Có một thời điểm cỡ 2014 - 2017, đoạn phố cafe Âu Lạc, Pane E Vino ở khu Nguyễn Khắc Cần, Tràng Tiền, Hà Nội đầy rẫy bóng dáng các "dân chơi" ăn bận quần áo đen kịt từ đầu tới chân; thiết kế không có hood trùm đầu thì cũng phải dài lượt thượt nhiều tầng lớp; giày boots phải là Rick Owens hoặc Julius kín cổng cao tường; phụ kiện Chrome Hearts… Đó là những ấn tượng đầu tiên của cá nhân tôi về một giai đoạn thời trang "dân chơi" Việt Nam chìm đắm trong những từ khóa như "darkwear" hoặc "avant-garde"... Đi cùng với đó là sự nổi lên của The Dark Gallery (TDG) - "một cửa hàng thời trang đen kịt" ở phố Hàng Bài toàn bán những món đồ thiết kế màu đen xa xỉ đúng chuẩn xu hướng ngày ấy.
Ra đời vào năm 2014 tại Hà Nội, The Dark Gallery là một công ty phân phối và là nhà bán lẻ thời trang cao cấp đa thương hiệu, tập trung vào các thiết kế thời trang avant-garde và street style dành cho nam/nữ. Trải qua 3 lần thay đổi địa điểm đặt cửa hàng chính thức, cho đến nay, The Dark Gallery vẫn được coi là một kẻ tiên phong lì lợm trong việc thực hiện & duy trì bền bỉ mô hình bán lẻ đa thương hiệu theo chủ đề (multi-brand concept store) tại thị trường thời trang xa xỉ của Việt Nam. Người đứng đằng sau The Dark Gallery trong suốt một thập kỷ qua là Huy Nguyễn (SN 1992).
Huy Nguyễn - người thành lập & sở hữu TDG - dù không xuất hiện nhiều trước công chúng và trên truyền thông, cũng khiến thị trường phải xôn xao đồn đoán bởi những chuyến tham dự Tuần Lễ Thời Trang lớn thường xuyên từ tận những năm 2015, 2016; trước cả lớp fashionista trẻ của Việt Nam hiện thời.
Huy Nguyễn - người thành lập & sở hữu The Dark Gallery
Nhưng khác với những xu hướng có sự thoái trào rồi lịm tắt, The Dark Gallery vẫn tiếp tục tồn tại và gần như không bị tác động bởi các yếu tố ngoại cảnh trong bối cảnh thị trường thời trang xa xỉ đầy biến động của Việt Nam những năm qua. Mô hình bán lẻ đa thương hiệu theo chủ đề (multi-brand concept store) dù không phải điều gì mới mẻ trên thế giới nhưng vẫn còn là một ý tưởng tương đối viển vông và không dành cho thị trường phổ thông ở Việt Nam.
Trong những năm qua, giới mộ điệu đã từng chứng kiến những thương hiệu multi-brand concept store tầm trung cao tới ngưỡng xa xỉ ra đời tại Việt Nam nhưng không trụ được hoặc phải chuyển đổi hướng đi chỉ sau khoảng 2 - 3 mùa không có khách. Điều này không chỉ xuất phát từ sức mua xa xỉ phẩm trung bình mà còn đến từ thói quen & hành vi tiêu dùng, tâm lý thích săn sale, mua hàng xách tay của khách hàng phổ thông.
Tựu lại, thị trường thời trang Việt Nam dù đang phát triển nhộn nhịp nhưng chưa thực sự sẵn sàng đón nhận những ý tưởng, mô hình bán lẻ đặc thù. Một thập kỷ tồn tại tuy chưa thể nói là dài nhưng khi xét cùng bối cảnh đã nêu trên, The Dark Gallery là một trường hợp đáng nể: Dám lựa chọn hướng đi không giống ai và trung thành với lựa chọn đó cho tới cùng. Hơn cả thời trang, The Dark Gallery hay đúng hơn là Huy Nguyễn đã giải được bài toán sinh tồn cho một ý tưởng bán lẻ đặc thù bằng sự kiên định, đam mê, chút máu liều và mục đích được cống hiến mang văn hóa thời trang avant-garde tới gần hơn với đại chúng ở Việt Nam.
