Niềng răng được xem là biện pháp "cứu cánh" cho vô số những khuyết điểm răng miệng như răng mọc lệch, hàm hô... Thông qua việc sử dụng những khí cụ nha khoa chuyên dụng, hàm răng được dịch chuyển sao cho cân đối và đều đặn nhất. Để sau đó, bạn được sở hữu một hàm răng hoàn hảo hơn.
Giới trẻ ngày nay rất quan tâm đến niềng răng (Ảnh: Pinterest).
Nếu bạn muốn niềng răng, nhất định cần phải nắm rõ các kiến thức cơ bản về nó để có một kết quả chỉnh nha tốt, an toàn, hiệu quả hơn.
Đặc biệt, niềng răng sẽ càng đem đến hiệu quả nhanh chóng hơn nếu được thực hiện đúng "độ tuổi vàng", BS Phan Thị Bích Hạnh (làm việc tại khoa Răng Hàm Mặt, trường đại học Y Dược Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá độ tuổi 12-16 là giai đoạn thích hợp nhất để niềng răng, nhất là niềng răng cố định. Bởi đây là thời điểm các răng vĩnh viễn đã mọc hết rồi, xương hàm vẫn trong giai đoạn phát triển nên việc tác động lực trong giai đoạn này rất thuận lợi trong việc di chuyển các răng để đạt được vấn đề về thẩm mỹ, cũng như chức năng.
Tuy nhiên, ngay từ khi trẻ 7 tuổi cha mẹ đã có thể đưa con đi kiểm tra răng miệng và tiến hành đeo hàm chỉnh nha theo lời tư vấn của bác sĩ.
Sau khi niềng răng, nhất định phải ghi nhớ những điều này:
1. Lưu ý khi vệ sinh răng miệng
Cho dù bạn đang thực hiện chỉnh nha theo phương pháp niềng răng mắc cài hay niềng răng trong suốt thì việc đầu tiên cần lưu ý đó là vệ sinh răng niềng đúng cách để loại bỏ thức ăn vụn bám trên răng và đặc biệt là ở kẽ răng. Trong quá trình chỉnh nha bạn cần chú ý cách chăm sóc răng khi niềng kỹ càng, chải răng tối thiểu 3 lần/ngày sau các bữa ăn và trước khi đi ngủ. Tránh cho việc thức ăn mắc lâu vào kẽ răng hay dụng cụ niềng nếu không sẽ dễ hình thành mảng bám, gây sâu răng, hôi miệng…
BS Phan Thị Bích Hạnh khuyên ngoài sử dụng bàn chải thông thường, bạn có thể sử dụng các loại bàn chải chuyên dụng như là bàn chải kẽ, máy tăm nước để có thể vệ sinh tốt hơn... Ngoài ra, bạn có thể sử dụng nước muối ấm, nước muối sinh lý, nước súc miệng chuyên dụng.
Cần phải vệ sinh răng niềng đúng cách để loại bỏ thức ăn vụn bám trên răng và đặc biệt là ở kẽ răng
2. Chế độ ăn phù hợp
Bác sĩ Hạnh khuyên chế độ ăn khi niềng răng nên ở dạng mềm, dễ nhai. Cần hạn chế các thực phẩm có nguy cơ gây bong đứt mắc cài như là đồ ăn cứng, kẹo dẻo, các loại hạt... Ngoài ra cần tránh tiêu thụ các thực phẩm có chứa đường, tinh bột vì có nguy cơ gây sâu răng. Nước lọc, sữa là những đồ uống tốt nhất trong giai đoạn niềng răng. Nên hạn chế đồ gây bám màu, trà, cà phê, rượu vang, nước ngọt.
Bác sĩ Hạnh khuyên chế độ ăn khi niềng răng nên ở dạng mềm, dễ nhai. Cần hạn chế các thực phẩm cứng
3. Tái khám định kỳ
Sau khi niềng, cần nhớ tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. Nhiều người trong quá trình chỉnh nha không tái khám và thực hiện theo lời dặn của các bác sĩ, dẫn đến việc răng không ổn định "chạy lung tung", có thể để lại hậu quả như răng hô móm, lệch vẹo, biến dạng…
Đặc biệt trong những ngày đầu niềng răng nếu có biểu hiện bất thường bạn phải đến gặp bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời. Ngoài ra, nếu làm bung tuột mắc cài trong quá trình ăn uống, chải răng... bạn cũng nên đến gặp nha sĩ càng sớm càng tốt để được điều chỉnh.