Từ nhân viên nhà máy tới CEO của Chanel: Hành trình cảm hứng của người phụ nữ Ấn Độ "cầm đầu" một đế chế thời trang

Trang nhất các tạp chí thời trang thế giới những ngày qua gọi tên Leena Nair, CEO mới được bổ nhiệm của Chanel. Đằng sau một cuộc chuyển giao quyền lực là những câu chuyện vô tiền khoáng hậu thu hút tâm điểm của làng thời trang quốc tế.

Thế giới thời trang, đặc biệt là ngành hàng thời trang cao cấp, xoay vần quanh những người đàn ông da trắng - đa phần, hoặc đôi khi những người đàn bà toát lên uy quyền cùng vẻ ngoài thời thượng mà những bộ cánh họ khoác lên người luôn là tâm điểm của chú ý. Còn đặc điểm gì chung cho những con người đang dẫn dắt ngành thời trang thế giới? Phần đông họ là những người da trắng, kế nghiệp những di sản thời trang đình đám từ các quốc gia phương Tây.

Thay đổi được những đế chế thời trang như các thành trì khuôn mẫu kiên cố không phải điều đơn giản; những nhà mốt thời trang hàng trăm năm vẫn giữ nguyên những tiêu chuẩn khắt khe, trong cả việc chọn con người. Lịch sử của các thương hiệu hàng đầu thế giới vốn vẫn chuộng các cô nàng người mẫu da sáng, chân dài, mắt xanh, thường ít có đất diễn cho các người mẫu da màu, chưa nói tới một CEO hay một vị trí lãnh đạo chủ chốt.

Từ nhân viên nhà máy tới CEO của Chanel: Hành trình cảm hứng của người phụ nữ Ấn Độ cầm đầu một đế chế thời trang - Ảnh 1.

Chanel đã thay đổi định kiến ấy khi mới đây đưa quyết định bổ nhiệm Leena Nair làm CEO mới. Leena Nair có gì khiến giới thời trang sửng sốt như vậy, và quyết định bổ nhiệm mới này của Chanel tại sao lại khiến công chúng tán dương đến thế?

Leena Nair là một phụ nữ. 

Leena Nair là một phụ nữ da màu gốc Ấn Độ.

Leena Nair là một phụ nữ Ấn Độ và là một "kẻ ngoại đạo" của ngành thời trang xa xỉ. 

Tất cả những điều đó khiến câu chuyện của Leena Nair càng trở nên nổi bật trong làng thời trang thế giới. Trên trang Twitter của mình, bà không giấu được niềm vui mừng và tự hào.

"Tôi thấy tự hào và khiêm nhường khi được bổ nhiệm vai trò Giám đốc điều hành toàn cầu của Chanel, một công ty đáng ngưỡng mộ và nổi tiếng".

Đó là một niềm tự hào chính đáng, không chỉ với Leena Nair. Người dân Ấn Độ có quyền tự hào về bà - đất nước với những CEO thống trị các ngành tài chính, công nghệ nhưng chưa có ai dấn thân vào ngành thời trang. Những người phụ nữ da màu có quyền tự hào về bà - người phụ nữ của rất nhiều lần đầu tiên. Những người đang nỗ lực để bước chân vào ngành thời trang - vốn được coi là nơi không dành cho những kẻ ngoại đạo vốn không có nhiều kinh nghiệm và kiến thức về thời trang, có thể coi bà như một tấm gương để học hỏi.

Từ nhân viên nhà máy tới CEO của Chanel: Hành trình cảm hứng của người phụ nữ Ấn Độ cầm đầu một đế chế thời trang - Ảnh 2.

Người phụ nữ của những lần đầu tiên

Sự nghiệp của Leena Nair được biết đến trước đó với vai trò là Giám đốc nhân sự cấp cao của Công ty Unilever. Tuy nhiên, để hiểu được những nỗ lực vươn lên của một người phụ nữ như Leena Nair, hãy quay lại những năm 1990s khi bà còn là một sinh viên đại học. Không ai biết rằng, Leena Nair từng là sinh viên ngành kỹ thuật. Bà theo học ngành kỹ thuật điện tử và viễn thông tại Walchand College, Ấn Độ. Sau đó, bà tiếp tục theo học ngành MBA tập trung về mảng nhân sự. Ngay sau khi tốt nghiệp, bà đã làm việc tại nhiều nhà máy khác nhau tại Kolkata, Ambattur, Tamil Nadu và Taloja. Leena Nair cũng là người phụ nữ đầu tiên làm ca đêm khi còn Hindustan Unilever Limited (HUL) và là người phụ nữ đầu tiên trong hội đồng quản trị. 

"Tôi đã học được nhiều bài học, về nhà máy và dây chuyền sản xuất, hệ thống quản lý, và tầm quan trọng của nghị lực. Nó đã giúp tôi có được vị thế như ngày hôm nay. Mỗi khi ai đó nói với tôi 'Cái này không làm được bởi vì trước đây chưa ai làm cả' thường khiến tôi hào hứng đáp lại 'Chưa ai làm nó bao giờ? Tuyệt! Vậy cậu thử chia sẻ xem, chúng ta có thể làm nó như thế nào?'".