The Dark Gallery đã có mặt tương đối lâu trên thị trường, có chỗ đứng và tiếng tăm nhất định trong cộng đồng người yêu thời trang tại Việt Nam. Thế nhưng, có vẻ tới những năm gần đây The Dark Gallery và Huy mới "chịu" xuất hiện nhiều hơn trên truyền thông?
- Ngày trước, báo chí, truyền hình cũng có mời Huy nhiều nhưng bản thân Huy cũng hơi ngại xuất hiện. Thời gian trước, The Dark Gallery cũng khác so với bây giờ: Huy tập trung mang các thương hiệu thiên hướng avant-garde, có tính nghệ nhân (artisanal) cao. Không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới, các thương hiệu kiểu vậy cũng khá kín tiếng, trầm trầm.
Bản thân The Dark Gallery (TDG) khi ấy cũng ở một vị trí tương đối khiêm tốn, hơi ẩn mình một chút - TDG trước kia nằm trên phố Triệu Việt Vương, một con phố nhỏ và không quá đông đúc. Sau một thời gian duy trì hoạt động, Huy muốn thay đổi định hướng phát triển - mở rộng, phổ cập TDG hơn tới thị trường Việt Nam. Huy không muốn mọi người nghĩ về tính avant-garde hay artisanal là chỉ có nghĩ tới màu đen.
Trong thị trường tồn tại một nhận định: Cứ nghĩ về The Dark Gallery là nghĩ tới Darkwear?
- Mọi người hồi xưa hay bị nhầm tưởng về darkwear và avant-garde. Darkwear chỉ là một phong cách ăn mặc chỉ những người mặc đồ đen hoặc đồ tối màu nói chung mà không phải một văn hóa trong thời trang. Bạn không nhất thiết phải mặc Rick Owens, Yohji Yamamoto thì mới coi là darkwear. Bạn mặc một set đồ cả cây đen từ đầu đến chân cũng có thể gọi là darkwear mà. Trong khi đó, avant-garde là một nền văn hóa thời trang giàu có. Hãy nhớ về những NTK thời trang huyền thoại như Alexander McQueen; Martin Margiela; Alber Elbaz;... họ đều là những NTK đại diện tiêu biểu cho văn hóa avant-garde. Avant-garde không phải một xu hướng nhất thời, mà là một phần luôn hiện hữu của thời trang. Đối với một người làm thời trang, Huy rất không thích từ "xu hướng" (trend).
Ngày trước, TDG hay có nhiều đồ đen nên mọi người hay bị nhầm giữa hai khái niệm darkwear và avant-garde. Nhưng TDG không được sinh ra để quảng bá phong cách ăn mặc darkwear. Mà Huy làm TDG vì mục đích truyền bá văn hóa avant-garde: thông qua các thiết kế đậm tính kiến trúc; những chất liệu đột phá; những đường cắt độc đáo và nhiều câu chuyện hay ho khác nữa.
Mình tin The Dark Gallery khi đã tồn tại lâu trong thị trường, chắc chắn trong tâm trí khách hàng sẽ có sự thay đổi về quan điểm và được nhìn nhận bằng nhiều cách khác nhau. Nhưng với tư cách là người chủ - người khai sinh và dung dưỡng, Huy sẽ muốn nói gì về TDG?
- Huy bắt đầu làm TDG khi mới du học từ Úc về. Hồi đó, Huy chỉ nghĩ đây là một công việc mình sẽ làm vì mình là một người làm thời trang lâu năm ở bên Úc. Từ ngày Huy biết đi làm đến giờ thì thời trang là nghề duy nhất Huy từng làm và cũng là nghề Huy học luôn. Việc mở TDG trước tiên là để phục vụ sở thích cá nhân - đam mê cá nhân của mình. Đam mê lớn hơn cả sở thích. Mình có thể nói rằng thời trang và đặc biệt là thời trang avant-garde là một niềm đam mê của mình.
Vì sao lại là Gallery (The Dark Gallery)? Bản chất mình là một người yêu nghệ thuật. Huy thích đi xem tranh, xem các triển lãm nghệ thuật. Nhưng cùng lúc đó, Huy cũng là một người đam mê thời trang và quần áo nói chung. Huy đam mê thời trang avant-garde vì đó mới thực sự là một trường phái khiến quần áo trở thành những tạo tác đặc biệt, mang tính tương lai, thể hiện được sức sáng tạo của các nhà thiết kế. Thế nên, Huy nghĩ là thôi được rồi, mình sẽ đặt tên cửa hàng của mình một cái tên gộp được cả 2 sở thích của mình lại. The Dark Gallery - một phòng trưng bày nghệ thuật những sáng tạo thời trang avant-garde. Khi đến đây, bạn không tìm thấy những bức tranh mà bạn sẽ được bán cho những thiết kế quần áo mà chúng tôi coi như những tác phẩm nghệ thuật đích thực.
