Cáo buộc dùng tiền từ thiện chi tiêu cá nhân
Ngày 27/9, Reuters đưa tin Naomi Campbell bị cấm đứng đầu bất kỳ tổ chức từ thiện nào ở Anh và xứ Wales trong 5 năm sau cuộc điều tra cáo buộc siêu mẫu sinh năm 1970 vi phạm trong quản lý tổ chức từ thiện Fashion for Relief.
Fashion for Relief được Naomi thành lập vào năm 2015 để gây quỹ cho các mục đích nhân đạo bằng cách tổ chức các buổi trình diễn thời trang. Tuy nhiên, Fashion for Relief đã bị loại khỏi danh sách các tổ chức từ thiện của Anh vào đầu năm 2024.
Naomi Campbell bị cấm hoạt động từ thiện ở Anh với tư cách người ủy thác từ thiện trong 5 năm sau vụ bê bối tài chính trong Fashion for Relief. Ảnh: Getty Images.
Theo báo cáo điều tra công bố vào ngày 26/9, Ủy ban Từ thiện Anh cho biết phát hiện nhiều trường hợp có hành vi sai trái và quản lý yếu kém.
Cụ thể, vào giai đoạn 2016-2022, Fashion for Relief quyên góp được khoảng 4,8 triệu bảng Anh (6,4 triệu USD) thông qua các buổi trình diễn thời trang. Tuy nhiên, cơ quan quản lý phát hiện chỉ có 8,5% (389.000 bảng Anh ~ 520.000 USD) được chuyển cho các tài khoản trợ cấp từ thiện sau khi trang trải chi phí sự kiện và các khoản phí khác.
Trong khi đó, hàng nghìn bảng Anh được sử dụng để thanh toán cho các nhu cầu cá nhân của Naomi, bao gồm trị liệu spa, dịch vụ phòng, thuốc lá và tiện ích khách sạn 5 sao.
Một số khoản chi tiêu sai mục đích được liệt kê: chuyến bay trị giá 14.800 euro (16.500 USD) từ London (Anh) đến Nice (Pháp) để chuyển tác phẩm nghệ thuật và đồ trang sức tới một sự kiện gây quỹ ở Cannes năm 2018, chi 9.400 euro (10.490 USD) cho kỳ nghỉ ba đêm tại khách sạn năm sao, gần 7.940 euro (8.861 USD) cho liệu trình spa và thuốc lá, cùng các chi phí lưu trú khách sạn khác...
Cơ quan quản lý cho biết những người ủy thác giải thích chi phí khách sạn thường được nhà tài trợ từ thiện chi trả, không phải là chi phí của tổ chức từ thiện. Tuy nhiên, họ không đưa ra được bằng chứng nào để chứng minh cho điều này.
Nhà chức trách cũng xác định Bianka Hellmich, người ủy thác của Naomi, nhận 290.000 bảng Anh (388.000 USD) phí tư vấn trái phép và 26.000 bảng Anh (gần 35.000 USD) chi phí đi lại hàng năm từ tổ chức từ thiện trong hơn 2 năm. Hellmich hiện bị cấm làm công việc người ủy thác trong 9 năm. Ngoài ra, người ủy thác khác là Veronica Chou bị cấm làm nghề trong 4 năm.
"Những người ủy thác có nghĩa vụ pháp lý phải đưa ra quyết định vì lợi ích tốt nhất của tổ chức từ thiện và tuân thủ các nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý của họ. Cuộc điều tra của chúng tôi phát hiện ra rằng những người ủy thác của tổ chức từ thiện này đã không làm như vậy", Phó giám đốc Ủy ban Từ thiện Tim Hopkins cho biết.
Cơ quan quản lý đã thu hồi được hơn 400.000 bảng Anh (535.000 USD) từ Fashion For Relief. Số tiền này được sử dụng để thanh toán các khoản nợ của tổ chức. Số dư còn lại được chuyển cho các tổ chức từ thiện khác.
Điều đáng chú ý là vào ngày bị quê nhà cấm làm người ủy thác từ thiện, Naomi được Bộ Văn hóa Pháp phong tặng danh hiệu Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn học.
Naomi Campbell được phong tặng danh hiệu Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn học của Pháp vào ngày bị cấm hoạt động từ thiện. Ảnh: X.
Ngay sau khi nhận giải, Naomi trả lời phỏng vấn AP News: "Tôi mới biết về những phát hiện này vào hôm nay và tôi vô cùng lo lắng. Chúng tôi đang điều tra vì tôi không kiểm soát được tổ chức từ thiện của mình mà giao quyền kiểm soát cho một luật sư. Chúng tôi đang điều tra để tìm hiểu xem tôi làm gì và bằng cách nào mọi việc tôi làm và từng xu tôi quyên góp được đều được dành cho các tổ chức từ thiện".
Top 10 siêu mẫu giàu nhất mọi thời đại
Naomi Campbell, tên đầy đủ là Naomi Elaine Campbell, sinh ngày 22/5/1970 ở London (Anh). Mẹ Naomi là Valerie Morris, một vũ công người Jamaica lai Trung Quốc. Naomi chưa bao giờ gặp cha vì ông bỏ rơi mẹ cô khi bà đang mang thai. Về sau, Naomi lấy họ cha dượng.
Vì công việc của mẹ, Naomi có cơ hội tiếp xúc thế giới giải trí từ sớm. Cô xuất hiện trong video ca nhạc Is This Love của Bob Marley khi mới 7 tuổi và nhảy trong video I'll Tumble 4 Ya của Culture Club vào năm 12 tuổi.
