Tranh cãi về tác động tiêu cực của việc thần tượng trở thành đại sứ thương hiệu cao cấp

Việc trở thành đại sứ thời trang là niềm mơ ước của các thần tượng K-Pop nhưng điều này cũng có thể mang tới những tác động tiêu cực cho người hâm mộ.
Tranh cãi về tác động tiêu cực của việc thần tượng trở thành đại sứ thương hiệu cao cấp - Ảnh 1.

(Ảnh: South China Morning Post)

Trong vài năm gần đây, khi K-Pop vươn lên tầm toàn cầu, số lượng thần tượng trở thành đại sứ cho các thương hiệu xa xỉ cũng tăng lên không ít. Các thương hiệu cao cấp cũng nắm bắt thời thế với mong muốn hợp tác cùng các thần tượng K-Pop.

Tại các nhóm nhạc hàng đầu, thông thường, mỗi thành viên sẽ ủng hộ một thương hiệu khác nhau. Ví dụ điển hình nhất phải kể đến BLACKPINK, khi mỗi thành viên lại là đại sứ của một thương hiệu cao cấp: Jisoo là đại sứ của Dior, Jennie là đại sứ của Chanel, Lisa gắn mình với thương hiệu Celine và Rosé quen mặt với khán giả trong các trạng phục, phụ kiện Saint Lauren.

Tuy nhiên, việc hàng loạt thần tượng trở thành đại sứ thương hiệu cao cấp vẫn mang tới những tác động tiêu cực. Gần đây, một bài báo tại Hàn Quốc đã thu hút sự chú ý khi được đăng tải liên quan tới nội dung này. Bài báo kể lại một người mẹ đã bàng hoàng khi con gái tiểu học của mình đòi hỏi mua một đôi giày thể thao của hãng Miu Miu - một hãng thời trang cao cấp đắt đỏ. Người mẹ sau đó phát hiện ra rằng điều này là do một thần tượng K-Pop làm đại sứ thương hiệu đã khiến con gái mong muốn được ủng hộ thần tượng và được "thời thượng" như vậy.

Tranh cãi về tác động tiêu cực của việc thần tượng trở thành đại sứ thương hiệu cao cấp - Ảnh 2.

Jang Wonyoung - thành viên IVE - là đại sứ thương hiệu Miu Miu. (Ảnh: Getty Images)

Sau khi bài báo được đăng tải, khán giả đã lập tức xôn xao. Hơn 70.000 lượt xem và lượt bình luận của khán giả chỉ sau 1 ngày đăng tải. Hàng trăm ý kiến tham gia vào cuộc tranh luận về những tác động tâm lý tiêu cực xung quanh việc thần tượng trở thành đại sứ cho các thương hiệu xa xỉ.

Phần lớn khán giả đều đồng tình rằng đây là điều không thể tránh khỏi khi những người hâm mộ sẽ học theo thần tượng K-Pop của họ. Một số ý kiến cũng cho rằng các thương hiệu hiện nay chọn lựa thần tượng thay vì người mẫu thực thụ nhằm mang thêm doanh thu về hãng từ những người trẻ tuổi hơn.

Tranh cãi về tác động tiêu cực của việc thần tượng trở thành đại sứ thương hiệu cao cấp - Ảnh 3.

(Ảnh: Getty Images)

"Những thần tượng quá nhỏ tuổi trở thành đại sứ thương hiệu vẫn là điều không nên", "Những thương hiệu hiện nay thậm chí còn không mang lại cảm giác xa xỉ nữa bởi họ đưa danh hiệu đại sứ cho thần tượng một cách quá dễ dàng", "Trước đây, ngôi sao chỉ cần mặc một chiếc áo trị giá 8 USD cũng có thể khiến chiếc áo thật cá tính và lập tức 'cháy hàng'. Giờ thì thần tượng đều mặc đồ thương hiệu cao cấp", "Đây chính là vấn đề khi thần tượng trở thành đại sứ thương hiệu"... - một số bình luận của khán giả.

Một số ý kiến khác cho rằng thần tượng K-Pop trở thành đại sứ nhãn hàng xa xỉ không phải là vấn đề. Tuy nhiên, cách họ nói về điều đó, cách họ phân chia thương hiệu theo các mức độ khác nhau khiến ngành công nghiệp K-Pop trở nên ganh đua hơn và có sự phân biệt tồi tệ. Điều này ảnh hưởng tới những người hâm mộ luôn dõi theo và muốn trở thành giống thần tượng của mình.