Một trong số những tên tuổi rình rang trên mặt báo những ngày này chính là Dior. Khi thì kiện cáo Valentino vì gây sụt giảm doanh thu, lúc lại "lật bản" rút đơn kiện như chưa hề có cuộc cãi vã, nhà mốt Pháp dường như không để cho tên tuổi có cơ hội giảm nhiệt bất cứ phút giây nào.
Mới đây, thương hiệu này tiếp tục bị réo tên trong một lùm xùm khác. Cộng đồng mạng Trung Quốc vừa tố cáo mẫu chân váy midi của hãng đạo nhái kiểu váy mã diện - trang phục truyền thống của phụ nữ thời Minh. Điểm chung của hai thiết kế này tương đối rõ ràng: mặt trước và mặt sau phẳng, xếp ly ở hai bên, phần eo cố định bằng đai lưng.
Thiết kế của Dior được cho là...
... tương đồng với váy mã diện, theo cái nhìn của cư dân mạng xứ Trung
Váy mã diện trong các bức tranh vẽ phụ nữ, thời Minh hậu kỳ. Trang phục này được mặc kèm với chiếc áo dáng dài, cổ đứng. Cái tên "mã diện" (mặt ngựa) gợi liên tưởng được liên tưởng đến một cấu trúc phòng thủ từ thời xưa
Ở phần mô tả sản phẩm, thương hiệu viết: "Chiếc váy midi mang dáng vẻ cổ điển của Dior, được tái hiện lại với nét thanh lịch, hiện đại", chính điều này đã khiến cộng đồng mạng Trung Quốc cho rằng Dior đang có hành vi chiếm dụng văn hoá, khi không hề nhắc đến việc lấy cảm hứng từ thời trang/văn hóa Trung Quốc.
Nhưng ở một diễn biến khác, nhiều người dùng mạng cho rằng các họa tiết truyền thống của Trung Quốc được các nhà thiết kế lấy cảm hứng là điều đáng hoan nghênh, không có gì phải chê trách nhiều. Ngoài ra, việc Trung Quốc có thực sự là "quê hương" của dáng váy này hay không vẫn còn là điều gây tranh cãi.
Bình luận trái chiều của cộng đồng mạng:
- "Dù không thích Trung nhưng việc nào ra việc đó, Dior bị dính chiếm đoạt văn hóa mấy lần rồi".
- "Chuyện nào ra chuyện đó, lần nào chứ lần này thì không. Cái dáng váy đó trên thế giới này không thiếu, chỉ có người Trung cái gì cũng muốn là của mình thôi".
- "Mình là dân thiết kế. Mình 'đạo nhái' mẫu váy này hơn chục lần nhiều năm về trước rồi sợ quá cơ!".
- "Kinh kinh, nay tố người ta đạo nhái cơ đấy! Dáng váy xếp ly hai bên như này hiếm lắm sao?".
- "Hôm nay là các bạn kêu bị chiếm đoạt văn hoá chứ không phải nước khác tố các bạn chiếm đoạt văn hoá hả?".
Gác sự việc này sang một bên, Dior vẫn là cái tên đứng đầu bảng trong những lùm xùm liên quan tớn "chiếm đoạt văn hoá" (cultural appropriation). Trước đó, tên nước hoa Sauvage (tiếng Pháp có nghĩa mọi rợ, đồng nghĩa với từ "savage" trong tiếng Anh) thường được dùng tại Mỹ với ý miệt thị người thổ dân da đỏ. Hành vi này bị cho là phân biệt chủng tộc và chiếm đoạt văn hóa.
Xa xưa hơn, những BST thời trang dưới thời NTK John Galliano với cảm hứng vay mượn từ trang phục Nhật Bản, Trung Hoa, các vùng dân tộc thiểu số... cũng lần lượt bị đưa vào vòng nghi vấn "chiếm dụng văn hóa". Hành vi này có thể hiểu là việc những cá nhân, tổ chức lạm dụng những nét văn hoá truyền thống mang tính đặc trưng của một quốc gia, hay nhóm dân tộc thiểu số vào mục đích cá nhân.
Liên tiếp những ồn ào xung quanh vấn đề xâm thực văn hoá, vay mượn tính độc đáo trong phong tục, trang phục ở các nước trên thế giới đã hết lần này tới lần khác đẩy Dior tới những tranh cãi không hồi kết.
Nguồn ảnh: Weibo, Vogue, NY Times