Chanel vs Hermès: Những pha xử lý “cồng kềnh” trong hành trình cạnh tranh Hermès của Chanel

Chỉ trong vòng 2 năm đại dịch, người người nhà nhà cắt giảm tiêu dùng toàn diện thì mùa xuân con én đưa Chanel tăng giá hẳn 6 lần khiến ngành công nghiệp thời trang nói chung được phen thảng thốt.

Nếu so với thời điểm trước khi đại dịch nổ ra, chiếc túi Classic Flap size small của thương hiệu hai chữ C lồng vào nhau đã có màn đôn giá ngoạn mục khi tăng 60% so với mức giá cũ để đạt đến mức hơn 8,000$ như hiện tại. Dù phát ngôn viên của thương hiệu có trình bày bao lý do như: chi phí sản xuất tăng, nguồn nguyên liệu hàng tuyển cao cấp, cân bằng giá Chanel trên toàn thế giới… thì giới mộ điệu cũng không khỏi so sánh, vạch trần “thuyết âm mưu” của Chanel hòng soán ngôi thương hiệu túi xách xa xỉ bậc nhất thế giới hiện nay - Hermès. 

Đối với những người yêu mến thời trang, việc sở hữu được một chiếc túi Chanel hay Hermès có thể được coi là một cột mốc quan trọng trong “sự nghiệp” lên đồ của mình. Không chỉ đơn thuần bởi tag giá đắt đỏ của những chiếc túi này mà còn bởi giá trị thương hiệu, thiết kế kinh điển cũng như chất lượng kiểu cha truyền con nối. Chẳng vậy mà, truyền thông vẫn hay ví việc mua một chiếc túi Chanel hoặc Hermès cũng tương đương với việc đầu tư vào bất động sản, chỉ có lời chứ không bao giờ lỗ. 

Chanel vs Hermès: Những pha xử lý “cồng kềnh” trong hành trình cạnh tranh Hermès của Chanel - Ảnh 1.

Tuy nhiên, từ thuở khai sinh tới nay, những chiếc túi Chanel đâu đó vẫn có sự dễ thở hơn so với những Birkin hay Kelly của Hermès. Không chỉ có mức giá mềm hơn mà còn là sự kém miếng chút đỉnh về độ hiếm cũng như cung cách để mua được hàng. Sự vụ đôn giá 6 lần trong vòng 2 năm đại dịch của Chanel dù mang tiếng là một động thái bình ổn giá quốc tế, hay là do chi phí sản xuất gia tăng… thì con dân thời trang cũng thấy rõ mồn một mức giá của Chanel nay đã bắt kịp Hermes. 

Hiện tại, giá của một chiếc túi Classic Flap cỡ Medium chỉ thua giá của chiếc Birkin 30 da Togo Calfskin khoảng $110. Không chỉ tăng giá chóng mặt, Chanel đang có tham vọng biến mình trở nên quý tộc và quý hiếm hơn bằng những chính sách mua hàng khắt khe hơn trước; đe dọa vị trí xa xỉ bậc nhất mà Hermès nắm giữ nhiều năm qua. Dù từ ngày NTK Virginie Viard tiếp quản Chanel theo hướng thương mại hóa hướng tới Gen Z và tầng lớp phú bà châu Á; chất lượng các show diễn của Chanel lúc được lúc không. 

Nhưng không thể phủ nhận các thiết kế phụ kiện túi xách của Chanel vẫn được ái mộ cuồng nhiệt vì sự liên tục đổi mới, cải tiến cả về thiết kế và chất liệu. Còn với Hermès, gã khổng lồ này vẫn trầm lặng và đáng gờm. Mới đây nhất, BST RTW Fall 2022, Hermès cho ra mắt loạt thiết kế túi Kelly cải tiến đẹp đê mê bên cạnh cách phối đồ tối giản sang trọng vẫn thường thấy. 

Chanel vs Hermès: Những pha xử lý “cồng kềnh” trong hành trình cạnh tranh Hermès của Chanel - Ảnh 2.

Giữa Chanel và Hermès trong thời điểm hiện tại, khi đặt lên bàn cân của sự xa xỉ thì bên nào mới là chiếc túi vật phẩm đáng giá cho các đấng ăn chơi xuống tiền đầu tư?

