Casting lên tới 40 - 50 shows diễn trong một mùa. Trung bình mỗi ngày đi casting từ 4 - 5 shows. Kỉ lục thuộc về ngày đầu tiên đáp máy bay xuống Milan lúc 9h sáng rồi liên tục đi casting 11 shows ngay sau đó. Dahan-Phương Oanh làm mọi việc một mình mà không cần tới bất cứ sự trợ giúp nào ngoài lịch trình định sẵn được gửi từ quản lý và công ty agency mẹ. Tôi may mắn, ''bắt'' được Oanh giữa những ngày bận rộn nhất khi em đang ở Paris chuẩn bị cho tuần lễ thời trang cuối cùng của mùa này. Kể cả khi cuộc phỏng vấn diễn ra vào lúc 8h sáng theo giờ Paris, Oanh mới ngủ dậy, thì tôi vẫn cảm nhận được rõ ràng một nguồn năng lượng mạnh mẽ, ''lăn xả'' như cái cách Oanh đã càn quét các sàn diễn thời trang quốc tế trong thời gian qua.
Dahan-Phương Oanh: Chiến thần gen Z càn quét các sàn diễn thời trang quốc tế
Chào Oanh, hôm nay em có phải đi diễn show không?
Oanh: Trên tinh thần là chưa. Bình thường em sẽ biết lịch diễn trước hôm diễn ra show. Ví dụ, lúc em đi ngủ là em sẽ biết, tầm 10h, 10h30 hoặc 11h đêm. Hết 1 ngày, khách hàng mới bắt đầu ngồi xuống chọn xem là họ nên chọn người mẫu nào, sau đó họ sẽ báo cho các agency. Có lịch cụ thể rồi thì agency mới báo cho mình.
Em đã quen với cái cảm giác tối trước khi đi ngủ mới biết ngày mai mình diễn show gì chưa? Chị nghĩ đó là một thứ cảm giác nơm nớp, không dễ chịu cho lắm.
Oanh: Em đã đi fashion week được 4 mùa trong 2 năm qua rồi. Trước đó, em không đi London. Phải đến bây giờ mới là mùa đầu tiên em đi đủ cả 4 thành phố lớn New York, Milan, Paris và London. Hai mùa đầu em còn lo lắng. Không thấy agency báo gì, em còn gọi điện lên công ty hỏi họ xem ngày mai em có show gì không. Giờ thì em quá quen với cảm giác này rồi. Gọi thì gọi, không thì thôi. Nhanh còn đi ngủ.
Thế nếu mà trong một mùa em chỉ được diễn ít show thì em có lo lắng không?
Oanh: Trước đây thì có, giờ thì không. Hai mùa trước, em lo vì em sợ sẽ không đạt chỉ tiêu với công ty. Công ty bên này cũng đặt nhiều kỳ vọng vào em. Mà em lại còn là ''học sinh yếu'' nữa.
Về phía chị - là một BTV thời trang, chị thấy khung người của Oanh rất phù hợp với các sàn diễn quốc tế. Điều gì khiến em tự nhận mình là ''học sinh yếu'' của công ty quản lý?
Oanh: Học sinh yếu có nhiều lý do lắm. Em biết kiểu body của em đạt tiêu chuẩn để diễn cho các nhà mốt lớn. Nhưng hiện nay, vấn đề không chỉ đơn thuần là hình thể nữa mà còn là cái thần từ bên trong của một người mẫu nữa. Đó cũng là điều mà em đang cố gắng tôi luyện hàng ngày. Chị học được gì từ cuộc sống và kinh nghiệm cá nhân thì nó cũng sẽ toát ra cái thần đó. Những nhà mốt lớn, em nghĩ rằng họ sẽ quan trọng những điều như vậy. Em không biết diễn tả thế nào cho chị nhưng em cảm nhận được điều đó từ các bạn người mẫu khác ở đây. Một phần là nhờ điều khó diễn tả như vậy mà em hiểu được vì sao người mẫu Việt sang đây rất khó để được các nhà mốt chọn. Sao nhỉ. Em nghĩ là nó giống như việc, người mẫu Việt hay bị nén vào một cái hộp nào đấy và cái hộp đấy khiến mình cảm thấy mình không phải là mình mà là một người khác. Không tự nhiên. Ở bên này, người mẫu có thần thái rất khác. Họ tự nhiên, thanh thoát và bất cần. Họ là họ chứ không phải là ai khác. Vì vậy mà họ được chọn.