Như vậy, việc mở TDG đối với Huy cũng khá là tay ngang. Ở vào thời điểm TDG ra đời, thị trường Việt Nam đã có những mô hình bán lẻ multi-brand như Runway, Bonmua hay sau này có thêm ITA Boutique. Tuy nhiên những ví dụ nếu trên chỉ đơn thuần là các thương hiệu bán lẻ, không mang đậm tính "concept" như TDG. Và cho đến nay, TDG vẫn là một multi-brand concept store tiên phong & tồn tại được lâu nhất ở Việt Nam. Những người tiên phong thì thường cô độc & cần rất nhiều động lực, quyết tâm để có thể tồn tại chí ít là qua được 1 thập kỷ như cách mà Huy và TDG đang làm. Huy lấy đâu ra nguồn động lực ấy?
- Như bạn đã biết, thị trường thời trang ở Việt Nam, đặc biệt là phân khúc xa xỉ rất khó để làm, mà Huy đã bắt đầu TDG từ năm 2013. Ở thời điểm 10 năm về trước, avant-garde không phải là khái niệm quen thuộc với thị trường chung. Nhắc tới thời trang xa xỉ, mọi người nghĩ tới Dior, Louis Vuitton, Chanel… hay là những thiết kế logo kín người, hào nhoáng. 10 năm trước, Louis Vuitton cũng chưa có cửa hàng tại Việt Nam to như hiện nay. Huy về nước, có động lực lớn nhất là cái lửa của tuổi trẻ. Ngày đấy còn trẻ mà, khí thế hừng hực. Thêm vào đó, avant-garde vốn là niềm đam mê của Huy từ những ngày học tập & làm việc tại Melbourne (Úc). Và thế là Huy nghĩ tại sao không đem thứ văn hóa mà mình đam mê và theo đuổi bấy lâu về Việt Nam.
Nói thật là ngày mới mở khó khăn lắm. Có cái hay là TDG dù thu hút được nhiều người nhưng bán thì không bán được vì chẳng ai hiểu là mình đang làm cái gì. TDG đầu tiên Huy mở ở Hàng Bài, mặt tiền đen xì, nhìn từ ngoài đường vào thì không ai biết cũng chẳng ai hiểu là mình đang bán cái gì. Chắc lúc đấy cả Việt Nam chỉ có mỗi TDG của Huy là có cái kiểu đấy. Lúc đó, Huy chưa bắt đầu với những thương hiệu lớn như hiện tại mà chỉ có những thương hiệu từ Hàn Quốc, Hong Kong - những thương hiệu của bạn bè Huy. Những thương hiệu đó giá rẻ hơn, thiết kế cũng dễ để thị trường tiếp cận hơn nhưng lại không có tiếng tăm.
Hai năm đầu làm TDG khó khăn, chật vật. TDG "hot" lên rất nhanh, tên tuổi trong thị trường là có nhưng về mặt thương mại thì bán rất kém. Đó là Huy nói thật. Hai năm đầu Huy chỉ cố gắng tồn tại thôi. Huy của ngày đó rất chăm chỉ viết bài chia sẻ kiến thức về avant-garde trên facebook cá nhân rồi còn đăng lên các hội nhóm thời trang khi đấy.
Bước ngoặt đến vào năm thứ 3 của TDG. Huy ngồi xuống tâm sự với mẹ về việc đi Paris Fashion Week (PFW), đem những thương hiệu đặc thù của văn hóa avant-garde về Việt Nam. Huy tin rằng chỉ những thương hiệu như vậy mới có đủ tiếng nói, tầm ảnh hưởng để tiêm được vào đầu khách hàng ở Việt Nam về văn hóa avant-garde thực thụ. Mùa hè năm 2015 Huy bắt đầu đi PFW và mang về những thương hiệu đặt nền móng cho sự phát triển của TDG ngày nay: Rick Owens, lostN'Found, Song for the Mute, Julius… Cùng thời điểm đó, Huy chuyển sang địa điểm làm cửa hàng thứ 2 là ở Triệu Việt Vương. TDG này ẩn mình hơn nhưng lại được nhiều người biết tới hơn. Huy nghĩ đó có lẽ là một phép cộng dồn cho những nỗ lực Huy đã bỏ ra xây dựng TDG những năm đầu và tiếng vang của những thương hiệu lớn mà Huy bắt đầu mang về Việt Nam vào năm thứ 3 ấy.
