Dốc tiền cho những xa xỉ phẩm thượng cấp từ lâu đã là thú vui của các quý bà - những con người thuộc phái yếu nhưng sở hữu tiềm lực tài chính khiến phái mạnh kiêng dè. Nhưng đối với một số nữ nhân có sở thích dị biệt, vinh quang đối với họ lại là khi tìm được những món hàng giả trông thật hơn cả... hàng thật.
Để thoả mãn cái tôi và sở thích "ngang ngược" này, một số hội nhóm đã được lập ra để các phú bà săn lùng túi xách nhái được chế tác một cách tinh vi. Nào hãy thử theo chân Lisa (Manhattan - Mỹ), người có cô bạn thân siêu giàu sở hữu bộ sưu tập túi Birkin đồ sộ, một ngôi nhà trị giá gần 250 tỷ đồng và đi lại bằng máy bay phản lực riêng xem sao. Lisa bộc bạch: "Tôi từng nghĩ rằng mọi thứ đều là thật, cho tới ngày bạn tôi thú nhận rằng những chiếc Birkin đó là giả và cô ấy mua chúng tại 'những bữa tiệc Tupperware'''.
Là một bà nội trợ với mức thu nhập khoảng 70 tỷ đồng một năm, Lisa cũng sắm sửa được vài chiếc túi hiệu. Nhưng kể từ khi nghe lời thú nhận của bạn thân, cô đã bán gần như tất cả đồ hiệu và gom tiền cho những chiếc Hermès Birkin giả.
Vào năm ngoái, cô đã chi hơn 230 triệu đồng cho dàn túi xách bóng bẩy. "Điều đó không làm chồng tôi nổi giận, bởi vì tôi không thực sự tiêu quá nhiều tiền", Lisa chia sẻ. Những món đồ phái đẹp khao khát xuất hiện trong mọi bức ảnh trên Instagram của cô, khi thì được sắp xếp xung quanh thú cưng, lúc lại nằm ngay ngắn trên bãi biển, bên bàn ăn tại các nhà hàng sang chảnh nhất nước Mỹ.
Với tư duy nhạy bén, Lisa bắt tay vào cuộc tìm kiếm nguồn gốc những món đồ (Ảnh minh hoạ)
Cũng chính cơ duyên này đã dẫn dắt Lisa tới RepLadies - trang Reddit của cộng đồng những cô nàng millennials tìm mua hàng xa xỉ phiên bản fake. Những bản nhái tinh xảo của giày hàng hiệu đến vali Rimowa đều có sẵn, nhưng túi xách mới thực sự là ngôi sao ở đây. Bạn có thể mua được bất cứ món hàng với bất kỳ màu sắc nào với giá chỉ từ 1 đến 10% giá hàng chính hãng - từ túi Chanel cổ điển, Hermès Birkin da cá sấu, túi Telfar, cho đến ti tỉ các món hàng tuyệt mỹ.
Được thành lập vào năm 2016, trang Reddit này có gần 200.000 thành viên. Trên thực tế, nó có quan hệ mật thiết với kiểu văn hóa chế nhạo các món hàng hiệu chính hãng với niềm tin rằng: mua hàng giả là một cách để lật đổ "chế độ hàng xa xỉ". Đáng chú ý, từng có thành viên của nhóm mạnh miệng tuyên bố: "Cái tôi của những nhà thiết kế hàng hiệu chỉ là rác rưởi".
Mỉa mai thay, trang web này còn cung cấp hướng dẫn về cách giao tiếp bằng tiếng Trung, nhằm tránh việc các thành viên có nhu cầu mua túi giả "cao cấp" mà mua nhầm phải... túi giả "cấp thấp" trôi nổi từ Trung Quốc. Tôn chỉ ở nơi đây là: "Tất cả chúng ta đều muốn những gì tốt nhất, nhưng chúng ta đang ở trong một thị trường chợ đen đích thực".
Người ta sợ mua nhầm hàng nhái trôi nổi ở một chợ đen như RepLadies
Theo một cuộc khảo sát được công bố vào năm ngoái, các thành viên này đã chi gần 70 tỷ đồng cho hàng nhái. Ngoài những phụ nữ giàu có sở hữu những chiếc túi hàng hiệu authentic, có không ít giám đốc điều hành, nhà đầu tư mạo hiểm, nhà ngoại giao và cố vấn của Big Tech cũng là thành viên ở đây. Họ hoàn toàn có thể chi trả cho những món hàng thật nhưng vẫn bất chấp mua đồ nhái!
Thế đấy!
Ở RepLadies, các bản fake không khác hàng thật là mấy, thậm chí gần như y hệt hoặc... chất lượng còn tốt hơn cũng không chừng. Đối với họ, vinh quang không đến từ một bộ sưu tập hàng hiệu chính gốc, mà là việc tìm thấy đồ giả hoàn mỹ đến mức có cảm giác hơn cả hàng thật.