Nguồn gốc - lịch sử thương hiệu

Khi nhắc tới ngành hàng thời trang cao cấp, nguồn gốc và lịch sử thương hiệu là một gạch đầu dòng lớn đáng được cân nhắc. Bề dày lịch sử và di sản của thương hiệu phần nào là bảo chứng cho chất lượng cũng như giá tiền “chát chúa” của một sản phẩm thời trang xa xỉ. 

Cùng ra đời trong lòng thành phố Paris, nước Pháp, nhưng Hermès (thành lập năm 1837) có tuổi đời hơn Chanel (thành lập năm 1909) tới 72 năm. Khởi điểm, Hermès vốn là một workshop làm phụ kiện bằng da cho các quý ông tầng lớp quý tộc tại Paris. Phải đến những năm đầu tiên của thế kỷ 20, khi cái tên của người sáng lập Thierry Hermès lúc này cũng đồng nghĩa với bảo chứng chất lượng đồ da tuyệt hảo cho tầng lớp thượng lưu thì Hermès mới chuyển ngạch sang làm túi xách. Không chỉ duy trì bền bỉ chất lượng thủ công tinh túy trên đồ da, Hermès còn chơi bài một mình một ngựa suốt từ thế kỷ 19 cho tới nay không tạo ra quá nhiều các thiết kế túi mới hay làm các phiên bản nâng cấp để thu hút tập khách hàng trẻ. Tại Hermes, truyền thống là thứ DNA quý giá cần được bảo tồn nghiêm ngặt. 

Chanel vs Hermès: Những pha xử lý “cồng kềnh” trong hành trình cạnh tranh Hermès của Chanel - Ảnh 3.

Khác với Hermès, Chanel dù là một nhà mốt có di sản cũng lâu đời nhưng lại đại diện cho những cuộc Cách mạng tân tiến của thời trang ở các thời đại khác nhau. Dưới thời Mademoiselle Gabrielle, Chanel trở thành niềm mơ ước táo bạo của phụ nữ đương thời với những thiết kế set suit, vải tweed mạnh mẽ không đi theo lối yểu điệu, mơ mộng thông thường. Với Karl Lagerfeld, Chanel trở thành nhà mốt hàng đầu tạo nên những mộng tưởng sang trọng đẹp đẽ của phụ nữ trên toàn thế giới. 

Chanel cũng là một trong số ít thương hiệu xa xỉ hàng đầu hiện nay không có sản phẩm quần áo, phụ kiện cho riêng nam giới. Qua các thời kỳ, Chanel đều ghi dấu bằng những thiết kế, model túi xách khác nhau: các mẫu túi Classic, các mẫu được reissue (thiết kế lại), Chanel Boy, Chanel Gabrielle, C19… Không chỉ là một nhà mốt di sản, Chanel còn là một thương hiệu hướng tới tương lai với những nỗ lực liên tục thay da đổi thịt để tương thích cùng thế hệ khách hàng mới. 

Chất liệu - chất lượng

Khi nói về chất lượng của những chiếc túi xách xa xỉ, chúng ta không chỉ đề cập tới thiết kế vượt thời gian (timeless design), chất liệu làm túi (da bê, da cừu, da trâu hay da cá sấu) mà còn về tính thủ công tuyệt đỉnh (finest craftsmanship) của các nghệ nhân lưu trú dưới mái nhà của hai thương hiệu. 

Chanel vs Hermès: Những pha xử lý “cồng kềnh” trong hành trình cạnh tranh Hermès của Chanel - Ảnh 4.

Thiết kế: Thật khó để so sánh xem Chanel hay Hermès mới là nhà mốt vượt trội hơn trong khía cạnh này. Bởi lẽ mỗi thiết kế túi xách đến từ hai thương hiệu đều đã có chỗ đứng nhất định trong lịch sử thời trang thế giới. Với Chanel, đó là chiếc túi Classic Flap trứ danh dễ đeo dễ đẹp trong mọi hoàn cảnh từ tiệc tùng sang chảnh tới đi uống cafe vỉa hè. Hay là mẫu Chanel Boy, C19, Vanity… là niềm khao khát của Gen Z hiện tại. 