Huy Nguyễn tại Paris Fashion Week
Thực sự, đó là cả một quá trình, cộng dồn của nhiều nỗ lực và các quyết định ở vào những thời điểm quan trọng. Nhiều lúc Huy rất rất nản. Bạn bè còn bảo việc làm TDG là... "bị điên", đi làm cái điều không tưởng. Không một ai nghĩ mình sẽ làm được một concept store đặc thù như thế này ở Việt Nam và trụ được tới bây giờ. Nhìn lại thì thấy gian nan nhưng lúc làm thì không cảm thấy vậy đâu, chỉ thấy vui, thích, "enjoy" cái việc viết bài, "enjoy" cái việc chia sẻ đến mọi người.
Mình rất tò mò: Vì những năm 2015, 2016, thị trường thời trang xa xỉ tại Việt Nam dù đã có sự nhộn nhịp nhất định nhưng đối với các thương hiệu như Rick Owens, Song for The Mute… thì có lẽ chỉ có thể coi là một con số 0 tròn trĩnh. Huy đã làm thế nào để thuyết phục các thương hiệu này để Huy làm stockist cho họ, để họ tin rằng Việt Nam là một thị trường tiềm năng?
- Điểm lợi thế đầu tiên cũng chính là cái bạn vừa nói. Thị trường Việt Nam khi ấy là một con số 0 tròn trĩnh trong mắt các thương hiệu mà Huy tiếp cận. Và vì thế Huy có lợi thế của người đầu tiên & duy nhất đến từ Việt Nam dám liên hệ với các thương hiệu như vậy rồi đặt vấn đề với họ. Khi nhìn về Việt Nam của những năm ấy, các thương hiệu avant-garde chưa từng có dự định hay suy nghĩ gì về việc sẽ về thị trường này.
Điểm lợi thế thứ hai của Huy đó chính là kinh nghiệm học tập & làm việc của Huy từ trước đó, được tích góp qua nhiều năm. Huy cần khẳng định cho những người đứng đầu của thương hiệu hiểu rằng: bản thân Huy là người có tư duy, hiểu biết, đam mê chứ không chỉ là một tay ngang chỉ ngỏ lời suông.
Điểm thứ ba, Huy nghĩ là quan trọng nhất: Sự chân thành. Nghe thì đơn giản nhưng Huy thấy sự chân thành thì bất kể thương hiệu nào cùng cần ở đối tác của họ. Thực sự, những thương hiệu Huy tiếp cận và mang về TDG đều là những thương hiệu mà Huy thích, Huy yêu. Khi mình yêu thích chân thành điều gì đấy thì mình mới có thể truyền tải, lan tỏa tình yêu đấy tới những người khác.
Ngày trước, bác Luca Ruggeri - Giám đốc điều hành tập đoàn Owens Corp, từng đích thân về Việt Nam thăm TDG. Buồn cười, ngày đấy TDG bé tí, Huy sợ bác ấy nhìn thấy cửa hàng mình bé tí thế lại nản. Nhưng không ngờ là sau đấy, nhìn thấy cửa hàng TDG, biết thị trường Việt Nam thì bác ấy quý mình hơn. Bác thấy nể vì mình dám mang những thương hiệu như vậy về đây, và rất trân trọng những nỗ lực của mình.
Trong cuộc nói chuyện này, có lúc Huy nhắc đến từ "đặt cược". Mình nghĩ là những người nghĩ lớn và làm lớn được thì đến một thời điểm nhất định sẽ phải đặt cược thôi. Phải đánh liều chứ! Có cú liều nào mà Huy nhớ nhất trong quá trình xây dựng TDG không?