Năm 15 tuổi, khi đang đi mua sắm ở Covent Garden (Anh), cô được Beth Boldt, giám đốc của công ty người mẫu Synchro Model Agency, phát hiện và tuyển dụng. Cô được lên trang bìa tạp chí Elle phiên bản Anh trước khi cô tròn 16 tuổi.
Sự nghiệp người mẫu của Naomi phát triển nhanh chóng. Cô là một trong ba người mẫu hàng đầu thế giới vào cuối những năm 1980 và 1990. Naomi cũng góp mặt trong danh sách 6 người mẫu được ca tụng là những siêu mẫu đầu tiên (cùng với Christy Turlington, Linda Evangelista, Cindy Crawford, Claudia Schiffer và Kate Moss).
Đến nay, khi ở độ tuổi hầu hết “chân dài” cùng thời đã giải nghệ, Naomi vẫn có chỗ đứng vững chắc trong thế giới thời trang.
Naomi Campbell là cái tên hàng đầu trong giới người mẫu, ngoài 50 tuổi vẫn giữ được sức hút. Ảnh: Getty Images/WireImage.
Cô có biệt danh là "báo đen" ngành người mẫu thế giới. Cô trở thành gương mặt trang bìa của hơn 500 tạp chí và là người mẫu da đen đầu tiên xuất hiện trên trang bìa tạp chí Vogue của Pháp, Vogue của Anh và Time.
Ngoài người mẫu, Naomi cũng thử sức ở nhiều lĩnh vực khác như âm nhạc, viết sách, đóng phim, sản xuất chương trình truyền hình thực tế... và gặt hái được thành tựu nhất định. Tuy nhiên, cô vẫn nổi tiếng nhất với tư cách người mẫu.
Theo tạp chí Marie Claire, Naomi Campbell xếp thứ 10 trong danh sách "Người mẫu giàu nhất mọi thời đại". Celebrity Net World ước tính Naomi sở hữu giá trị tài sản ròng khoảng 80 triệu USD.
Bên cạnh công việc, Naomi nổi tiếng với các hoạt động từ thiện. Năm 2007, siêu mẫu Anh được bầu làm chủ tịch danh dự của Athla Onlus, tổ chức từ thiện Italy hỗ trợ việc hòa nhập xã hội của những người trẻ tuổi mắc chứng rối loạn học tập. Cùng năm, Naomi được bổ nhiệm làm đại sứ của Rio de Janeiro vì những đóng góp cho We Love Brazil - tổ chức do Naomi thành lập năm 2005 với mục đích chống lại tình trạng nghèo đói ở Brazil.
Hai năm sau, cô trở thành đại sứ thiện chí cho White Ribbon Alliance for Safe Motherhood, từ đó cùng người sáng lập tổ chức từ thiện thực hiện các sứ mệnh nâng cao nhận thức về nhu cầu mang thai và sinh nở an toàn. Cũng trong năm này, Hội Triết học Đại học của Trinity College (Mỹ) trao tặng diễn viên Empire danh hiệu Người bảo trợ danh dự để ghi nhận những đóng góp của cô cho hoạt động từ thiện.
Cô cũng nhận được giải thưởng Đóng góp nổi bật từ tạp chí Elle của Anh vào năm 2010, vinh danh cả sự nghiệp và vai trò đại sứ của cô tại White Ribbon Alliance.
Tổ chức từ thiện vướng lùm xùm Fashion for Relief ban đầu được tạo ra để quyên tiền cho các nạn nhân của cơn bão Katrina năm 2005, vụ tấn công khủng bố ở Mumbai, trận động đất ở Haiti năm 2008 và động đất ở Nhật Bản năm 2011.
Naomi có nhiều đóng góp cho hoạt động từ thiện trong gần 20 năm. Ảnh: Getty Images.
Campbell còn đóng góp tiếng nói quan trọng về vấn đề phân biệt chủng tộc trong ngành thời trang. Nàng "Báo đen" chia sẻ luôn phải làm việc chăm chỉ hơn để được đối xử bình đẳng. Năm 2013, Naomi, Iman và Bethann Hardison thành lập Liên minh Đa dạng, ủng hộ sự đa dạng và hòa nhập trên sàn diễn.
Cô đồng thời hỗ trợ cho nhiều tổ chức từ thiện khác, gồm Quỹ trẻ em Nelson Mandela và Breakthrough Breast Cancer (về ung thư vú)...
Chính bởi lý lịch ấn tượng đó, việc Naomi bị cấm hoạt động từ thiện khiến dư luận "dậy sóng". Đông đảo cư dân mạng tràn vào Instagram bày tỏ thất vọng và chỉ trích siêu mẫu 54 tuổi.
Khán giả bình luận: "Kéo cô ta khỏi sàn catwalk. Danh tiếng không giải quyết trách nhiệm của cô", "Giàu có và muốn giàu hơn nữa bằng tiền ủng hộ những người nghèo khổ. Thật cạn lời", "Tôi hy vọng họ bắt cô", "Tôi luôn biết rằng có điều gì đó đen tối về cô. Cô có thể trốn tránh luật pháp, nhưng cuối cùng nó sẽ ở giữa cô và Chúa. Xin đừng ngừng điều tra cô ta", "Đã đến lúc vào tù", "Tôi chắc cô ta chưa kiếm đủ tiền từ nghề người mẫu", "Thật rác rưởi"...