không hai với trọng lượng là 3.106 carat (tương đương 621,35 gram).
Cullinan là viên kim cương thô lớn nhất thế giới, được tìm thấy vào năm 1905 và đặt theo tên của người chủ mỏ đá quý ở Nam Phi. Sau đó, viên kim cương được tặng cho Vua Edward VII.
Do có trọng lượng và màu sắc đặc biệt nên có rất nhiều câu chuyện thêu dệt về Cullinan trong lịch sử, càng làm tăng thêm vẻ đẹp và sự bí ẩn của nó.
Có tin đồn rằng viên kim cương được chuyển đến nước Anh trong một bưu kiện bình thường, trong khi một bản sao được bảo vệ cẩn mật, vận chuyển bằng tàu hơi nước để đánh lạc hướng kẻ xấu.
Một truyền thuyết khác được nhiều nguồn lịch sử xác nhận rằng người đàn ông có tên là Joseph Asscher được giao cắt viên kim cương đã ngất xỉu khi cắt lần đầu tiên. Viên kim cương cứng đến nỗi các dụng cụ chuyên dụng của ông Asscher đều bị hư hỏng.
Trong 18 tháng trời ròng rã, 3 chuyên gia đã phải làm việc trong 14 giờ/ngày để cắt và đánh bóng 9 viên kim cương "con" của Cullinan. Mỗi viên được đánh số La Mã từ I đến IX.
Vua Edward VIII đã tặng viên kim cương Cullinan III và Cullinan IV cho anh em nhà Asscher. Sau đó, Nam Phi mua lại chúng và dâng tặng cho Vương hậu Mary. Hai viên kim cương này được truyền lại qua các thế hệ hoàng gia kể từ đó.
Vương hậu Mary đã đeo Cullinan III và Cullinan IV khi đăng cơ vào năm 1911. Đến năm 1953, trước lễ đăng cơ của cháu gái bà, những viên kim cương độc đáo đã được trao lại cho Nữ hoàng Elizabeth II, khi đó mới 27 tuổi.
Nữ hoàng Anh đã đeo món trang sức quý giá này vào những dịp trọng đại trong suốt cuộc đời, bao gồm Đại lễ Kim cương vào năm 2012 đánh dấu 60 năm trị vì.
Biệt danh "Granny’s Chips" hẳn để biểu thị tình cảm mà Nữ hoàng Anh dành tặng cho người bà thân yêu của mình; song nhiều người suy đoán về một lý do bí ẩn khác.
Vì Cullinan III và Cullinan IV được cắt từ Cullinan "mẹ" nên biệt danh này dường như để ám chỉ rằng chúng chỉ là những viên kim cương nhỏ so với những viên kim cương Cullinan "anh chị" lớn hơn, hiện thuộc về bộ sưu tập trang sức Hoàng gia.
Sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời, nhiều người tự hỏi điều gì sẽ xảy ra với món đồ trang sức quý giá của bà. Vấn đề này lại càng được quan tâm khi trong thời gian diễn ra tang lễ, nhiều thành viên Hoàng gia, gồm cả Kate Middleton và Meghan Markle, đã mang những món đồ mà trước đó Nữ hoàng Elizabeth đã tặng hoặc cho mượn.
Không ai biết chính xác người thừa kế chiếc cài áo này cũng như các món trang sức khác trong bộ sưu tập cá nhân của Nữ hoàng vì di chúc được giữ kín, nhưng nhiều khả năng các thành viên Hoàng gia sẽ tiếp tục mang những trang sức này trong những tháng tiếp theo để tưởng nhớ bà.
Bộ sưu tập cá nhân của Nữ hoàng Elizabeth khác với Crown Jewels của Hoàng gia, là những món đồ nghi lễ và thiêng liêng được lưu giữ trong Tháp London. Những đồ vật này chỉ được sử dụng trong lễ đăng cơ và trong Lễ Khai mạc Quốc hội.