Từ nhân viên nhà máy tới CEO của Chanel: Hành trình cảm hứng của người phụ nữ Ấn Độ cầm đầu một đế chế thời trang - Ảnh 3.

Ba thập kỷ gắn bó với Hindustan Unilever Limited kể từ khi còn là một thực tập sinh quản trị vào mùa hè năm 1992, Leena đã gia nhập vào công ty ở thời điểm chỉ có 2% nhân viên là nữ giới. Năm 2013, Leena Nair chuyển tới làm việc tại trụ sở chính của Unilever tại London với vị trí Phó chủ tịch chịu trách nhiệm phát triển tổ chức toàn cầu. Vào năm 2016, ở độ tuổi 47, bà trở thành người "phụ nữ đầu tiên và người châu Á đầu tiên, cũng là người trẻ nhất" đảm nhiệm vị trí Giám đốc nhân sự của Unilever (CHRO), vượt qua hơn 150.000 nhân sự khác. Bà cũng là người phụ nữ gốc Ấn thứ hai tiếp quản vị trí CEO của một công ty toàn cầu - trước đó là CEO của Pepsico, bà Indra Nooyi.

Từ giảng đường đại học tới Unilever và cả cho đến khi bước chân vào Chanel, Leena Nair dường như đã quá quen với môi trường nơi nam giới luôn thống lĩnh. Để chứng tỏ năng lực, những người phụ nữ luôn phải gồng mình gấp đôi vì cái bóng của định kiến quá lớn. Thành công của bà ở thời điểm hiện tại khi trở thành CEO của Chanel không phải một điều may mắn hay tình cờ; đó là kết quả của một sự nỗ lực vượt bậc. Bà từng kể:

"Có khoảng 3.000 nam sinh và 18 nữ sinh ở trường kỹ thuật tôi từng học. Bốn năm đó đã khiến tôi trở nên vững vàng hơn, kiên cường hơn và tôi đã học được cách tìm cho mình con đường riêng giữa thế giới được nam giới thống trị".

Từ nhân viên nhà máy tới CEO của Chanel: Hành trình cảm hứng của người phụ nữ Ấn Độ cầm đầu một đế chế thời trang - Ảnh 4.

Con đường ấy đã theo chân bà Leena Nair từ Unilever tới bậc thềm nhà mốt Chanel.

Theo thông báo được Chanel đưa ra, bà Leena Nair sẽ bắt đầu làm việc tại Chanel từ cuối tháng 1/2022 tại London. Trước Leena, hai người phụ nữ khác từng đảm nhiệm vị trí CEO của Chanel là Francoise Montenay và Maureen Chiquet (CEO Chanel từ 2007 đến 2016).

Sự thay đổi trên được đưa ra vào thời điểm ngành hàng thời trang đang chứng kiến những sự chuyển dịch hậu đại dịch. Chanel cho biết, việc bổ nhiệm Leena "sẽ giúp đảm bảo sự thành công lâu dài cho công ty." Tại Chanel, Leena Nair sẽ quản lý khoảng 27.000 nhân viên của Chanel trên toàn cầu.

Trong một bài phỏng vấn trên Harper's Bazaar, bà đã từng nói:

"Là người phụ nữ đầu tiên trong tất cả mọi công việc tôi từng làm có nghĩa rằng tôi phải hiểu rõ ràng về công việc vốn dĩ được tạo ra cho một ai đó chứ không phải mình. Tôi luôn nói rằng, 'Chúng ta ở trong cùng một cơn bão nhưng không ngồi cùng thuyền'. Những kinh nghiệm tích lũy được khiến tôi nhận ra mong muốn của bản thân trong việc tạo nên một môi trường công việc cho bất cứ ai, đáp ứng nhu cầu của mỗi cá nhân".

Từ nhân viên nhà máy tới CEO của Chanel: Hành trình cảm hứng của người phụ nữ Ấn Độ cầm đầu một đế chế thời trang - Ảnh 5.

Phát triển một công ty vững mạnh là điều mà mọi CEO sẽ phải làm. Nhưng "sứ mệnh" của bà Leena Nair không chỉ dừng lại ở đó. Sự xuất hiện của bà tại Chanel sẽ xóa tan những định kiến về phụ nữ nói chung và phụ nữ da màu nói riêng, thu hẹp dần khoảng cách của bất bình đẳng trong môi trường công sở thông qua các chính sách bà đã từng áp dụng rất thành công tại Unilever và trở thành một hình mẫu để nhiều người phụ nữ khác trên thế giới noi theo.

Bà Leena Nair đang đứng trước bậc thềm của Chanel và hàng triệu phụ nữ khác cũng đang đứng trước bậc thềm của niềm tự hào và hy vọng cho một hành trình dài phía trước.

Ảnh: Internet