Mái tóc dày suôn mượt luôn là ước mơ của bao chị em. Có nhiều sản phẩm trên thị trường, hứa hẹn giúp kích thích tóc mọc dày mượt, đặc biệt là các sản phẩm có chứa biotin. Biotin được ví von như thần dược cho mái tóc, giúp tóc mọc nhanh và chắc khỏe. Vậy nhưng thực tế, trong mắt các chuyên gia, thành phần này nói riêng và các sản phẩm có chứa biotin nói chung chưa chắc đã giúp bạn có mái tóc đẹp như ý nguyện.
Biotin là gì?
Biotin hay còn được gọi là vitamin H, vitamin B7, là một vitamin nhóm B quan trọng có trong nhiều loại thực phẩm tự nhiên. Với cơ thể, biotin giúp chuyển hóa dưỡng chất, thành năng lượng, kích thích sự sản xuất keratin - là chất giúp da, móng, tóc của bạn bóng đẹp, chắc khỏe.
Biotin có thể tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm như trứng, cá hồi, khoai lang và hạnh nhân. Ngoài ra, nhiều loại thực phẩm chức năng cũng có chứa biotin với hứa hẹn giúp trị rụng tóc, kích thích mọc tóc, dưỡng móng chắc khỏe.
Có cần bổ sung biotin?
Khi thiếu biotin, cơ thể chúng ta sẽ có những triệu chứng như rụng tóc, tóc mỏng, móng giòn, khô mắt, vết nứt khóe miệng… Vậy nên khi thấy tóc rụng, tóc thưa, nhiều người đã thi nhau tìm đến các sản phẩm bổ sung biotin với hy vọng giúp tóc mọc chắc khỏe trở lại.
Vậy nhưng thực tế, theo báo cáo của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, tình trạng thiếu hụt biotin rất hiếm gặp ở những người trưởng thành khỏe mạnh, đang có một chế độ ăn uống cân bằng. "Nói chung, biotin có sẵn trong hầu hết các chế độ ăn kiêng, vì thịt, cá, trứng, hạt, quả hạch và rau, như khoai lang, rau bina - đều là những nguồn cung cấp biotin rất phổ biến", Dhaval Bhanusali, bác sĩ da liễu ở thành phố New York chia sẻ với trang Allure.
Bác sĩ Bhanusali cũng nói thêm rằng, người trưởng thành cần khoảng 30 đến 100 mcg biotin một ngày, và 1 quả trứng sẽ cung cấp cho bạn 10 mcg tương đương với khoảng 30% số lượng cần thiết.
Bổ sung biotin có giúp mọc tóc hay không?
Vì biotin rất dễ bổ sung thêm qua thực phẩm, vậy nên tình trạng rụng tóc không hoàn toàn là do thiếu hụt biotin gây ra. Khi bạn cung cấp quá nhiều biotin, vượt qua nhu cầu hàng ngày của cơ thể thì "biotin sẽ tan trong nước, và đào thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu" - bác sĩ Bhanusali chia sẻ.
Ngoài ra, cũng không có đủ nghiên cứu để chứng minh rằng biotin thực sự hỗ trợ mọc tóc. Trong một báo cáo về chủ đề "Biotin hỗ trợ sức khỏe của mái tóc" được công bố trên tạp chí Khoa học Nhi khoa năm 2007, chứng minh rằng biotin chỉ giúp ích cho một đứa trẻ mắc tình trạng rất hiếm gặp, có tên là: Hội chứng tóc bất trị.
Bác sĩ nổi tiếng Dennis Gross (chủ thương hiệu mỹ phẩm cùng tên) cũng chia sẻ với Allure: "Để một thành phần khẳng định tác dụng, bạn cần thực hiện thử nghiệm lâm sàng có kiểm soát, trong đó một nửa số người tham gia sẽ sử dụng biotin và một nửa số người còn lại thì không. Vậy nhưng chưa bao giờ có một nghiên cứu lâm sàng nào về biotin. Ngược lại, có rất nhiều dữ liệu mang tính truyền miệng, từ những người khẳng định biotin thực sự giúp tóc họ mọc chắc khỏe".
Tác dụng phụ khi sử dụng biotin
Trên các mạng xã hội, nhiều người phàn nàn rằng việc sử dụng sản phẩm chứa biotin khiến họ nổi mụn trứng cá. Thực tế chưa có nghiên cứu lâm sàng nào chứng minh việc dùng biotin có thể dẫn đến mụn trứng cá. Tuy nhiên, theo bác sĩ Shanthi Colaco (chủ phòng khám cùng tên) chia sẻ với trang Allure: "Về lý thuyết, dư thừa biotin có thể làm giảm sự hấp thụ các vitamin chống mụn trứng cá khác trong đường ruột, đặc biệt là vitamin B5". Bác sĩ Bhanusali cũng chia sẻ đã nhiều lần gặp phải tình trạng, bệnh nhân bị nổi mụn sau khi sử dụng biotin, việc thiếu hụt vitamin B5 sẽ tác động gián tiếp, phá vỡ hàng rào bảo vệ da, khiến da nhạy cảm hơn. Do đó, nếu bạn gặp tình trạng nổi mụn sau khi dùng biotin thì các bác sĩ khuyên bạn nên dừng sử dụng sản phẩm này.
Cách tránh rụng tóc mà không dùng biotin
Để phòng ngừa rụng tóc, các bác sĩ khuyên bạn nên tìm hiểu kỹ nguyên nhân, có phải rụng tóc do thiếu hụt biotin hay không? Một số bệnh lý khác như suy giáp, lupus, thiếu sắt, thiếu kẽm, thiếu vitamin D cũng có thể gây rụng tóc.
Bác sĩ Colaco khuyên bạn nên chú ý tới các thói quen sinh hoạt, có thể ảnh hưởng xấu đến mái tóc. Bạn nên hạn chế tạo kiểu, sử dụng nhiệt, uốn, nhuộm tóc; ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng; uống nhiều nước; hạn chế hút thuốc; tránh buộc tóc quá chặt…
Về phần thực phẩm bổ sung, bác sĩ Gross khuyên bạn nên sử dụng sản phẩm có chứa minoxidil, hay còn gọi là Rogaine, vì "đây là thành phần bôi ngoài da duy nhất được chứng minh là giúp mọc tóc".
Sản phẩm gợi ý:
Thuốc mọc tóc Men’s Rogaine Minoxidil 5% Foam
Women’s Rogaine 5% Minoxidil