Đừng biến tuần lễ thời trang thành chốn tạp kỹ, đã đến lúc những chiêu trò câu kéo sự chú ý cần biến mất rồi!

Thay vì đề cao chất xám và sức sáng tạo không ngừng nghỉ của các nhà mốt, tuần lễ thời trang ngày nay lại trở thành điểm hẹn của những chiêu trò với 1001 mục đích lẫn ý đồ khác nhau.

Gần 2 thập kỷ trước, những show diễn thời trang ở Việt Nam vẫn còn bị thu hẹp về quy mô cũng như kinh phí đầu tư, khi ấy khái niệm ''Tuần lễ thời trang'' mới chỉ nằm trên trang sách báo ngoại quốc - là cái gì đó xa vời mà giới mộ điệu chỉ có thể nhìn thấy mà chẳng thể chạm vào và cảm nhận.

Khoảng 10 năm sau, sự xuất hiện của Đẹp Fashion Show hay Vietnam Fashion Week nhanh chóng trở thành sân chơi ''ngàn năm có một'', là cơ hội để những đôi cánh tài năng được dịp cất cao lên không trung. Chính ở thời điểm đó, những thay đổi thần tốc của thời trang quốc tế nói chung, và thời trang Việt Nam nói riêng sau năm 2010 đã nhen nhóm cho một thương hiệu được dịp nở rộ: Vietnam International Fashion Week (Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam).

Đừng biến tuần lễ thời trang thành chốn tạp kỹ, đã đến lúc những chiêu trò câu kéo sự chú ý cần biến mất rồi! - Ảnh 1.

Được tổ chức với quy mô lớn, hội tụ những NTK và hằng hà sa số những gương mặt cộm cán trong showbiz, nhưng tiếc thay, Vietnam International Fashion Week (VIFW) đang dần thể hiện những bước đi sai lệch khi đưa nền thời trang nước nhà vào chế độ ''cài số lùi''.

Người mẫu bị ''thất sủng''?

Hình bóng người mẫu trên đường băng catwalk là hai thực thể tồn tại không thể tách rời. Người mẫu catwalk được sinh ra để đi trên những sàn runway, còn đường băng trình diễn được tạo nên để dàn mẫu thể hiện đúng chuyên môn của mình.

Nhưng ở nhiều sàn diễn ngày nay, và đặc biệt là Vietnam International Fashion Week, sàn runway trở thành nơi cho bẩt cứ nhân vật nào mà BTC/nhà thiết kế mong muốn họ trình diễn, dù cho nhân vật ấy có yếu kém về khả năng catwalk tới đâu.

Đơn cử, nổi cộm trong thời gian gần đây là hot TikToker Lê Bống cùng phần trình diện tệ hơn chữ ''TỆ''. Với vai trò của một hot girl trên nền tảng TikTok, nổi danh bởi những thị phi nhạy cảm cùng lối ứng xử không đúng mực trên mạng xã hội, Lê Bống nghiễm nhiên nhận được một vé trình diễn trên sân khấu của nhà thiết kế Ivan Trần - trong đêm cuối của Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam 2022.

Ngược về những năm trước đó, ca sĩ Noo Phước Thịnh, người sở hữu cộng đồng fan đông đảo và tầm ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, cũng được chọn làm gương mặt mở màn cho show diễn bộ sưu tập Mr Meuw của nhà thiết kế Chung Thanh phong tại đêm đầu tiên của VIFW 2017. Dù rằng kỹ năng trình diễn thời trang của Noo Phước Thịnh chỉ ở mức ''bập bẹ'', nhưng anh vẫn dễ dàng có suất diễn mà những người mẫu chính thống phải ''trầy da tróc vảy'' mới có được.

Trong làng thời trang những năm gần đây có một hiện tượng khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu: những người đẹp chỉ sau đêm đăng quang Hoa hậu bỗng trở thành first face và vedette ở khắp các sàn diễn, dù cho cô A còn chưa biết cách giữ thăng băng trên đôi giày cao 20cm, hay cô B bước đi nhưng đánh võng như người còn say tàu xe. Vẫn biết các nhà thiết kế và thương hiệu cần một điểm sáng để tạo nên sức hút về mặt truyền thông cho buổi diễn, nhưng hẳn, điều ấy cũng khiến những người mẫu đã và đang lăn xả vì nghề không khỏi chạnh lòng.

