Mới đây, "Phù thủy áo dài” Vũ Việt Hà tung ra bộ sưu tập “Hoài Niệm”. 15 thiết kế được anh thực hiện trong 10 ngày, tái hiện ký ức, những dấu ấn truyền thống trong cách ăn vận, lối sống của người dân Việt Nam thời xưa cũ.
Một số thiết kế trong bộ sưu tập "Hoài niệm" của NTK Vũ Việt Hà.
Phom dáng áo dài thập niên 1930 - sở trường của nhà thiết kế - tiếp tục được phát triển trên chất liệu tơ tằm được đặt dệt riêng. Trang phục trở nên hiện đại và phá cách nhờ chi tiết cách tân ở cổ gập, tay áo phồng và loe rộng, phù hợp với các dịp lễ hội, tiệc tùng, sự kiện. Không khí xuân tươi vui thể hiện qua những khóm hoa bừng nở trên thân áo với tông màu nổi bật, xen kẽ sắc xanh đầy sức sống của lá. Các họa tiết đều do các nghệ nhân lão luyện thêu tay một cách tỉ mỉ, tốn nhiều giờ đồng hồ.
Điểm nhấn đắt giá của bộ sưu tập nằm ở những mảnh thổ cẩm xuất hiện trên tay áo, cổ áo, chạy dọc thân hay phần ngực, tạo nên nét riêng không thể trộn lẫn. “Nhân dịp Nghệ thuật làm trang phục dân tộc Mông đen Sa Pa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tôi đã sử dụng thổ cẩm họ để thể hiện tình cảm, sự tri ân của tôi đối với văn hóa đặc sắc này, đòng thời muốn lan tỏa rộng rãi tinh hoa đó”, anh nói.
Các thiết kế cho thấy sự đầu tư, chỉn chu của NTK Vũ Việt Hà.
Nhà thiết kế cho biết các miếng thổ cẩm này được anh sưu tầm trong những chuyến công tác ở Sapa, vào sâu trong bản của người Mông đen. Vũ Việt Hà nói: “Chúng là sản phẩm rất quý của người Mông đen nơi đây. Mỗi tác phẩm làm tay nên chỉ có một chiếc duy nhất, giá trị khó có thể đo đếm”. Đây không phải lần đầu nhà thiết kế đưa thổ cẩm của người Mông đen Sapa vào bộ sưu tập. Anh từng nhiều lần sử dụng chúng trong quãng thời gian gần 20 năm làm nghề.
Nhằm giúp tà áo thêm sống động, bắt mắt, anh và các nghệ nhân áp dụng kỹ thuật đính kết cườm, đá ở đường viền, làm nổi bật tà áo tối đa. Trang phục kết hợp thêm lọng che, đặt trong bối cảnh di tích Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội, nên càng gợi sự hoài cổ.
Nhà thiết kế Vũ Việt Hà nổi tiếng với các thiết kế khai thác chất liệu đặc biệt, tự nhiên theo xu hướng thời trang bền vững như sợi tơ tằm, đũi, gai, tơ chuối, tơ sen. Anh ghi dấu ấn với nhiều bộ sưu tập như Sóng tơ, Nước đầu nguồn, Ký gửi người Mông vào tương lai, Ngày trở về, Chuyện tình cao nguyên đá, Mộng xưa, Thiên di, Về quê. Các mẫu áo dài của Vũ Việt Hà thường được tạo nên từ các chất liệu tự nhiên và quý hiếm, dệt và xử lý các công đoạn bằng tay, theo xu hướng phát triển bền vững.