- Sau khi mang về những thương hiệu như Rick Owens, Julius hay Song for The Mute, Huy bắt đầu mang thêm những thương hiệu khác về, nương theo mức độ "hot" trong thị trường thời trang nói chung. Có một thời điểm Off-White ở đỉnh cao, phổ biến kinh khủng. Lúc đó, Huy đã làm việc với tập đoàn New Guards Group (Marcelo Burlon đứng đầu) chủ quản của Off-White, Palm Angels và Unravel Project. Huy còn lấy thêm Raf Simons, Y-3 (Yohji Yamamoto x adidas), Haider Ackermann về.
Những quyết định đó phần nhiều dựa vào sở thích và cảm quan cá nhân: Huy cứ nghĩ các thương hiệu đó nổi tiếng thế, hot thế thì khi đưa về Việt Nam cũng sẽ bán được. Trước đấy, Rick Owens đã rất thành công về với TDG tại Việt Nam mà. Tư duy này thì cũng vẫn còn an toàn nhiều hơn là đánh cược. Nhưng đặt trong bối cảnh thị trường Việt Nam chưa từng có sự xuất hiện của các thương hiệu này thì Huy cho rằng đó cũng là một sự đánh cược, liều ăn nhiều rồi. Cuối cùng Y-3 thua, Haider Ackermann thua, Unravel Project thua. Unravel Project còn được nhiều sao nữ Hàn Quốc, Trung Quốc mặc. Tưởng là ổn đấy xong thế mà lại thua.
Mình nghĩ thị trường tại Việt Nam sẽ hơi… khó lường. Khách hàng biết về thương hiệu thì có thể là biết rất nhiều nhưng đến thời điểm đưa ra quyết định mua hàng thì họ sẽ có thể chọn những cách mua có lợi cho họ nhất (VD: giảm giá; outlet; thậm chí là hàng VNXK;…)
- Chuẩn. Đấy chính là một trong số những bài học mà Huy rút ra trong quá trình làm TDG. Đầu tiên là giá. Có những thương hiệu đồ rất đẹp nhưng giá lại quá đắt chưa phù hợp với mức tiêu dùng của thị trường Việt Nam. VD: Unravel Project, Haider Ackermann…
Thứ hai đó là về fitting. Vóc người châu Á mình rất khác so với vóc người Tây phương. Một số thương hiệu đẹp về phom dáng, đường cắt nhưng lại chỉ phù hợp với vóc người Âu Mỹ. Đây là một bài học xương máu cho Huy lúc đi "buying" chọn thương hiệu, thiết kế về cho TDG. Kinh nghiệm đi buying tăng qua từng năm: Giờ mình phải chọn những thương hiệu nào có fitting - màu sắc phù hợp với vóc người châu Á.
Các thiết kế nằm trong BST ready-to-wear Spring 2017 của Haider Ackermann
Thứ ba là về chất liệu, đặc thù thiết kế. Tức là như thế này: Có những thương hiệu chọn những chất liệu dày. Việt Nam mình thì cũng không thể mặc đồ có chất liệu dày quanh năm được. Có những thương hiệu thiết kế lại lòe xòe, diêm dúa quá. Unravel Project làm đồ rất đẹp, rất tôn dáng nhưng chỉ hướng tới các ngôi sao châu Mỹ, Hàn Quốc thể hình đẹp, nét căng. Mang Unravel Project về TDG, Huy còn thấy các chị vào cửa hàng cầm đồ lên rất thích nhưng bảo mặc thì lại không mặc vì dễ để lộ các khuyết điểm cơ thể. Y-3 thì lại là một bài toán khác: giá thành quá cao so với đồ thể thao. Khi ấy khách hàng có lối suy nghĩ nếu đã muốn mua đồ thể thao thì mặc luôn Nike hay adidas cho rồi. Haider Ackermann thiên về lụa, cashmere, đường cắt, phom dáng lại "dressy" nên thành ra cũng không thực sự phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của thị trường Việt Nam.
Những lần thử nghiệm đánh cược như vậy, hẳn đã góp phần điều hướng lại cách thức Huy vận hành TDG trong 10 năm qua.