Và rồi những TikToker, những ca sĩ nổi tiếng, những Hoa - Á hậu chưa một lần học cách catwalk bài bản, đều dễ dàng có được cơ hội vàng ngọc ấy với mức cát xê gấp 3, thậm chí gấp 10 lần một người mẫu tốn nhiều năm tháng trui rèn tại các lò đào tạo người mẫu.

Đừng biến tuần lễ thời trang thành chốn tạp kỹ, đã đến lúc những chiêu trò câu kéo sự chú ý cần biến mất rồi! - Ảnh 4.

Show diễn của nhà thiết kế Công Trí tại VIFW 2019 có sự xuất hiện của dàn Hoa hậu công ty Sen Vàng cùng top 3 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2019. Trong khi Lương Thuỳ Linh và đặc biệt là Khánh Vân - đều là những chân dài được học hành khá bài bản về kỹ năng trình diễn thời trang...

... thì những người đẹp còn lại hoặc thể hiện sự lóng ngóng, hoặc vụng về từ cách xử lý tà váy cho tới cách bước chân sao cho thẳng hàng. Đơn cử như Đỗ Thị Hà - vốn là ''tấm chiếu mới'' trong ngành công nghiệp thời trang, đã phá hỏng đội hình vì khả năng cảm nhạc và bắt nhịp kém

Trang Phạm và Thuỳ Dương - hai người mẫu lâu năm đều gặp sự cố trên sàn diễn nhưng có cách xử lý tài tình. Đáng tiếc, dẫu xả thân vì nghề nghiệp nhưng cả hai đều không nhận được sự công nhận đúng mực

Tuổi thọ của nghề người mẫu ở Việt Nam tròm trèm 10 năm. Hao tâm tổn sức rèn luyện bản thân nhiều năm trời, để rồi phải ''diễn lót'' cho những người yếu kém kỹ năng hơn cả mình, có người mẫu yêu nghề nào mà không cảm thấy chán nản cho được?

Catwalk nhường chỗ cho lộn mèo, lườm nguýt, ''robot walk''

Catwalk không đơn giản là việc người mẫu mặc bộ đồ lên người, rồi đi lại thơ thẩn trên sàn diễn. Catwalk đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, các yếu tố mang tính kỹ thuật về chuyên môn để người mẫu làm nổi bật sáng tạo của nhà thiết kế.

Siêu mẫu Thanh Hằng - người được công chúng phong danh hiệu ''Đệ nhất vedette'', từng chia sẻ: ''Hằng sẽ trao đổi với nhà thiết kế về ý đồ trước khi trình diễn. Hằng muốn tôn vinh bộ đồ rồi mới tôn vinh bản thân mình''. Diễn viên/cựu người mẫu Đức Hải cũng cho rằng: ''Người mẫu phải biến mình thành những mannequin sống để làm nổi bật các thiết kế''. Những gương mặt ''cây đa cây đề'' của làng mốt hiểu được sứ mệnh cao nhất của một người mẫu, cũng như biết rằng mọi hành động đánh lạc hướng sự tập trung của người xem vào bộ đồ, đều là những hành vi cấm kỵ.

Không thể khiến bộ trang phục toả sáng là thất bại của người mẫu

Mỉa mai thay, khi mà thế hệ tiền bối miệt mài giữ vững những quy chuẩn của catwalk, thì có không ít người đứng trong hàng ngũ hậu bối, lại dần biến sàn diễn trở thành nơi trưng trổ hình thể hoặc hiện thực hoá một chiêu trò nào đó để gây sự chú ý.

Trở lại với câu chuyện rình rang của Lê Bống. Vốn đã sở hữu cơ thể lệch chuẩn không tôn vinh trang phục, Lê Bống còn thực động tác catwalk lạ đời, mô phỏng cách di chuyển của robot khiến cho sự tập trung của người xem dồn vào cơ thể của cô thay vì thiết kế trong bộ sưu tập. Tình huống tương tự cũng xảy ra vào năm 2019, Minh Hằng thực hiện động tác nhào lộn không phù hợp khi thực hiện catwalk. Hậu quả ra sao, có lẽ ai cũng biết.

Một trong những di sản để đời của Minh Hằng là pha nhào lộn này

Vietnam International Fashion Week cũng đã trở thành nơi để tìm lại hào quang của cái tên Vũ Thu Phương. Nữ siêu mẫu từng ''oanh tạc'' các sàn diễn thời trang cuối thập niên 2000, sau đó lặn mất tăm rồi đột ngột trở lại trong những năm gần đây. Cùng với lối catwalk ''mổ cò tay bay'', cô tự tin cho rằng đây mới là phong cách biến hoá khôn lường của một người mẫu thực thụ.

