Ngày 13/12, tờ CNN đăng tải bài viết cho biết Hoa hậu Hà Lan - cuộc thi sắc đẹp lâu đời gần 100 tuổi - bị khai tử khiến nhiều người bất ngờ. Nguyên nhân ban tổ chức đưa ra cho quyết định này đó là "Thế giới đang thay đổi và chúng ta cũng phải thay đổi theo".
Trước đó, cuộc thi nhan sắc đã tồn tại 103 năm là Hoa hậu Mỹ cũng nộp đơn xin phá sản. Thực tế cho thấy những năm gần đây các cuộc thi sắc đẹp gặp nhiều khó khăn về vấn đề kinh tế cũng như sự thờ ơ của khán giả.
Cuộc thi Hoa hậu Hà Lan bị khai tử.
Thế giới đang thay đổi
Trong tuyên bố khai tử cuộc thi Hoa hậu Hà Lan, ban tổ chức nêu rõ: "Sau nhiều năm lịch sử, Hoa hậu Hà Lan sẽ nói lời tạm biệt với cái tên đã được yêu mến bởi nhiều người. Nhưng đây không phải là kết thúc mà là một khởi đầu mới. Thế giới đang thay đổi và chúng ta cũng phải thay đổi theo".
Sự thay đổi mà ban tổ chức Hoa hậu Hà Lan nhắc tới phản ánh những chuyển biến trong định nghĩa của công chúng về tiêu chuẩn sắc đẹp ở các cuộc thi hoa hậu.
Để đáp ứng sự thay đổi này, nhiều cuộc thi sắc đẹp lớn đã phải hiện đại hóa vì giá trị mà các chương trình truyền thống vẫn luôn đề cao được cho rằng không còn phù hợp với thế hệ trẻ.
Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2024 được tổ chức tại Mexico chấp nhận phụ nữ trên 28 tuổi. Trước đó, Hoa hậu Hoàn vũ là cuộc thi sắc đẹp đầu tiên cho phép phụ nữ đã kết hôn hoặc sinh con, thậm chí người chuyển giới được phép tham gia.
Năm 2023, Hoa hậu Hà Lan cũng thay đổi tiêu chí để tiệm cận với xu hướng mới. Mùa giải này chứng kiến màn lên ngôi của người đẹp chuyển giới Rikkie Valerie Kollé. Điều này chưa có tiền lệ trong lịch sử cuộc thi Hoa hậu Hà Lan gần 100 năm qua.
Khán giả ngày càng khó lường
Mặc dù đã nỗ lực thay đổi nhưng ban tổ chức các cuộc thi vẫn phải đối mặt với những phản ứng ngày càng khó lường của công chúng.
Monica van Ee - Giám đốc của Hoa hậu Hà Lan - chia sẻ với CNN về việc khán giả có những phản ứng ngày càng khó kiểm soát về cuộc thi Hoa hậu Hà Lan. Họ thường phàn nàn "cô ấy da trắng quá" hoặc "cô ấy da quá đen". "Điều này gây ra năng lượng tiêu cực", Monica nói.
Hoa hậu Hà Lan 2023 Rikkie Valerie Kollé nhận nhiều phản ứng tiêu cực từ công chúng sau khi đăng quang vì là người chuyển giới. Cô bị chê bai, thậm chí nhận được nhiều tin nhắn dọa giết.
"Tôi nghĩ rằng mọi người đã thực sự chấp nhận người chuyển giới ở Hà Lan, nhưng những bình luận căm ghét đang cho thấy mặt trái của xã hội. Tôi hy vọng đây là hồi chuông cảnh tỉnh", Rikkie Valerie Kollé chia sẻ.
Lối đi nào cho các cuộc thi hoa hậu?
Các cuộc thi sắc đẹp đang đứng trước những thách thức lớn.
Nhiều nhận định cho rằng các cuộc thi nhan sắc đã qua thời kỳ phát triển đỉnh cao và đang dần thoái trào. Hiện lĩnh vực hoa hậu vẫn được ưa chuộng ở châu Mỹ và Đông Nam Á, nhưng ở các khu vực khác đều đã giảm nhiệt.
Ở châu Âu, Hà Lan không phải là quốc gia chuộng hoa hậu. Trên khắp lục địa già, chỉ còn Pháp là nước quan tâm tới hoa hậu. Hoa hậu Pháp được xem là cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia hoành tráng, hấp dẫn nhất.
Đứng trước những thách thức, cuộc thi Hoa hậu Hà Lan đã chuyển hướng, thành lập một nền tảng mới có tên gọi Niet Meer Van Deze Tijd (Tạm dịch: Không còn nữa), tập trung vào sức khỏe tâm thần, phương tiện truyền thông xã hội, sự đa dạng, khả năng thể hiện bản thân...
Ban tổ chức hy vọng thông qua nền tảng này có thể truyền cảm hứng cho những người trẻ tuổi để họ là chính mình trong một thế giới không ngừng thay đổi.
Trong khi đó, nhiều cuộc thi nhan sắc khác vẫn nỗ lực giữ vững các giá trị truyền thống trong xu thế thay đổi. Hồi tháng 9, một phụ nữ ở New York đã nộp đơn khiếu nại lên Ủy ban Nhân quyền của thành phố, yêu cầu chấm dứt việc loại trừ các bà mẹ ra khỏi các cuộc thi sắc đẹp.
Nhiều người cho rằng dù tích cực thay đổi nhưng các sân chơi hoa hậu khó tránh khỏi việc bị bão hòa và gặp khó khăn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đi xuống. Bên cạnh đó, các cuộc thi cũng phải đối diện với sự khắt khe của công chúng trong thời buổi mạng xã hội phát triển mạnh mẽ.