Khi mang thai, bên cạnh những thay đổi rõ rệt của cơ thể thì làn da cũng chịu ảnh hưởng do sự thay đổi nội tiết tố. Một số người có thể duy trì được làn da rạng rỡ, căng mịn khi mang thai, số khác lại gặp phải nhiều vấn đề về da. Dẫu vậy, việc chăm sóc làn da trong giai đoạn bầu bí vẫn là điều được quan tâm. Theo bác sĩ da liễu Mahsa Saleki tại London, Anh: "Có 3 điểm cần lưu ý khi chăm sóc da trong khoảng thời gian mang thai và cho con bú, đó là tính an toàn, những yếu tố tăng rủi ro và dưỡng ẩm".
Dưới đây là khái quát về những thách thức khi chăm sóc da trong giai đoạn mang thai, cùng các lưu ý và giải pháp để hành trình làm đẹp của mẹ bầu trở nên dễ dàng hơn.
*Các vấn đề về da thường gặp khi mang thai
Tăng sắc tố da
Tăng sắc tố là tình trạng da mặt trở nên sẫm màu hơn. Nguyên nhân đến từ sự gia tăng melanin - chất tự nhiên trong cơ thể, chịu trách nhiệm về màu sắc của da. Quá trình mang thai khiến melanin sản sinh nhiều hơn, từ đó dẫn đến tình trạng da xỉn màu.
Nám da
Nám da là một dạng tăng sắc tố da. Tình trạng nám da sẽ gây nên những mảng rám nắng hoặc có màu nâu, thường là xuất hiện ở trên mặt. Nám da là vấn đề phổ biến của phụ nữ mang bầu, đến nỗi mà nó có tên gọi riêng, đó là "pregnancy mask" (tạm dịch: mặt nạ thai kỳ). Tình trạng nám da cũng đến từ sự thay đổi nội tiết tố trong suốt giai đoạn mang thai. Lúc này, cơ thể sẽ tăng sinh hắc tố melanin. Mặc dù các mảng nám da có thể biến mất sau vài tháng, kể từ khi bạn sinh em bé. Tuy nhiên, việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể khiến tình trạng này tệ hơn.
Rạn da
Rạn da cũng là tình trạng thường thấy khi mang thai. Nguyên nhân của rạn da là sự tăng cân hoặc giảm cân nhanh chóng. Bên cạnh đó, vì kích thước vòng bụng ngày càng lớn nên các mô liên kết dưới lớp trung bì dễ bị đứt gãy, tạo thành các vết rạn. Ban đầu, màu sắc của vết rạn có thể là hồng nhạt hoặc sáng hơn vùng da xung quanh. Sau khi sinh, vết rạn dễ chuyển dần sang màu trắng hoặc bạc tùy theo màu da của người mẹ. Các vết rạn thường xuất hiện ở bụng, hông và đùi…
Mụn
Mụn thai kỳ là tình trạng bùng phát mụn trứng cá ở người mang bầu. Vấn đề này thường thấy ở phụ nữ mang thai, chủ yếu do sự thay đổi nội tiết tố. Cụ thể khi mang bầu, hormone sẽ tăng ở 3 tháng đầu thai kỳ, dẫn đến lượng dầu tự nhiên được sản sinh nhiều hơn.
Khó để dự đoán ai sẽ bị mụn trứng cá thai kỳ. Tuy nhiên, bạn sẽ có nguy cơ gặp vấn đề này cao hơn nếu từng có tiền sử bị mụn hoặc thường bùng phát mụn khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt. Nếu không nổi mụn trong 3 tháng đầu thai kỳ, bạn vẫn có thể gặp tình trạng mụn trứng cá trong những giai đoạn sau.
*Thành phần không nên dùng khi mang thai
Retinoid
Retinoid là một dạng tổng hợp của vitamin A, có thể điều trị tình trạng mụn nang. Một số sản phẩm bôi ngoài da như kem dưỡng hoặc thuốc mỡ có thể chứa retinoid. Theo một nghiên cứu được đăng tải vào năm 2020 trên website của Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ: Những tác dụng tiêu cực của sản phẩm bôi ngoài da chứa retinoid là không chắc chắn xảy ra. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai vẫn được khuyên tránh dùng sản phẩm bôi ngoài da chứa retinoid.