Một cô gái từng làm trong lĩnh vực bất động sản cho biết: "Đó là cảm giác hồi hộp khi đi săn hàng - cảm giác tìm được một món hời. Tôi không chỉ muốn có nó; tôi muốn cảm thấy như đã thực hiện thành công một giao dịch làm ăn". Cô khoe khoang rằng mình có hàng ngàn bản nhái, bao gồm gần một trăm chiếc túi và một bộ vòng cổ BVLGARI giả có giá hơn 230 triệu đồng (trong khi hàng thật có giá hơn 1,7 tỷ đồng).
Tuy nhiên, hầu hết những người bạn giàu có của Lisa đều chối từ lời đề nghị mua hàng fake của cô. "Theo đúng nghĩa đen, họ nói với tôi rằng họ quá đẳng cấp để đi mua hàng giả. Thay vào đó, họ mua Hermès thật, và rồi căng thẳng mỗi ngày với suy nghĩ: ‘Mình sẽ lấy chiếc túi đó chứ?' 'Hết hàng thì sao nhỉ?'. Ơ kìa chẳng việc gì phải căng thẳng cả, bạn chỉ nên thấy hài lòng thôi!", cô nói.
"Ngày nay, hàng nhái ngày càng hoàn thiện hơn," một giám đốc chiến lược của Hamptons nói. "Chúng bền hơn. Được làm tỉ mỉ tới từng chi tiết. Bạn có thể nói rằng mọi thứ đều là hàng thủ công. Trong khi đó, các thương hiệu thượng cấp gần đây đã thực hiện chiến lược tăng giá như vũ bão. Chiếc túi Chanel Clasic Flap Bag đã tăng 60% kể từ năm 2019, khiến người ta không biết chính xác rằng việc mua hàng thật mang lại lợi ích gì cho bản thân."
Cindy, một bà mẹ ở Flushing, người đã tìm ra những chiếc túi fake sau khi chi vài nghìn đô cho một chiếc Dior đã bị hỏng, cho biết: ''Tưởng tượng việc chúng ta chi hết tiền vào những chiếc túi xách "auth" mà xem. Bạn sẽ chẳng bao giờ giàu lên theo cách đó đúng không?"
Những người bán hàng fake đôi khi lại có đời sống rất chanh sả. Cô ấy có thể bước ra từ căn penthouse giá 6 con số ở một khu phố sầm uất, nơi căn phòng phụ được dùng làm phòng trưng bày. Mỗi bữa tiệc của người phụ nữ này là nơi mà các vị khách được khuyến khích so kè những chiếc Birkin thật với những chiếc túi giả mà cô ấy đang bán. Một thành viên RepLady có trụ sở tại Hamptons cho biết: "Tôi đã thấy rất nhiều người có sức ảnh hưởng đang làm nghề này và có cả một vài ngôi sao nổi tiếng nữa".
Tuy vậy, khi những chiếc túi thỉnh thoảng vẫn bị thu giữ, và các thành viên RepLadies nhận được những bức thư đáng sợ từ các nhà mốt lớn. Chúng thường chứa những lời đe dọa như án tù, tiền phạt hàng tỷ đồng. Nhưng nhìn chung, đó chỉ là một trong những chiêu bài để thương hiệu ''doạ rồ''. Thị trường hàng nhái trên toàn cầu được tạo thành từ vô số các chân rết phức tạp, thế nên việc các nhà mốt có thể làm là chi cho luật sư hàng tỷ đồng để cố mà kiện tụng.
Có một số giả thuyết từ các RepLadies về nguồn gốc của các bản sao siêu cấp. Có giả thuyết rằng, chính nội bộ các hãng thời trang cũng sở hữu các nhà máy làm đồ giả để họ có thể kiếm chác bằng mọi cách. Số khác nói rằng các nhà sản xuất hàng giả là "nhà máy mở rộng" - những chiếc túi không được kiểm soát chất lượng và bị các các nhân viên tuồn ra ngoài. Một số người nói rằng công nhân sản xuất các bản sao bằng các vật liệu không được sử dụng với đồ thật, trong khi những người khác cho rằng các nhà máy sản xuất bản sao hoạt động hoàn toàn độc lập với bất kỳ thương hiệu nào.
Với địa chỉ liên hệ và tài khoản mạng xã hội, bất kỳ ai cũng có thể nhận được một chiếc túi giả, nhưng việc tiếp cận với những chiếc túi nhái chất lượng cao ngày càng trở nên hiếm hoi. RepLadies, từ vài tháng nay, đã lấn sân sang các trang mạng xã hội - nơi ''ẩn náu'' của dân buôn hàng fake. Tại đây, họ có thể tiếp cận nhiều trải nghiệm độc lạ hơn của thế giới đại diện, như thị trường đồ cũ khổng lồ và những người bán hàng Hermès hàng đầu, và thậm chí có thể thực hiện các đơn đặt hàng độc quyền.
Thế mới thật, thời buổi này đúng là "vàng thau lẫn lộn" hết cả rồi!
Nguồn: The Cut