- Từ lúc chuyển cửa hàng qua phố Triệu Việt Vương, Huy cũng cởi mở hơn trong cách mình tìm kiếm & tiếp cận các thương hiệu để mang về TDG: tính avant-garde, contemporary (đương đại) vẫn được giữ nguyên nhưng nên đi cùng cả tính ứng dụng và sự đa dạng về phong cách hoặc nền tảng văn hóa. TDG bắt đầu có thêm những thương hiệu hoặc những NTK quen thuộc với đại chúng hơn như Jonathan Anderson (Giám đốc sáng tạo của LOEWE và thương hiệu J.W. Anderson); Dries Van Noten (một NTK avant-garde theo hướng chơi màu, chơi volume, điêu khắc quần áo độc đáo); Song for the Mute (một thương hiệu contemporary avant-garde rất thơ rất nghệ, không chỉ toàn đen nhé)... Rồi thì Ziggy Chen, Renli Su, Dion Lee, Simone Rocha…
Những thiết kế nằm trong BST ready-to-wear Spring/Summer 2023 của Dries Van Noten
Khi chuyển cửa hàng về phố Tràng Tiền, Huy chính thức mở rộng sang mảng thời trang nữ. Huy muốn phục vụ thêm cả tệp khách nữ đã quen thân với TDG lâu năm: các chị em đi theo bạn trai, chồng, anh em tới TDG mua hàng rất nhiều. Đồ nữ cũng đa dạng hơn đồ nam thế nên việc mở rộng sang mảng thời trang nữ là một bước đi tất nhiên phải thế. Và Huy cũng tin rằng với việc mở rộng này sẽ giúp mình phổ cập thêm kiến thức, thông tin, niềm đam mê cho mọi người. VD: Dion Lee, Heliot Emil cho chị em thì chất, chiến, mang tính futuristic. Rick Owens lướt thướt, nhẹ nhàng. Gần đây, Huy có mang về được Martine Rose - 1 thương hiệu/1 nhà thiết kế có hơi hướng subculture thập niên 70 - 80 thế kỷ trước của London: punk-rock, techno…
Những thiết kế nằm trong BST ready-to-wear Spring/Summer 2024 của Martine Rose
Mỗi một nhà thiết kế, một thương hiệu mới xuất hiện tại TDG lại mở ra một hướng đi tiềm năng mới. Nhưng tựu chung, những nhà thiết kế này, những thương hiệu này đều góp phần vào tôn chỉ chung từ ngày đầu mở TDG của Huy: Một cửa hàng bán những tác phẩm nghệ thuật quần áo của văn hóa avant-garde.
Hiện nay TDG vẫn là toàn phần sở hữu của Huy hay là Huy đã có đối tác cùng làm rồi?
- TDG từ trước đến nay vẫn là chuyện kinh doanh của gia đình: có Huy, mẹ Huy và vợ Huy cùng làm. Cũng có nhiều nhà đầu tư ngỏ lời nhưng Huy thấy chưa phù hợp. Thứ nhất, mình vẫn đang cân được, việc vận hành mô hình kinh doanh gia đình cũng thoải mái cho mình hơn về mọi mặt. Thứ hai, mình tự đặt câu hỏi rằng: một cửa hàng avant-garde như TDG liệu có nhất thiết phải to lên không? Việc có thêm nhà đầu tư hay đối tác sẽ giúp TDG có thể phát triển hơn, to lên nhiều nhưng nhìn trong bối cảnh thị trường như Việt Nam thì liệu điều đó có thực sự phù hợp. Nếu mình nhìn sang Dover Street Market, 10 Corso Como… là những multi-brand concept store khổng lồ được đặt tại các thủ phủ thời trang thế giới như London, Seoul, Milan. Việc khuếch đại chiều kích của không gian bán hàng vật lý ở những thành phố đó là điều hợp lý, còn quay lại thị trường Việt Nam, Huy chưa thấy điều đó là cần thiết.
TDG có thể nói là một sự hiện thân rất rõ ràng về tính cách, con người của Huy. Vậy thì không chỉ trong việc vận hành mà trong việc marketing, làm thương hiệu, Huy có phải… làm hết mọi thứ không?
- Trước khi chuyển cửa hàng về Tràng Tiền thì gần như mọi việc là Huy làm hết: đi mua đồ (buying); chỉ hướng cho các em nhân viên làm quảng cáo; viết bài thì cần viết cái gì… Nói thẳng luôn là Huy làm hết. Sau khi chuyển cửa hàng về Tràng Tiền, Huy mới bắt đầu xây dựng một đội chuyên nghiệp: người viết nội dung; người chụp ảnh cho cửa hàng; người quản lý sale; người làm về VM - visual merchandising… Hiện giờ công việc đi mua đồ thì cũng đã có một quản lý cửa hàng phụ giúp.