Em đã làm thế nào để tôi luyện được ''cái thần'' đó?
Oanh: Em nghĩ một phần là do thời gian: quá trình em làm việc và va vấp tại đây. Một phần nữa là cá tính bên trong em cũng khá mạnh rồi, nhưng chẳng qua do trước đây em lo lắng, hồi hộp nhiều quá mà em làm mất đi một phần con người mình. Khi quen rồi, em cũng thả lỏng hơn. Bây giờ mà đi casting thì em cũng mang cái thái độ ''bất cần'' đấy luôn.
Luôn có một cái ''khoảnh khắc'' khiến con người ta biết rằng: Đó là lúc mình phải thay đổi để sinh tồn hoặc phát triển lên một tầm khác. Với Oanh, đó là khoảnh khắc nào?
Oanh: Ngay từ khi mới sang đây đó chị. Khoảnh khắc em đặt chân tới London, em đã biết là mình phải đi thôi. Em đã thoát ra khỏi một môi trường không thực sự ''healthy'', không công bằng cho người mẫu. Em thay đổi từ từ. Vì lúc đó em vẫn là một người mới lại còn không biết tiếng Anh. Tiếng Anh của em siêu dở. Cũng có nhiều vấn đề xảy đến với em: vấn đề về môi trường, ngôn ngữ, văn hóa rồi con người… Lúc em mới sống được 1 tháng ở bên này thì COVID xảy đến và em lại phải đi về. Em ở Việt Nam gần 1 năm nữa rồi mới có thể đi tiếp. Lần trở lại sau thời kì COVID đó, em thực sự cảm nhận được: ''Wow, tao ở đúng thành phố rồi đấy! Tao đã đến đúng nơi dành cho mình rồi và giờ tao chỉ việc bung thôi!''. Em thấy rất thoải mái khi ở môi trường này. Em được là chính em và được phát triển.
Bình thường em đi casting có phải đợi lâu mới có kết quả không?
Oanh: Dạ tùy. Thông thường, sau khi em diễn với casting director xong mà được chọn vào vòng trong thì em sẽ tiếp tục casting với stylist. Một số show thì stylist sẽ ở đó trực tiếp luôn. NTK thì có thể sẽ đến vào một hôm khác. Nếu casting với stylist suôn sẻ, họ thấy em hợp với BST thì có thể là hôm sau em sẽ được gặp NTK luôn. Một số show thì em qua được vòng casting với casting director thì hôm sau sẽ gặp cả stylist và NTK luôn. Gặp NTK xong thì có hai trường hợp: 1 là em tới fitting thử đồ vào một hôm khác. 2 là có đồ ở đó thì em diễn cho họ thử một look luôn, xem đồ lên như thế nào. Nói chung, việc thử đồ và việc chắc chắn được diễn show không liên quan tới nhau. Fitting khoác đồ lên người cũng chưa chắc đã trúng show. Em fitting thì nhiều lắm nhưng sau đó thì họ không chọn em. Mấy mùa đầu tiên, em cứ nghĩ fitting xong là thở phào nhẹ nhõm, sắp có show diễn rồi đấy. Nhưng không hề. Bên này em thấy khắc nghiệt đấy. Chị phải có một cái tinh thần. Như thế nào nhỉ. Tinh thần mà tạo ra kim cương là gì hả chị?
Áp lực à?
Oanh: Dạ không. Cái gì tạo ra kim cương nhỉ? À Carbon! Em nghĩ là phải có tinh thần carbon ấy, chứ tinh thần thép mình không dùng được đâu.
Em có bị ngợp trước toàn bộ những việc này không: những nhà mốt lớn, những người mẫu có tên tuổi đã từng xuất hiện trên truyền thông, những người nổi tiếng ngồi front-row…?