Với Hermès, Birkin và Kelly là hai tường thành bất hủ và đắt khét lẹt với tầng lớp thượng lưu. Người ta thường thấy các siêu sao như Cardi B hoặc chủ tịch Kylie Jenner, Kim Kardashian sưu tập Birkin đấy thôi. Bên cạnh đó, các mẫu Constance, Picotin, Her Bag của Hermès cũng luôn là những mẫu cháy hàng được trao qua bán lại nhộn nhịp trên thị trường private sellers. 

Chanel vs Hermès: Những pha xử lý “cồng kềnh” trong hành trình cạnh tranh Hermès của Chanel - Ảnh 5.

Chất liệu: Nếu các nhà mốt xa xỉ khác chỉ có một vài gạch đầu dòng nhất định cho các dòng chất liệu chủ đạo làm túi (thi thoảng khi làm phiên bản giới hạn, lễ Tết hội hè mới mạnh tay đá sang chất liệu lạ hơn). Thì Chanel và Hermès lại có hẳn một catalogue chú mục cẩn thận các nhóm chất liệu cho túi xách của họ: từ các loại da động vật phổ thông như da cừu, da bê cho tới các loại da quý hiếm như da cá sấu, da trăn. 

Ở đâu bảo vệ động vật ăn chay không biết nhưng riêng với hai nhà mốt sừng sỏ này thì đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, có tiền mua tất cả các trang trại cá sấu, trăn rắn trên thế giới cũng được. Cần lưu ý là tại Chanel, bên cạnh các loại da động vật, nhà mốt này cũng thường xuyên sử dụng các chất liệu nhân tạo thay thế như polyester; nhung; canvas; vải trám chần, vải thêu sequin và tweed để làm túi. Còn tại Hermès, vốn có gốc gác là một workshop chuyên làm đồ da nên thương hiệu này có sự dồi dào hơn hẳn Chanel trong danh mục chất liệu da động vật (da trâu, da trăn, da cá sấu…)

Chanel vs Hermès: Những pha xử lý “cồng kềnh” trong hành trình cạnh tranh Hermès của Chanel - Ảnh 6.

Tính thủ công: Điều làm nên sự khác biệt của một chiếc túi hiệu với những chiếc đến từ các thương hiệu phổ thông đó chính là tính thủ công, tính handmade. Việc làm bằng tay các khâu từ cắt da, thêu túi, đóng đinh, đánh bóng… khiến cho mỗi chiếc túi xuất cung của Chanel hay Hermes đều là một phiên bản độc nhất không chiếc nào giống chiếc nào. 

Tại Hermès, một chiếc túi phải được làm hoàn toàn bằng tay và được hoàn thiện bởi 1 nghệ nhân duy nhất. Để được giao trọng trách làm túi Birkin hoặc Kelly, một nghệ nhân phải trải qua quá trình huấn luyện khắc nghiệt tối thiểu 5 năm với bộ phận thiết kế của Hermès. Trong khi đó, túi Chanel vẫn có sử dụng việc khâu máy ở một số công đoạn nhỏ nhất định đòi hỏi sự chính xác và kiên cố theo cấu trúc túi của thương hiệu. 

Mức giá

Có lẽ, nếu nhận định thì người viết bài sẽ nhận định đây chính là khâu xử lý “cồng kềnh” nhất mà Chanel làm trong suốt 2 năm qua. Nếu như chú Dior vung tiền biết là bao nhiêu cho các đại sứ thương hiệu để quảng bá hình ảnh rồi mới dám nhỏ nhẹ tăng khoảng đâu đó 8% so với mức giá cũ trước dịch. Louis Vuitton cho mời các đấng anh tài, collab collab và collab liên tục cũng tăng chỉ khoảng 10% thì riêng Chanel quất ngựa vút lên 60% so với mức giá cũ. Các lý do Chanel đưa ra thì ối dồi ôi nhiều vô kể (đã nhắc đến đầu bài).