Xin thưa! Phong cách này đã quá lỗi thời từ 10 năm trở về trước. Có lẽ sau hơn 1 thập kỷ "ngủ đông'', rời xa sàn diễn, Vũ Thu Phương đã quên gần hết những quy tắc căn bản của catwalk như giữ thẳng đầu, vai đổ nhẹ về phía sau, bước chân thật vững chắc... Những gì mà siêu mẫu một thời gọi là ''mổ cò tay bay'' giờ đây chỉ là những chuyển động có phần lạ lùng, khiến khán giả chỉ biết nhìn cô mà lắc đầu ngao ngán, thay vì dành thời gian chiêm ngưỡng bộ quần áo.

Quy chuẩn quốc tế thì sao?

Hãy cũng đối chiếu những gì đang xảy ra ở Tuần lễ Thời trang QUỐC TẾ Việt Nam với tình hình chung của nền thời trang quốc tế. Xu hướng chung của các nhà mốt cao cấp hiện tại là tối giản hầu hết những chi tiết không cần thiết trên sàn diễn, nghiêm cấm người mẫu được thể hiện những động tác thừa thãi, dẫn tới việc người xem mất tập trung.

Cũng vì lẽ này, người mẫu cao cấp sẽ đi theo trường phái ''cawalk tĩnh - nghĩa là tuân thủ các kỹ thuật catwalk cơ bản nhất và đề cao việc làm sao để thiết kế trở nên sinh động, sáng rõ và khơi gợi ham muốn ''chốt đơn'' của người xem. Ở Việt Nam, siêu mẫu Thanh Hằng đang làm rất tốt việc này.

Những bước catwalk mà dân tình coi là ''vô hồn'', ''nhạt nhẽo'' thực chất là cách CHUYÊN NGHIỆP nhất để người mẫu hướng sự tập trung vào áo quần

Họ có thể ''tạo nét'' để gây sự chú ý không? Có chứ! Nhưng người chuyên nghiệp chẳng ai làm vậy

Nói một chút về Tuần lễ Thời trang Việt Nam trước khi có sự xuất hiện của VIFW. Tuần lễ Thời trang Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên vào đầu thập niên 2000, hội tụ nhiều tên tuổi như nhà thiết kế Minh Hạnh, Vũ Thu Giang, Trọng Nguyên, Quốc Bình, Công Khanh... với mục tiêu học hỏi, sẵn sàng thể hiện bản lĩnh thế hệ thiết kế trẻ. Chính vì mang mục tiêu rõ ràng, cách thức thực hiện đề cao tính sáng tạo, mà Tuần lễ Thời Trang Việt Nam (Vietnam Fashion Week) được coi là kim chỉ nam cho sự phát triển của ngành thời trang Việt.

Tuần lễ Thời trang Việt Nam 2006

Ai là người có lỗi? Ai gây nên sự biến tướng này?

Có lẽ, lỗi lầm đến từ nhiều phía.

Nếu một bộ phận đông những người yêu mến Hoa hậu, những người tiếp nhận thời trang, không đánh đồng quy tắc trình diễn tại các cuộc thi nhan sắc với chuẩn mực trình diễn thời trang của người mẫu, thì có lẽ những người mẫu chính thống đã chẳng bị ghẻ lạnh vì lý do: ''Catwalk gì mà nhạt nhẽo! Sao không lườm nguýt, đánh hông, hất tà váy lên?''.

Nếu các nhà thiết kế, ban tổ chức các sân chơi thời trang thúc đẩy sự phát triển của làng mốt Việt bằng cách định hướng cho khán giả cách để thưởng thức, trân trọng, có cái nhìn khách quan và chuẩn xác về khái niệm ''thời trang'', thì những màn trình diễn lố lăng và phản cảm đã không có đất diễn.

Sau cùng thì, thứ cần đọng lại và lưu giữ trong ký ức của người xem vẫn nên là thời trang, chứ không phải những thú vui tiêu khiển của một chương trình tạp kỹ.

Đừng biến tuần lễ thời trang thành chốn tạp kỹ, đã đến lúc những chiêu trò câu kéo sự chú ý cần biến mất rồi! - Ảnh 13.

Ảnh + clip: Tổng hợp

https://ahadep.com/dung-bien-tuan-le-thoi-trang-thanh-chon-tap-ky-da-den-luc-nhung-chieu-tro-cau-keo-su-chu-y-can-bien-mat-roi-20220602100207701.chn