Phim “Người vợ cuối cùng”: Thứ níu chân người xem chính là trang phục?

Có thể thấy bộ phim "Người vợ cuối cùng" và một vài phim Việt Nam gần đây được đầu tư trang phục, điều này góp phần giúp khán giả hiểu rõ hơn về quá trình tái hiện những giá trị truyền thống đầy ấn tượng.

Bộ phim "Người vợ cuối cùng" của đạo diễn Victor Vũ mới ra rạp ngày 3/11 vừa qua đang thu hút được nhiều sự quan tâm, dẫu kịch bản chưa được đánh giá cao, mà chỉ nằm ở mức an toàn, nhưng bộ phim lại gây được ấn tượng về phục trang của từng nhân vật, có khán giả còn đánh giá rằng: "Phục trang trở thành nội dung quan trọng cho phim Người vợ cuối cùng".

Phim “Người vợ cuối cùng”: Thứ níu chân người xem chính là trang phục? - Ảnh 1.

Trước khi ra mắt phim, diễn viên kiêm nhà sản xuất Đinh Ngọc Diệp chia sẻ:"Toàn bộ những bộ cổ phục đều được may đo riêng cho từng diễn viên. Hàng trăm diễn viên là hàng trăm bộ đồ, hàng nghìn mét vải".

Cô cũng chia sẻ thêm rằng: Giám đốc Mỹ thuật Ghia Ci Fam của phim "Người vợ cuối cùng" là một người rất chỉn chu và cầu toàn trong từng chi tiết. Một bộ trang phục thời xưa thường có từ 3 đến 4 lớp, và dù cho những lớp bên trong không được nhìn thấy đi chăng nữa thì Ghia Ci Fam vẫn yêu cầu diễn viên mặc đầy đủ để cảm nhận được hết giá trị mà bộ quần áo này mang đến.

Cụ thể, khi nhìn vào phục sức của người vợ cả (NSƯT Kim Oanh đóng vai), trang phục được lựa chọn thường là tông màu nóng, thường là đỏ hoặc nâu đậm trên nền vải đơn giản. Điều này thể hiện cá tính nghiêm khắc và có phần nóng nảy của nhân vật khi đây là "nữ chủ" của gia đình, luôn phải lo liệu việc trong việc ngoài hơn là dành thời gian điệu đà váy áo.

Phim “Người vợ cuối cùng”: Thứ níu chân người xem chính là trang phục? - Ảnh 2.

NSƯT Kim Oanh cho biết: Cô chưa bao giờ làm việc với họa sĩ nào chi tiết đến như vậy. Có một hôm khi Oanh chuẩn bị ra quay, anh họa sĩ chính đã chọn cho Oanh từng cây trâm cài, từng cái nhẫn mà Oanh đeo trên tay, từ nếp áo cho đến những đồ trang sức. Hóa trang cho 3 bà vợ khác nhau, Oanh thấy rằng mỗi người đều có một sắc thái riêng nhưng vẫn hòa hợp trong một tổng thể chung.

Kế đến và nhân vật mợ Hai (Đinh Ngọc Diệp đóng) được thiết kế cho những bộ trang phục mang nhiều tông màu nóng lạnh xen lẫn như xanh, hồng… nhưng không quá đậm, tạo cảm giác dễ chịu. Trên thân vải có nhiều hoa văn cầu kỳ, phụ kiện trang sức đi kèm như nhẫn, trâm, vòng tay khá đa dạng. Điều này thể hiện cá tính thẳng thắn, vô tư, có thể nói đây là nhân vật đại diện cho tính trào phúng để cân bằng lại không khí ngột ngạt trong phim.

Phim “Người vợ cuối cùng”: Thứ níu chân người xem chính là trang phục? - Ảnh 5.

Nhân vật chính Diệu Linh (Kaity Nguyễn đóng) chủ yếu chỉ diện trang phục màu nhã nhặn, từ áo ngũ thân đến chiếc trâm cài, đôi bông tai. Khi đặt cô đứng gần hai người vợ trước, sự chênh lệch về màu sắc này sẽ tạo cảm giác đây là một người vợ lẽ nhạt nhòa, xuất thân thấp kém, luôn mang tâm trạng trầm buồn. Việc lựa chọn màu sắc trang phục như vậy cũng giúp khán giả hiểu được phần nào về thân phận của Linh, cô được gả vào phủ quan chỉ để sinh con trai chứ chưa bao giờ nhận được sự tôn trọng như cái danh xưng “mợ Ba” của mình.

Không phải ngẫu nhiên mà từ cây trâm cài, chiếc nhẫn, nếp áo của các nhân vật chính lại được ekip "Người vợ cuối cùng" chăm chút tỉ mỉ đến vậy. Tất cả những sử chỉn chu về trang phục đều là những nỗ lực của đoàn làm phim, nhằm giúp phục dựng, mang đến những hình ảnh tiệm cận thực tế nhất có thể so với hình ảnh tư liệu đến với người xem.

Theo chia sẻ của đạo diễn Victor Vũ, tổ thiết kế với 28 người tốn gần 80 ngày để phục dựng làng. 200 diễn viên quần chúng tham gia các đại cảnh về cuộc sống dân làng. "Tôi đặt tiêu chí khi nhìn vào màn hình monitor, khung cảnh phải giống như hình ảnh tư liệu, tranh vẽ thời xưa tôi tham khảo", đạo diễn nói.