Nguyễn Xuân Uyển Nhi sinh năm 1983, được mệnh danh là "Hoa khôi trẻ nhất Việt Nam" thập niên 2000 sau khi đăng quang cuộc thi Người đẹp Mùa xuân do Nhà văn hóa Lao động TP HCM tổ chức năm 1997, khi mới 14 tuổi. Nhờ chiều cao hơn 1,7 m cùng khuôn mặt khả ái, cô trở thành người mẫu đắt show, xuất hiện dày đặc trên bìa tạp chí, các chương trình thời trang, ca nhạc... Nhờ vậy, Uyển Nhi còn được khán giả yêu mến đặt danh xưng "Nữ hoàng ảnh bìa".
Khi sự nghiệp đang nở rộ, năm 19 tuổi, Uyển Nhi quyết định sang Đan Mạch định cư và kết hôn không lâu sau đó. Cô vất vả bắt đầu cuộc sống mới vì không có bằng cấp, trình độ; mất nhiều năm học ngoại ngữ, vừa mang bầu, sinh con, vừa lên giảng đường...
Mới đây, Uyển Nhi trò chuyện với Ngôi sao và chia sẻ về cuộc sống hiện tại ở Đan Mạch. Cô cho biết đã có công việc ổn định sau 10 năm nỗ lực học tập nơi xứ người.
Nhan sắc 'Nữ hoàng ảnh bìa' Uyển Nhi lúc 17 tuổi.
- Tại Đan Mạch, chị mưu sinh bằng nghề gì?
- Tôi làm cho Lloyd's - tập đoàn bảo hiểm quốc tế lớn và lâu đời của nước Anh. Trước đây, trụ sở nơi tôi làm việc chỉ là văn phòng đại diện tại Bắc Âu. Khi nước Anh rút khỏi EU (Liên minh châu Âu) năm 2020, chi nhánh Đan Mạch trở thành cơ quan đại diện toàn châu Âu. Là accounts management (kế toán quản trị), tôi đảm nhận các nhiệm vụ về quản lý tài chính cho tập đoàn. Công việc thống kê tài chính đòi hỏi rất cao về sự chính xác, áp lực thời gian nhất là vào kỳ tổng kết. Làm việc trong tập đoàn lớn, tôi có tâm lý tự ti, thấy mình nhỏ bé khi xung quanh toàn người giỏi. Trước đây, tôi vốn ham học hỏi nhưng bây giờ còn nỗ lực hơn nữa để trau dồi, nâng cấp bản thân trước khi bị đào thải. Dù áp lực, tôi cho đó là một phần của cuộc sống nên chỉ cố gắng mà không than vãn.
- Chị từng sống trong môi trường showbiz nhiều màu sắc, vậy làm sao để thích nghi công việc toàn con số?
- Mọi người hay hỏi tôi làm việc liên quan con số, tiền bạc quá nhiều có thấy nhàm chán không? Nói thật, mảng này hơi khô khan nhưng không thiếu điều mới mẻ. Ở tập đoàn, tôi được tìm hiểu và tiếp xúc nhiều công việc bên cạnh kế toán, như: phân tích nguy cơ tài chính, đầu tư, chứng khoán... Tôi thấy thú vị khi hiểu được ngọn ngành một vụ khủng hoảng diễn ra ở châu Âu hay trên toàn thế giới; cách vận hành của thị trường; sự phát triển của xã hội. Công việc này cho tôi nguồn thu nhập ổn định, đặc biệt là tiền thưởng rất tốt. Tôi sống thoải mái ở Thủ đô Copenhagen mà không phải lo làm thêm hay cắt giảm chi tiêu cả trong mùa dịch. Ngoài công việc, tôi tìm niềm vui ở văn chương, âm nhạc. Sở thích viết lách giúp tôi cân bằng cảm xúc sau những ngày làm việc căng não.
Uyển Nhi có cơ hội làm việc trong các công ty, tổ chức lớn.
- Hành trình thi tuyển vào tập đoàn lớn của chị thế nào?
- Thời điểm vào Lloyd's, tôi có kinh nghiệm làm việc ở nhiều công ty bao gồm cả Nhà nước lẫn tư nhân. Gặp hạn chế vì là người nước ngoài, tôi còn thêm khó khăn là nhiều giai đoạn ngắt quãng do bận học và chăm con nhỏ. Trong 22 năm ở Đan Mạch, tôi đã nộp hàng trăm hồ sơ và thử sức các công việc: thông dịch viên, làm cho quán cà phê, nhân viên hãng thời trang... Có giai đoạn tôi làm thời vụ - thay thế tạm thời các nhân sự hưởng chế độ thai sản, đi công tác dài ngày, nghỉ phép... Sự nghiệp của tôi mới ổn định và dần phát triển thời gian gần đây, sau khi lấy bằng Thạc sĩ Kinh tế, Tâm lý học và khoa học thần kinh của trường Business Copenhagen, năm 2014. Gần nhất, tôi làm cho một một hãng vận tải đường sắt trước khi nghỉ việc vào tháng 6/2023 để chuyển sang Lloyd's.
