Ít có thương hiệu cao cấp nào lại "vuốt mặt'' nhưng không... nể mũi netizen Hàn như Chanel. Ngoài việc liên tục tăng giá khiến một bộ phận công chúng xứ củ sâm đòi quay lưng với hãng, nhà mốt nước Pháp mới đây còn có động thái gây xôn xao: nhanh chóng rút khỏi lĩnh vực kinh doanh miễn thuế.
Cụ thể, Chanel sẽ rút hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế khỏi các khu vực trung tâm thành phố từ tháng 3 năm nay, bao gồm cửa hàng ở Busan và trên đảo Jeju.
Tờ The Korea Times nhận định: "Các thương hiệu xa xỉ vội vã rút khỏi thị trường kinh doanh miễn thuế địa phương để duy trì hình ảnh của họ, vốn đã bị các ''daigou'' (người mua hàng đại diện từ Trung Quốc) làm hoen ố''.
Chanel đã có hành động chống lại "daigou" khi sức mua của nhóm người này ngày càng gia tăng ở Hàn Quốc. Gần 90% doanh thu các cửa hàng miễn thuế địa phương của Chanel đến từ các ''daigou''. Năm ngoái, nhãn hiệu Rolex và Louis Vuitton cũng có động thái tương tự với cùng lý do của Chanel.
Điều này sẽ tác động lớn tới các công ty miễn thuế, bởi doanh số bán hàng của họ ở các khu vực trung tâm thành phố đã giảm khoảng 38% vào năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 - theo Báo cáo của Moodie Davitt.
Tuy nhiên, với một số thương hiệu cao cấp quốc tế khác, các cửa hàng tại sân bay Incheon và trên đảo Jeju vẫn áp dụng hình thức kinh doanh miễn thuế này.
"Tôi nghĩ Chanel và Louis Vuitton thà bán sản phẩm miễn thuế trực tiếp cho khách hàng Trung Quốc ở đại lục hơn là 'daigou' và dân buôn đồ hiệu ở Hàn Quốc", một người trong thị trường cho biết. "Họ muốn điều chỉnh số lượng cửa hàng miễn thuế hoạt động ở khu vực Châu Á, Thái Bình Dương tập trung vào Thị trường Trung Quốc."
Trong khi đó, các thương hiệu cao cấp toàn cầu khác như Gucci, Prada và Burberry vẫn chưa đề cập tới kế hoạch giảm kinh doanh hàng miễn thuế tại đây.
Nguồn: The Korea Times