Nhưng làm gì có chuyện tư bản nhân từ với thị trường mà “bình ổn giá”; “chi phí sản xuất đắt đỏ”; “hướng tới việc vinh danh một món đầu tư xứng đáng cho khách yêu”... Những đồn đoán về việc soán ngôi Hermès, hất cẳng các tập khách hàng thị trường trung lưu, trở nên danh giá hơn là những gì mà người ta gán cho Chanel thời điểm hiện tại. Hạ hồi phân giải, phát ngôn viên của nhà mốt hai chữ C lồng vào nhau cho biết:

Chanel vs Hermès: Những pha xử lý “cồng kềnh” trong hành trình cạnh tranh Hermès của Chanel - Ảnh 7.

Túi Hermes dĩ nhiên là rất tuyệt vời rồi nhưng những chiếc túi được làm ra tại Chanel rất khác. Cả về cấu trúc cho tới chất liệu. Đúng, chúng tôi trực tiếp đối đầu với Hermes đấy nhưng không phải theo cái cách so kè từng tí một mà mọi người đang nói tới. Và hơn thế nữa, bạn không thể trở thành một thương hiệu làm ra những chiếc túi xa xỉ nhất, được mong cầu nhất mà không nâng mức giá lên một vị thế cao trong thị trường. Chanel mang tới những sản phẩm có giá trị tuyệt vời và những giá trị này đòi hỏi sự cam kết đầu tư chất lượng từ phía khách hàng để tạo ra một mối liên kết sâu đậm có thể kéo dài hơn 20 năm sau.” - Bruno Pavlovsky - chủ tịch mảng thời trang của Chanel. 

Về phía Hermès, mức giá là thứ bình ổn đã được an bài tại ngôi nhà này suốt 10 năm nay. Cũng vì 1 lẽ vốn dĩ mức giá của Hermes đã là mức giá không tưởng: không chỉ cao chót vót mà chưa chắc cầm tiền đi đã mua được. 

Cách mua hàng

Với những người mới dấn thân vào cuộc đua đồ hiệu, cách để mua hàng sẽ gồm: lên các trang e-commerce như Ssense, Net-a-porter, farfetch; vào các group thanh lý đồ hiệu; lên web canh sale; hóng post từ các private sellers? Với các dân chơi sành sỏi, việc săn được đồ Hermès xứng đáng được đóng sách giáo khoa cho các thương hiệu sau này học tập về khả năng tạo ra sự khan hiếm, đôn được vị thế vô tiền khoáng hậu của mình trong thế giới của sự xa xỉ. 

Tại Hermès, không chỉ chất lượng tuyệt hảo của đồ da và sự tỉ mỉ đến khắt khe của các nghệ nhân, câu chuyện để có thể mua được những vật phẩm như Birkin, Kelly của hãng cũng là một giai thoại nổi tiếng. Ngắn gọn nhất, Birkin và Kelly không phải là những món đồ hiện diện trên website cũng như có sẵn tại các boutique của Hermès. 

Chanel vs Hermès: Những pha xử lý “cồng kềnh” trong hành trình cạnh tranh Hermès của Chanel - Ảnh 8.

Để mua được những mẫu túi này, bạn cần có một lịch sử thân tình chặt chẽ với thương hiệu được thể hiện bởi danh sách dài những món phụ kiện quần áo bạn từng mua của Hermès (nôm na có thể hiểu như là tích điểm) và mối quan hệ bạn có với một SA (sale assistant) của hãng. Do số lượng khan hiếm của một chiếc túi Hermès nên kể cả store manager hay sale assistants cũng không thể biết trước được khi nào và chi tiết của một chiếc túi ra sao mới hạ cánh tại boutique. Huyền thoại nhất phải kể đến một waitlist bí ẩn của các SA tại Hermès dài tới 6 năm có lẻ dành cho các khách hàng muốn sở hữu Birkin hoặc Kelly. 

Lúc chờ đợi đã lâu mà có khi tới lượt mua cũng chưa chắc đã có đúng một chiếc túi kích cỡ, màu sắc, chất liệu như bạn chờ lúc đầu. Chưa hết, Hermès còn giới hạn credit mua hàng của các khách hàng cá nhân nên có tiền, có vận may chưa chắc đã có được nhiều vật phẩm của Hermès mà phải đi qua con đường private seller. 