Oanh: Không chị, em không hề bị ngợp. Chỉ có shooting với Gucci trong năm 2021 là khiến em choáng ngợp nhất thôi, còn đi diễn show em lại không bị ngợp. Chị biết sao không? Mỗi khi đi diễn show, khi biết mình đã là người được chọn, em tự tin lắm. Ngay khoảnh khắc đấy, em đã biết là ''Rồi xong! Mọi thứ đều rất sòng phẳng, công bằng!''. Tất cả đều giống nhau thôi khi mà mọi người đều tham gia vào một cuộc chơi, một cuộc thi rất fairplay. Em nghĩ vậy, tại sao không tự tin lên để tận hưởng khoảnh khắc này.
Em có biết khi nhắc tới thời trang cao cấp, những show diễn của các nhà mốt lớn: khuôn mặt em sáng bừng lên và cảm xúc của em phấn khích hơn hẳn không?
Oanh: Em đam mê ấy chị. Khi mà diễn cho các nhà mốt lớn, chỉ cần đến khúc fitting thôi là chị đã thấy sự khác biệt rõ ràng giữa các phân khúc thương hiệu rồi. Ngay trong lúc thử đồ, chị chẳng cần biết mình có được chọn hay không nhưng chính không gian đó đã rất xa xỉ, ở một tầm hoàn toàn khác. Họ chỉn chu trong từng khâu: bước từ cửa vào họ hỏi tên mình, chào đón mình nồng nhiệt, họ đưa áo choàng cho mình mặc, đưa dép cho mình đi… Thường mọi người chỉ được nhìn cái không gian xa xỉ đó từ ngoài vào thôi. Còn em đã được đặt chân vào thế giới đó, khám phá bên trong, Hậu trường một show diễn có đâu đó chỉ 40, 50 người mẫu được chọn thôi mà em lại nằm trong số đó ấy chị. Cảm giác đấy rất khó tả, không phải ai cũng được tận hưởng và hiểu được nó. Ngay từ cảm giác đó thôi đã thực sự rất xa xỉ với em rồi.
Cách em nói về thế giới ấy giống như là một đặc ân vậy. Và đặc ân không dành cho tất cả mọi người. Em có tự hào về bản thân không?
Oanh: Em rất tự hào về bản thân đấy. Để mà nhìn lại về quá trình đi được đến ngày hôm nay, em nghĩ mình đã thực sự rất nghiêm túc với con đường này. Em tin vào việc thành công của mình chắc chắc không còn xa nữa. Em phải tập trung, nỗ lực và thực sự biết mình muốn gì. Em cũng phải học nhiều hơn để có được cái mà em thực sự muốn.
Em định nghĩa như thế nào về sự thành công mà em đang hướng tới?
Oanh: Ở thời điểm hiện tại, em muốn mình được lọt vào Hot list, Money list hoặc vào danh sách cao hơn là Icon list. Những cái đích đó thực sự cao hơn nhiều so với vị trí hiện tại của em. Để đạt được chúng, em phải cố gắng hơn rất nhiều. Việc cố gắng không chỉ nằm ở chuyện đi casting nhiều hay nhận nhiều jobs hơn. Mà điều đó còn nằm ở nội lực bên trong, cái thần ban đầu mà em nói với chị ấy.
Em có biết là nếu nhìn từ vị trí thị trường thời trang Việt Nam bây giờ, em đang là một người mẫu gen Z đạt được nhiều thành tựu - đã hoạt động thường xuyên ở thị trường thời trang cao cấp quốc tế.
Oanh: Em không đặt điểm nhìn của em từ Việt Nam để nhìn ra thị trường quốc tế nữa ạ. Em nhìn từ vị trí của em ở ngay đây, ngay lúc này. Những gì em đã làm được thực sự vẫn chưa là gì so với các bạn đồng nghiệp quốc tế ở bên này. Từ đầu luôn chỉ có em và agency của em. Em có thêm nguồn động lực từ gia đình mình nữa. Còn lại, em không còn có ai hết, không có thêm sự trợ giúp từ bất cứ ai, em bắt đầu cuộc đời ở đây từ con số 0.
