Giả sử trên đời có 1001 câu hỏi bắt đầu bằng "Tại sao?" thì chắc chắn sẽ có bao hàm một câu: "Tại sao đồ mặc ở shop đẹp mà mua về lại gây thất vọng thế?". Thắc mắc vốn dĩ không mới nhưng lại chẳng cũ bởi hầu như năm nào, tháng nào và thậm chí ngày nào cũng có người vướng phải sau khi đi mua quần áo thì cũ sao được! Vậy thì tại sao lại thế mà vì sao lại thế?
"Gương nịnh"
"Gương nịnh" là khái niệm có từ lâu nhưng dám chắc chẳng mấy ai hiểu đây là gì. Hiểu nôm na đây là những chiếc gương này giúp mọi người mặc đồ vào trông đẹp hơn, thấy mình thon thả, chân dài hơn, tỷ lệ cơ thể hoàn mỹ hơn, da trắng sáng hơn,... nói chung soi vào là thấy một phiên bản của chính mình nhưng như... bước ra từ app.
Kiểu "gương nịnh" là món "vũ khí" ngầm của rất nhiều shop thời trang
Kỳ thực không có phép thuật Winx hay bí mật nhiệm màu nào nằm ở chiếc gương này cả, chúng đơn giản là tạo ra ảo giác quang học có tên gọi là Skinny Mirror. Nhờ đó, khi soi vào chiếc gương này, bạn thường thấy mình gầy hơn từ 2 - 4,5kg so với thực tế. Loại gương này được thiết kế với kiểu màn hình cong và có độ sắc nét cao, khiến người xem có cảm giác mình xinh đẹp và hình thể hoàn hảo hơn nhiều.
Sức mạnh của chiếc gương này từng được phản ánh cả trong truyện Doraemon
Theo Tiến sĩ Ken Mellendorf - Giáo sư Vật Lý thuộc trường cao đẳng cộng đồng Illinois, những chiếc gương bình thường được thiết kế mặt phẳng, chúng sẽ hoàn toàn phản chiếu ra hình ảnh và kích cỡ giống với thực tế. Tuy nhiên, nếu gương có cong nhẹ một chút theo trục dọc từ trên xuống dưới thì sẽ khác và nó sẽ đánh lừa thị giác của mọi người. Đó cũng là lý do vì sao khi bạn mặc thử ở shop thì thấy mình rất đẹp còn khi về nhà thì không.
Ánh sáng vàng
Nếu bạn để ý thì sẽ thấy, trong các cửa hàng quần áo thường lắp đặt rất nhiều bóng đèn điện. Tuy nhiên, chúng thường là kiểu bóng đèn cho ra ánh sáng màu vàng bởi đây là màu sắc giúp các vật thể trong không gian shop trở nên sống động và bắt mắt hơn.
Inna - một blogger thời trang người Nga đã làm một cuộc thử nghiệm để chứng minh hiệu quả của đèn vàng tại nhiều phòng thay đồ ở các cửa hàng thời trang khác nhau. Tại Zara, ánh sáng vàng đổ bóng khiến cơ thể như được... contour, thôi thúc khách mua thêm hàng hoá
Ở phòng thay đồ của H&M, ánh sáng vàng khiến Inna trở nên tươi tắn hơn hẳn ánh sáng trắng
Ở phòng thay đồ của Promod, background đỏ phía sau kết hợp ánh sáng vàng thậm chí còn khiến cô hồng hào hơn
Cũng nhờ ánh sáng vàng kết hợp với background của phòng thay đồ mà quần áo, giày dép trở nên càng bắt mắt, càng khiến các "thượng đế" dễ thấy hài lòng khi mua đồ. Tất nhiên sau khi thanh toán và về nhà, cảm giác chưng hửng khi ngắm chính mình dưới ánh đèn trắng rất dễ xảy đến với các nàng.
Quy tắc "một chiếc"
Quy tắc "một chiếc" được hiểu nôm na là thay vì bày hàng la liệt như ngoài chợ, các shop và đặc biệt là store thời trang cao cấp sẽ chỉ bày mỗi kiểu một chiếc, nhất là với những món hàng đang hot. Điều này vô hình trung tạo cảm giác khan hiếm cho sản phẩm và kích cầu tiêu dùng. Ngoài ra, cách bày đồ này cũng giúp tiết kiệm không gian, nhất là với những cửa hàng có diện tích nhỏ hẹp.
Rất nhiều store/boutique của các hãng thời trang đều sử dụng phương pháp "một chiếc" để tạo cảm giác khan hiếm cho sản phẩm, đồng thời không gây cảm giác "ngộp" cho quầy hàng
Không đặt gương trong phòng thử đồ
Thực tế, vẫn có nhiều shop quần áo không đặt gương tại phòng thử đồ bởi nếu đặt gương trong đó, khách hàng sẽ đứng ngắm quá lâu và chiếm chỗ thay đồ của người khác. Bên cạnh đó, khi bạn ra ngoài để ngắm thì cũng sẽ ngắm vội vàng hơn, không có để ý tới tất cả đường kim mũi chỉ. Đây là một mánh khoé mà nhiều cửa hàng áp dụng nhằm che mắt "thượng đế", không để họ nhận ra lỗi sản phẩm ngay từ khi còn ở cửa hàng.
Có shop còn "chơi chiêu" hạ vách ngăn phòng thử đồ để khách hàng e ngại, không dám nán lại quá lâu mà "super soi" lỗi sản phẩm
Ảnh: Sưu tầm