Chanel vs Hermès: Những pha xử lý “cồng kềnh” trong hành trình cạnh tranh Hermès của Chanel - Ảnh 9.

Có thể coi sở hữu được túi Hermès là một chiến thắng vượt lên bài kiểm tra về đạo đức, nhân phẩm và may mắn của tầng lớp thượng lưu. Vì khó khăn nhường vậy mà tại thị trường thứ cấp, giá túi Hermès có thể x2 x3 hoặc thậm chí x4 là chuyện bình thường. Người trong giang hồ đồn rằng giờ Birkin B25 giá 29,500 Mỹ kim đã là gì. Có seller tự tin hét 30,000$ vẫn cứ là có người mua. Các seller hàng vintage cũng luôn tranh thủ thời cơ giao bán Hermes vintage triệt để trước lần ra mắt thiết kế túi mới vô cùng hiếm hoi vừa qua của thương hiệu tại mùa RTW Fall 2022. Chính vì sự chảnh chọe này, (nhưng cũng rất tương thích với chất lượng đỉnh cao mà Hermès mang lại cho khách hàng) nên dễ hiểu tại sao Hermès suốt nhiều thập niên vẫn là một thế lực bí ẩn ngồi yên vị tại ngai vàng độc tôn của sự xa xỉ.

 Còn với Chanel, dù đắt đỏ nhưng suốt những năm qua, việc sở hữu được một chiếc túi Chanel không khiến ai phải bẽ bàng mất mặt vì không vượt qua được vòng sơ khảo về đạo đức và vận may cả. Bạn có tiền bạn đến boutique của Chanel là bạn có thể sở hữu được những classic flap, C19, Boy rồi. Trừ chuyện chờ tiền về tài khoản ra thì với Chanel bạn không phải xếp hàng chờ ai cả. Nhưng đây cũng chính là lúc Chanel quyết định mình phải khác thôi, phải tách bản thân ra khỏi hội anh em bạn dì LV, Gucci, Dior mà ngồi cùng mâm với Hermes thôi. Không chỉ có tiền mà phải có đẳng cấp mới được xách Chanel. 

Chanel vs Hermès: Những pha xử lý “cồng kềnh” trong hành trình cạnh tranh Hermès của Chanel - Ảnh 10.

Động thái thắt chặt số lượng túi mà một khách hàng cá nhân có thể mua trực tiếp từ boutique Chanel đã thành sự thật tuy nhiên “cồng kềnh” ở chỗ là chính sách hạn chế mua hàng này chưa được Chanel thực thi đồng loạt mà mới chỉ ở mức chỗ có chỗ không. Tại Paris, theo tờ Bloomberg đưa tin, khách hàng chỉ được mua 1 chiếc túi Chanel và phải đợi 2 tháng sau mới được mua túi tiếp và đảm bảo là chiếc túi sau không giống chiếc túi họ đã mua trước đó. 

Tại New York, Chanel cũng đặt định mức cho việc mua các thiết kế túi kinh điển theo tháng. Tuy nhiên, tại HongKong và Thượng Hải (hai thị trường tiêu thụ Chanel lớn) lại chưa thấy mùi mẽ gì. Nên cho đến thời điểm này, Chanel vẫn cho thấy sự “cá đuối” nhất định trong việc nâng tầm của mình lên ngang hàng với Hermès. 

Chanel vs Hermès: Những pha xử lý “cồng kềnh” trong hành trình cạnh tranh Hermès của Chanel - Ảnh 11.

Kết

Việc lựa chọn giữa Chanel hay Hermès để đầu tư thuộc về quyết định cá nhân của mỗi người dựa trên nhiều yếu tố khách quan và chủ quan nhất định. Nhưng dù có thế nào đi chăng nữa, hai nhà mốt di sản lớn với những sáng tạo phụ kiện tuyệt đẹp này đều là những món đầu tư rất hời như cổ phiếu chỉ thấy tím mà không thấy đỏ. 

https://ahadep.com/chanel-vs-hermes-nhung-pha-xu-ly-cong-kenh-trong-hanh-trinh-soan-ngoi-hermes-cua-chanel-20220317120618601.chn