Chị được biết, em một mình đi casting có khi tới cả chục show mỗi ngày hay là đi diễn mà không có trợ lý cá nhân hoặc bất cứ ai đi cùng? Thực sự đó là một điều gì đó… hiếm thấy ở người mẫu có nhiều show hoặc chí ít là hiếm đối với những gì chị được biết về công việc này.
Oanh: Thực sự em không biết công việc của em sau này (nếu) nhiều hơn thì sẽ như thế nào. Liệu em có cần thêm sự trợ giúp hay không. Nhưng ở thời điểm hiện tại, nếu có thêm một người nữa em lại cảm thấy vướng víu á chị. Họ sẽ làm cho thời gian của em bị chậm lại. Ví dụ, khi đi casting đó, em phải đi bộ rất nhanh. Hôm trước, vừa đặt chân xuống sân bay lúc 9h sáng ở Milan, em phải lao đi casting luôn. Ngày hôm đó, em casting 11 show. Nếu có một người nữa đi cùng thì thực sự rất là vướng. Chưa chắc, họ có thể đi bộ nhanh bằng em. Họ mà đi chậm hơn thì em lại phải vừa đi vừa chờ này. Em cảm giác, một mình em là đủ rồi, em không cần ai trợ giúp cả. Có lúc, quản lý bên này của em đi cùng để quay video phóng sự cho em casting mấy show thôi mà đã thấy vướng. Em thấy mất nhiều thời gian lắm, cứ phải chờ. Thôi, em tự quay cho nhanh. Thêm nữa, nếu có người đi cùng, em thấy mình không tập trung.
Ồ, ở em thực sự có một nguồn năng lượng rất trực diện, thẳng thắn và không giấu giếm điều gì cả. Nguồn năng lượng này đã luôn ở đấy à hay có điều gì đó đã thúc đẩy em dấn thân vào lựa chọn nghề mẫu và sở hữu nguồn năng lượng này?
Oanh: Hồi em còn học ở Điện Biên, em thấy mấy đứa bạn cùng trường được đi du học Mỹ. Em thích lắm. Em thích đi nước ngoài ấy dù tiếng Anh của em siêu dở. Em bảo mẹ em là cho con đi du học đi. Xong rồi mẹ em mới bảo nhà làm gì có tiền mà đi. Em cũng thôi, okay con học ở đây vậy. Em nghĩ là từ khoảnh khắc đấy em đã rất muốn đi đâu đấy thật xa rồi. Thế là lúc agency của em - Taste Management bảo rằng muốn đưa em đi ra quốc tế. Em đồng ý luôn, đi luôn, không quan tâm xem họ lừa hay thật.
Thực sự là không quan tâm họ lừa hay không ấy hả?
Oanh: Vâng chị. Em thích đi nước ngoài mà. Taste tuyển em qua Facebook. Khi họ liên hệ qua tin nhắn Facebook, em ok đi luôn đấy. Em còn chạy xuống nói với mẹ là: ''Mẹ ơi, có một bên nhắn tin cho con bảo là muốn đưa con đi nước ngoài''. Mẹ em còn bảo tào lao, bị lừa đấy. Sau đó, quản lý của em bây giờ hẹn em vào Sài Gòn gặp. Em gặp luôn, em chả sợ gì cả chị ạ. Mặc dù trên xe taxi đi gặp quản lý, em cũng hơi hơi lo lắng, không biết là người ta có làm gì mình không, có ra được cái việc gì không. Gặp xong, em thấy cũng được đấy. Người ta mang cho em niềm tin rằng người ta không nói xạo, người ta có thể làm được.
Chiến thật. Chị còn nhớ trong bài phỏng vấn trước với B&F Studio, em đã thẳng thắn đưa ra những nhận định ''quá thật'' về những bất cập trong thị trường thời trang Việt Nam hiện nay. Khi em quá thẳng thắn như vậy, em có sợ rằng khi về lại thị trường Việt Nam em sẽ gặp khó khăn không?