- Từ hoa khôi triển vọng của showbiz, sang Đan Mạch mà 'một chữ Đan Mạch không biết', không bằng cấp trong tay, chị làm gì để hòa nhập và có vị trí hiện tại?
- Đến Đan Mạch khi 19 tuổi, tôi lúc đó không có gì ngoài số 0 tròn trĩnh. Tôi phải bắt đầu bằng việc học tiếng, học bổ túc chương trình phổ thông rồi mới từng bước tiến xa hơn. Hành trình ấy diễn ra trong vòng hơn 10 năm với rất nhiều khó khăn. Thật may, tôi là người kiên trì và có sức mạnh ý chí. Lúc ở Việt Nam, dù hoạt động showbiz, tôi vẫn được gia đình định hướng thi đại học ngành luật hoặc kinh tế. Hoàn cảnh thay đổi khiến tôi đi nước ngoài định cư, việc học hành và những ước mơ bị bỏ dở.
Tại đất nước mới, tôi giao tiếp bằng vốn tiếng Anh cơ bản nhưng để hòa nhập thực sự, cần biết ngôn ngữ bản xứ. Vậy là tôi dành hai năm học tiếng Đan Mạch. Nhiều người sang nước ngoài chọn buôn bán hoặc những công việc mất ít thời gian thích nghi, riêng tôi kiên quyết theo con được học vấn. Tôi biết chặng đường ấy sẽ dài và thử thách, nhất là với một người mẹ, nhưng không thay đổi quyết định. Tôi đã bắt đầu hành trình này bằng việc học bổ túc chương trình phổ thông để đủ điều kiện thi đại học. Tiếp đó, tôi chọn ngành kế toán vì so với nhiều ngành, công việc này ít bị rào cản bởi văn hóa, ngôn ngữ.
Uyển Nhi giữ sắc vóc tươi trẻ ở tuổi 40.
- Chị nhớ gì về những ngày vừa mang bầu, chăm con, vừa đi học?
- Tôi vào đại học hồi tháng 9/2007, sau đó mang bầu và sinh con gái đầu lòng Mira năm 2008. Ở trường, tôi là bà bầu hiếm hoi đi học, lại thuộc về giới showbiz thì số này càng không nhiều. Trước tôi, từng có cô siêu mẫu Đan Mạch lấy bằng thạc sĩ khi bụng bầu, nuôi con nhỏ và sau này trở thành giám đốc tài chính một tập đoàn lớn. Tôi lấy đó làm nguồn cảm hứng và tận dụng tên tuổi cô ấy để giành thêm nhiều quyền lợi cho các sinh viên ở hoàn cảnh đặc biệt.
Ví dụ, tôi đề xuất xin thêm giờ thi vì bà bầu dễ mệt mỏi, cứ 30 phút lại ra ngoài đi vệ sinh. Bạn bè thực hiện bài luận, đề án trong khoảng 1-2 tháng, tôi sẽ được nộp chậm chừng 15 ngày. Những chính sách này chưa từng có tiền lệ, nhưng thầy cô sẵn sàng hỗ trợ khi tôi trình bày lý do chính đáng. Họ hiểu nỗi vất vả của một người nước ngoài, người vợ, người mẹ khi đi học và nhìn thấy khát khao chinh phục tấm bằng cử nhân, sau đó là thạc sĩ trong tôi. Bên cạnh sự giúp đỡ của mọi người, tôi biết ơn bản thân vì đã không từ bỏ. Tính tôi kiên trì, yêu thích học hành nên dù hoàn cảnh nào vẫn quyết tâm theo đuổi mục tiêu. May mắn, tôi mang bầu hai lần đều không ốm nghén, thậm chí khỏe mạnh nên đảm bảo được bài vở và thi cử. Có khi mệt, buồn ngủ, tôi chợp mắt một lát rồi thức dậy lại tranh thủ làm việc nhà và học bài.
Uyển Nhi bên hai con Mira và Bern.
- Chị còn ước mơ gì cho con đường học vấn ở tuổi 40?
- Điều mong mỏi này tôi từng kể với người bạn của mình là ca sĩ Đan Trường, rằng trước năm 50 tuổi, có thêm một tấm bằng. Khi con cái khôn lớn, sống cuộc đời riêng chúng, tôi sẽ cố gắng một bậc nữa trong cái sự học dài rộng. Nếu may mắn thì được sang Mỹ nghiên cứu và lấy bằng tiến sĩ, còn không, tôi vẫn tự học mỗi ngày để không bị đào thải hay tụt lại phía sau.