Quyền tác giả nhìn từ hình ảnh Hai Bà Trưng trên đồng hồ Thụy Sĩ

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng luật pháp, đó là con đường minh bạch mà các tác giả, các văn nghệ sĩ nước ta đang thực hiện.
Quyền tác giả nhìn từ hình ảnh Hai Bà Trưng trên đồng hồ Thụy Sĩ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa/INT.

“Sau hơn một tháng cùng luật sư trao đổi thì hãng Christophe Claret đã ra thông báo mới với đầy đủ thông tin về tác giả của bức tranh gốc được sử dụng trên mặt đồng hồ.

Với sự cho phép của mình, việc sử dụng tác phẩm “Hai Bà Trưng” trên mặt đồng hồ của hãng Christophe Claret là hợp pháp”.

Thông tin mà họa sĩ trẻ Xuân Lam viết trên Facebook cá nhân đem tới niềm vui cho người yêu nghệ thuật. Bởi cuối tháng 5, khi hãng Christophe Claret (Thụy Sĩ) công bố mẫu đồng hồ mới có hình ảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi cùng chim khổng tước, nhiều ý kiến nhận xét hình ảnh trên mặt đồng hồ rất giống với hình ảnh trong hai tác phẩm đã triển lãm của Xuân Lam - họa sĩ trẻ làm mới tranh dân gian theo phong cách đương đại.

Nhiều câu hỏi nghi vấn được đặt ra: Một hãng đồng hồ thương hiệu lớn như vậy sao có thể làm ăn tắc trách? Có hay không việc đạo nhái tranh Xuân Lam? Phải chăng họ đã có sự thỏa thuận riêng?

Xuân Lam giữ im lặng, phối hợp cùng luật sư để làm sáng tỏ sự việc. Kết quả là hãng Christophe Claret đã phải thu hồi lại thông tin trước đó, ra thông báo mới khẳng định tranh của Xuân Lam là tranh gốc, còn tác giả bức tranh thu nhỏ in trên mẫu đồng hồ là của ông André Martinez.

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng luật pháp, đó là con đường minh bạch mà các tác giả, các văn nghệ sĩ nước ta đang thực hiện. Tuy nhiên, không phải ai cũng đạt được sự thỏa thuận hợp lý. Ngay cả khi khởi kiện ra tòa, thì chặng đường đồng hành cùng luật sư trong các phiên xét xử rất mất thời gian và khó khăn tốn kém.

Mới đây, tại phiên phúc thẩm xét xử vụ việc tranh chấp sở hữu trí tuệ liên quan bài thơ Gánh Mẹ, TAND cấp cao tại TPHCM giữ nguyên án sơ thẩm, xác nhận ông Trương Minh Nhật chính là tác giả, chủ sở hữu bài thơ Gánh Mẹ, đồng thời cũng là tác giả lời bài hát Gánh Mẹ (nhạc của Quách Beem).

Để theo đuổi vụ kiện này, ông Trương Minh Nhật mất gần 5 năm, trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc từ đau đớn, buồn bực đến mừng vui, hạnh phúc.

Song cũng có không ít vụ xâm phạm tác quyền đã không được giải quyết hoặc giải quyết không thấu đáo, khiến cho nguyên đơn chỉ biết ngậm ngùi, than thở.

Khi nhu cầu giải trí, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật được nâng cao, nền kinh tế tri thức phát triển lên một tầng bậc mới thì các tác phẩm nghệ thuật càng có nguy cơ bị xâm phạm bản quyền.

Vì thế, về phía các tác giả, các văn nghệ sĩ phải là người ý thức sâu sắc điều này, lo cho đứa con tinh thần chào đời đồng thời cũng phải chủ động lo cho nó một “mã số định danh”, một thân phận rõ ràng để khi có “biến” sẽ được pháp luật bảo vệ với những chứng cứ thuyết phục. Điều này sẽ góp phần giảm thiểu được những nguy cơ đạo nhái tác phẩm.