Hydroquinone
Hydroquinone thường có trong các sản phẩm kê đơn có tác dụng làm sáng da. Một nghiên cứu được đăng tải năm 2021 trên website của Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ cho biết: Làn da sẽ hấp thụ khoảng 35 - 45% hydroquinone từ các sản phẩm đó. Dù điều này chưa chắc gây ra tác động bất lợi, nhưng các chuyên gia về sức khỏe vẫn khuyên phụ nữ mang thai và cho con bú tránh sản phẩm chứa hydroquinone.
Formaldehyde
Formaldehyde đã không còn là thành phần thường thấy trong mỹ phẩm, bởi theo CDC Hoa Kỳ, formaldehyde có thể làm tăng rủi ro mắc ung thư và sảy thai. Tuy nhiên, một số loại mỹ phẩm có thể chứa những thành phần hóa học được gọi là "chất giải phóng formaldehyde". Các chất này có thể phân hủy theo thời gian, biến thành các phân tử formaldehyde. Do đó, chị em cần kiểm tra kỹ bảng thành phần của mỹ phẩm trước khi dùng, hoặc hỏi ý kiến bác sĩ.
Phthalate
Theo Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường Quốc gia Hoa Kỳ: Phthalate gây trở ngại đối với hormone của cơ thể. Chất này gây hại tới thai nhi và nếu có thể, trẻ em và người lớn cũng nên tránh phthalate.
*Một số bí kíp chăm sóc da khi mang thai
Bôi kem chống nắng
Điều cần thiết trong quy trình chăm sóc da khi mang thai, đó là sử dụng kem chống nắng. Phụ nữ mang thai cần chọn kem chống nắng có chỉ số tối thiểu là SPF 30, đồng thời ngăn được cả tia UVA lẫn UVB. Bác sĩ da liễu nổi tiếng Sam Bunting tại London, Anh đề xuất dùng kem chống nắng vật lý khi mang thai: "Tôi thích sản phẩm sử dụng lớp màng vật lý zinc oxide để điều trị nám. Lớp màng chắn này như một tấm gương khiến tia UV chệch hướng khỏi làn da".
Dùng serum vitamin C
Bác sĩ Mahsa Saleki gợi ý dùng serum chứa vitamin C trong giai đoạn mang thai, vì sản phẩm này có thể giảm thiểu tình trạng da xỉn màu, thâm nám. "Sản phẩm chứa vitamin C chất lượng có thể dùng được trong giai đoạn thai kỳ. Nó sẽ giúp giảm nguy cơ tăng sắc tố da trong khi mang thai và sau sinh".
Bổ sung độ ẩm cho da
Trong khi một số phụ nữ mang thai gặp tình trạng da dầu hơn, thì số khác có thể đối mặt với vấn đề da khô tróc. Bác sĩ da liễu nổi tiếng Howard Murad khuyên chị em nên bổ sung độ ẩm từ bên trong bằng những loại thực phẩm có hàm lượng nước cao như là rau củ quả và các loại hạt. Bên cạnh đó, quy trình chăm sóc da cũng nên có sản phẩm chứa chất hút ẩm như hyaluronic acid và dầu dưỡng chứa nhiều omega để duy trì độ ẩm, giúp làn da có sự căng mịn, khỏe khoắn.
Có thể dùng sản phẩm trị mụn
Với sự thay đổi hormone, tăng tiết dầu nhờn và tình trạng căng thẳng, nhiều phụ nữ mang thai gặp phải tình trạng mụn bùng phát ở cằm, đường xương hàm hoặc má… Bên cạnh việc tránh dùng các sản phẩm chứa mụn có retinoid khi mang thai, bạn cũng không nên sử dụng những món skincare có salicylic acid (một loại BHA). Bác sĩ Tiina Meder tại London, Anh giải thích rằng khi mang thai, làn da có thể trở nên nhạy cảm hơn, và tác dụng phụ của salicylic acid dễ khiến tình trạng này thêm nghiêm trọng.
Nếu cần trị mụn, bạn có thể dùng sản phẩm chứa AHA dịu nhẹ. Ngoài ra, việc sử dụng benzoyl peroxide với lượng vừa phải, hay sản phẩm có azelaic acid cũng sẽ giúp trị mụn khi mang thai.
Nguồn tham khảo: Medical News Today, Harper's Bazaar, WebMD
Ảnh: Sưu tầm