Oanh: Không ạ. Như chị đã biết đấy, ở Việt Nam, mọi người bị đói thông tin từ trong nghề tới ngoài nghề. Mọi người cần tin tức. Mọi người cần cả niềm tin từ những điều thực sự có giá trị. Ngay từ lúc bước chân sang nước ngoài, em biết giá trị của mình nằm ở đâu rồi. Em sẽ cứ làm việc của em, là chính em thôi. Khi nào người khác nhận ra giá trị của em thì họ sẽ tự quay lại, tự đến với mình, tự ngỏ lời. Trong đầu em đã luôn nghĩ rằng, rồi thị trường Việt Nam cũng sẽ cần mình thôi. Mặc dù em không biết em có quay về Việt Nam không nhưng thời điểm hiện tại em không sợ khó khăn. Cũng có lúc em nghĩ, có khi mình về Việt Nam mọi người không cần mình không nhỉ? Không cần thì sao? Thì mình ở lại đây, mình có sự lựa chọn mà.
Này chị cảm thấy tò mò về gia đình em đó. Gia đình em như thế nào để nuôi dưỡng được một cá tính mạnh mẽ như thế này?
Oanh: Em cũng không rõ. Nhưng ông nội em ngày xưa hay đi công tác văn nghệ, hát hò này. Chắc gen văn hóa, văn nghệ của em là có tí dính dáng tới ông nội em ạ. Bố mẹ, họ hàng nhà em thì không ai liên quan gì đến em luôn đó. Em kiểu một mình một kiểu trong nhà. Tính cách của em thì giống mẹ. Mẹ em rất ''strong'', đồng bóng và pặp pặp (kiểu nhanh nhẹn, quyết liệt).
Một mình lăn lộn những năm qua để ổn định và có được vị trí tại thị trường quốc tế, có khi nào em cảm thấy buồn không?
Oanh: Chuyện buồn thì nhiều lắm chị, không kể hết được đâu. Lúc buồn thì em rất buồn nhưng lúc vui thì em rất vui. Em là đứa hay nghĩ nhiều. Mặc dù lúc buồn thì cũng thê thảm đấy, nghĩ nhiều đấy nhưng nếu mà có chuyện gì đó vui hơn thì em quên hết cái buồn luôn. Chỉ cần niềm vui đó lóe lên là em sẽ quên hết nhưng chuyện buồn bao lâu nay. Thế mới hay. Công việc của em cạnh tranh cao, áp lực. Nhưng khi kể chuyện với người khác em toàn kể chuyện vui vì em không nhớ gì về những chuyện buồn lúc đó nữa. Không buồn thì làm sao kể chuyện buồn được. Chắc do em toàn kể những điều vui nên mọi người cũng hay tưởng là ui con này đi dễ lắm. Nhưng em nghĩ chỉ cần mọi người sang đây thôi thì mọi người cũng sẽ bị ngộp.
Mùa fashion week này có khá nhiều cột mốc với Oanh. Đầu tiên phải kể tới là show diễn của Marc Jacobs tại New York Fashion Week đúng không nhỉ?
Oanh: Đây em sẽ kể cho chị nghe từ những cảm xúc đầu tiên. Em hoàn toàn không biết là mình sẽ đi casting cho show của Marc Jacobs, agency giấu em mà. Có hôm em lên công ty, mọi người ở công ty cứ nhìn xong sờ tóc em rồi hỏi nếu Marc Jacobs muốn em cắt tóc thì em có cắt không. Em cắt luôn, sợ gì. Tóc thì còn mọc dài lại được chứ cơ hội có đến nhiều lần đâu. Thế là em phải cả cắt, cả nhuộm, nhuộm cả lông mày, lông mi hết.