Trước thì mọi người cũng hỏi sao không thuê một bên làm truyền thông, marketing về làm. Thì Huy bảo là: Đấy không phải kiểu mà Huy thích, Huy muốn marketing theo đúng kiểu của TDG cơ, không rầm rộ hẳn lên nhưng cũng không hoàn toàn im ắng. Kiểu marketing mà Huy hướng tới sẽ làm sao để TDG mãi ở đấy, người ta biết người ta nhớ đến và lâu lâu ghé qua. Mọi nội dung, hình ảnh TDG đưa lên đều là do Huy và mọi người tự sản xuất. Kể cả các bạn KOLs, Huy và TDG chưa bỏ một đồng tiền nào để thuê hay mua feedback cả.
Với tư cách là một người đã làm TDG, một người đã hoạt động trong mảng thời trang xa xỉ tại Việt Nam suốt 1 thập kỷ này, Huy thích và ghét gì trong chính thị trường này?
- Chà, 10 năm rồi. Huy nói về điều Huy thích trước nhé: mặt tích cực chính là sự duy nhất của TDG. Mình là duy nhất và mình đã dám đi theo một con đường mà người khác không dám đi. Thành ra, mình không chịu nhiều sự tác động từ các yếu tố bên ngoài của thị trường, cũng không đối đầu với nhiều sự cạnh tranh. Lượng khách hàng tiếp thu thời trang xa xỉ và tiếp nhận những thông tin mới, xu hướng mới hay nói chung là cái mới đang tăng dần lên.
Giờ đây, bộ phận các bạn trẻ yêu văn hóa avant-garde, yêu thời trang đương đại ngày càng nhiều rồi. Đó là một điều rất tích cực. Mình làm gì từ trước đến nay cũng có mục đích là cống hiến. Những năm gần đây nhiều bạn fashionista, KOLs trong nước tham dự các tuần lễ thời trang lớn, tham dự các show thời trang avant-garde. Một phần cũng là nhờ vào TDG của Huy, Labels: của anh Long… đã đưa các bạn này sang, làm hình ảnh, quảng bá, truyền thông cái văn hóa này tới rộng rãi hơn trong chính thị trường Việt Nam.
Còn điều không tích cực: sức mua, ý niệm mua xa xỉ phẩm giá bán lẻ không sale vẫn còn kém. TDG và những thương hiệu Huy mang về, đến cuối cùng vẫn đang đánh vào người trẻ là nhiều. Mà mặt bằng chung, người trẻ tại Việt Nam chưa có đủ sức chi trả nhiều và thường xuyên cho các loại mặt hàng như thế này. Nên từ đầu, mình phải xác định là khi lựa chọn làm công việc này, nghề nghiệp này mình phải chấp nhận và mình phải đánh đổi. Mình chấp nhận việc bán những sản phẩm này, phân phối những thương hiệu này mình không thể có lãi mấy. Lời lãi cũng chỉ đủ để nuôi đam mê. Ít nhất, mình không lỗ là được rồi. Nếu lỗ bù lỗ thì thôi, chắc chắn phải đóng cửa rồi. Đam mê có nhiều tới đâu thì không thể nào cứ vứt tiền của mình qua cửa sổ mãi được.
Ngay cả trong một năm suy thoái kinh tế như năm nay, Huy cũng phải đưa ra quyết định sale và sale rất lớn cho TDG để tồn tại. Suy nghĩ tiêu cực cũng chẳng thể giải quyết được vấn đề. Khi nào mà thử hết cách rồi mà không có điều gì thay đổi, thì mình buông. Còn cách thì vẫn phải làm, vẫn phải cố thôi.
Làm người duy nhất trong thị trường, đi một cái ngách riêng chẳng ai đi thì cũng là một sự đánh đổi rồi. Nhưng Huy nghĩ, lỡ chẳng may mình không làm mà có một người khác làm trước, đặt nền móng tốt, thị trường phát triển lên thì mình đâu có cơ gặt được nhiều thành quả như họ? Huy hay tự hỏi mình như vậy. Rồi Huy tự trả lời bằng việc biến những điều tiêu cực mình không thích thành động lực để đi tiếp.
Cám ơn Huy về cuộc nói chuyện!