Mũ “thần kỳ” phòng chống Covid-19: Bảo vệ thực sự hay chỉ là chiêu trò?

Mũ chống giọt bắn ngăn ngừa dịch Covid-19 đang được nhiều người tìm mua. Tuy nhiên, không ít chuyên gia y tế cho rằng mũ chống Covid-19 không có tác dụng thật sự. Việc tránh đến nơi đông người, rửa tay, đeo khẩu trang đúng cách theo khuyến cáo của Bộ Y tế mới là cách phòng bệnh tốt nhất.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 76 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó 16 trường hợp đã chữa khỏi hoàn toàn. 60 trường hợp còn lại đang được điều trị tại các cơ sở y tế trong cả nước.

Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến khá phức tạp, thị trường xuất hiện các sản phẩm chống dịch, chống giọt bắn phòng Covid-19. Chưa biết hiệu quả thực sự của sản phẩm này đến đâu nhưng không ít người dân đã nhanh tay mua mũ chống giọt bắn phòng Covid-19 tự chế. Theo tìm hiểu của PV, chiếc mũ “thần kỳ” này được rao bán nhiều trên mạng xã hội.

Gọi theo số điện thoại 096798xxxx thì khác hàng nhanh chóng được nhân viên tại đây tư vấn: “Chị tìm đến địa chỉ nhà em là chính xác rồi. Thời gian gần đây, dịch bệnh đang biến đổi vô cùng tinh vi. Vì thế, một chiếc mũ như nhà em bán rất cần trong lúc này”.

Khi PV hỏi thêm về tác dụng của chiếc mũ “thần kỳ” chống Covid-19 thì nhân viên nhanh miệng: “Covid-19 lây qua đường tiếp xúc người với người,…khi người chưa bị nhiễm hít phải nước bọt có chứa virut. Để hạn chế việc đó bạn có thể dùng mũ đội có tấm chắn nilong phía trước, gọi là mũ chống corona. Khi dùng mũ này không những hạn chế được bụi bẩn, còn hạn chế được virus. Giá của mũ giao động từ 100 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng tùy thuộc vào kích cỡ”.

Khi quảng cáo xong sản phẩm của mình, nhân viên này không quên dặn dò khách hàng: “Dù mũ có một lớp nilong cứng, tuy nhiên, để an toàn hơn thì khách hàng vẫn nên đeo khẩu trang theo hướng dẫn của Bộ Y tế”.

Mũ “thần kỳ” phòng chống Covid-19: Bảo vệ thực sự hay chỉ là chiêu trò? - 1

Mũ chống dịch Covid-19 lạ, bắt mắt với người mua.

Là một trong những người đã từng đặt mua mũ chống dịch Covid-19, chị Phương Hoàng bày tỏ: “Thực ra người dân cũng không biết nó thật sự có tác dụng không, chỉ nghĩ rằng trong lúc bệnh dịch thì “có bệnh nên vái tứ phương”. Thấy người khác mua mình cũng mua xem sao. Thiết kế của nó cũng hay và lạ mắt, có thể che được hết phần mặt của người dùng”.

Còn anh Minh Hùng lại tỏ ra e ngại: “Hiện nay có rất nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng. Vì theo tôi biết, có nên bán chỉ vài chục nghìn, nhưng có chỗ lại bán hàng trăm. Nghe quảng cáo cũng khá hấp dẫn, tuy nhiên, cần phải biết chính xác nó có hiệu quả hay không”.

Để làm rõ vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Ngô Việt Hùng (chuyên gia về các bệnh nhiễm trùng và nhiệt đới; nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Hữu nghị Việt-Tiệp) cho rằng: “Mặt nạ tất nhiên nó cũng có một phần tác dụng nhưng để tránh virus thì không cần thiết. Nó không thể làm được những điều như lời người bán đang quảng cáo”.

Mũ “thần kỳ” phòng chống Covid-19: Bảo vệ thực sự hay chỉ là chiêu trò? - 2

Cần có sự kiểm chứng để biết được hiệu quả thực sự.

Bác sĩ Ngô Việt Hùng lý giải, giọt nước bọt nếu có Covid-19 nó không bay lơ lửng trong không khí như giọt của lao. Mà nó sẽ đậu và “hạ cánh” xuống miệng, tay, mũi của người tiếp xúc. Khi hiểu được nguyên lý này thì biết được việc quan trọng nhất để phòng dịch chính là giữ được bàn tay sạch, tránh xa những người có biểu hiện cúm, ho.

Không những thế, việc đeo khẩu trang thường xuyên cũng là cần thiết vì khẩu trang không chỉ tránh được bụi, độ ẩm bên ngoài và nhiều thứ khác mà chúng ta khó có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Cùng chia sẻ với PV, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (Trưởng khoa Cấp cứu BV bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay: “Theo quan điểm của tôi thì những chiếc mũ được thiết kế như vậy nó cũng chắn được virus nhưng không được nhiều. Thực ra mà nói có gì chắn cũng đều tốt cả, nhưng hiệu quả đến bao nhiêu thì cần phải chứng minh được và có sự nghiên cứu kỹ lưỡng. Hiệu quả có tương xứng với giá thành hay không. Hiệu quả có mà giá cả hợp thì là điều tốt đối với người dân, nhưng hiệu quả rất ít mà người ta bán đắt thì đó là sự lừa đảo”.