Tới ngày casting chính thức, agency còn dặn em là phải mặc đẹp và lên công ty cho mọi người kiểm tra mặc thế ổn chưa. Agency dặn em là phải mặc cái gì đấy punk vào. Em lục tủ quần áo của em thì toàn cái gì ấy chị ạ, làm gì có đồ nào punk. Em tìm được một cái áo phông in hình rồi em cắt cái áo đấy cho rách rách để mặc cùng một cái chân váy da duy nhất mà em có. Cái chân váy đấy em cũng xẻ nó ra thêm trông đúng kiểu rách rưới, bụi bụi kiểu Punk. Agency em nhìn bộ đồ đó thì duyệt luôn. Tới lúc đi casting thật, hôm ấy em chỉ gặp casting director. Họ vừa thấy em xuất hiện với cái bộ đồ tự chế ấy là họ okay cho em vào chụp hình cùng đồ luôn mà không cần phải đi diễn thử. Nhưng sau hôm đó, em còn phải đi casting lại thêm vài lần nữa, phải thử makeup các kiểu, mặc đồ rồi đi trên cái đôi giày cao 20cm. Trời ơi tới đi tới lại nhiều quá. Có lúc em cũng run, nghĩ là giờ mà không được thì cũng không biết thế nào. Chỉ tới khi agency báo em tới làm tóc thì em mới dám thở phào, enjoy cái moment này. Vì em biết lúc đó là em đã được chọn rồi.
Và cả cột mốc lọt top những model đắt show nhất trong tuần lễ thời trang tại New York nữa chứ? Em đã diễn tận 8 show tại đây này.
Oanh: Thật ra từ đầu mùa tới giờ em đi cast khoảng 40 - 50 shows rồi chị ạ. Mỗi ngày em đi casting trung bình từ 4 - 5 shows, agency mà có thêm lịch đá ngang thì em cũng đi nếu không vướng việc gì cả. Việc diễn được 8 shows trong một tuần lễ với em thì nó cũng đã ra gì rồi đấy nhưng thực sự thì cũng chưa thấm tháp vào đâu so với mọi người. Nó chỉ là một cái gì đấy nhỏ xíu trong một cụm lớn. Em không thấy áp lực lắm mà em chỉ nghĩ mình còn phải cố gắng nhiều hơn.
Em đã diễn cho Lemaire, Dolce & Gabbana, Marc Jacobs, Blumarine, Peter Do… và đều nằm trong khuôn khổ sự kiện tuần lễ thời trang của 4 thành phố lớn. Hiện tại, có nhà mốt nào mà em chưa diễn bao giờ nhưng em rất muốn được diễn cho họ không?
Oanh: Alaia. Em nghĩ nếu được diễn cho nhà mốt này, em có thể cho mọi người thấy những khía cạnh khác của em. Mọi người nhìn em sẽ hay nghĩ là em gai góc và cool. Nhưng bên trong, em còn cảm thấy bản thân mình rất sexy, nữ tính và quyền lực. Em muốn mọi người mường tượng được cả những điều đó về em nữa.
Ồ, chị đã nghĩ là em sẽ chọn lấy một cái tên nào đó phổ thông hơn như là Louis Vuitton hay là Chanel chẳng hạn. Alaia không phải là một lựa chọn thường thấy và chị nghĩ chỉ những ai thực sự quan tâm tới thời trang và yêu thích nó thì mới nghĩ tới Alaia.
Oanh: Em nghĩ nếu đã làm việc trong môi trường quốc tế và có tham vọng, sẽ tốt hơn nếu như mình có sự đầu tư tìm hiểu về các thương hiệu ạ. Việc mình biết được họ có nguồn gốc, xuất xứ như thế nào; tại sao họ có thể sống sót tới tận bây giờ; tại sao họ lại phát triển… Em cũng có sự tìm hiểu của riêng mình về lịch sử thương hiệu ạ. Em thích Alaia, một phần vì ở Pháp, Alaia là một thương hiệu không xô bồ, không bon chen social media nên cũng không phải quá nhiều người biết đến. Nhưng cứ nói tới Alaia thôi thì ai biết sẽ biết và rất nể thương hiệu này.
Hay quá. Cá tính và có gout. Vậy với tuần lễ thời trang Paris này, em có đặt kỳ vọng bản thân sẽ được diễn trong mấy show không?
Oanh: Câu này hay á chị. Với em thì cỡ 3 - 4 show là đẹp rồi ạ. Bây giờ em không đếm số lượng nữa mà em sẽ tính chất lượng. Nếu trong số 3 show được chọn mà em có 1 show trúng của nhà mốt lớn, chất lượng thì là em đã đạt chỉ tiêu. 2 show chất lượng thì càng đẹp. Em cứ từ từ từng bước một thôi rồi em tin là đâu sẽ có đó.
Cảm ơn Oanh nhiều!