Với những ai đam mê nước hoa và là các tín đồ của nước hoa niche thì Le Labo rõ là lựa chọn không thể hoàn hảo hơn, "chất" từ mùi hương đến phong cách. Theo đó mỗi chai chỉ được pha phế khi có khách order và mang dấu ấn cá nhân của người sở hữu nhờ vào việc in tên trên nhãn giấy. Có lẽ, chính nhờ ý tưởng pha chế nước hoa trong không gian phòng thí nghiệm độc đáo chưa từng có nên Le Labo gây chú ý đặc biệt với giới yêu mùi hương, nhưng cũng đồng thời tạo cảm hứng để một thương hiệu khác tại Việt Nam "nhái" theo từ A đến Z.
Không khó nhận ra, không gian phòng thì nghiệm trứ danh của Le Labo (phải) được một thương hiệu nước hoa "trẻ măng" vừa ra đời tại Sài Gòn vào nửa cuối năm 2019 (trái) tham khảo y hệt, giống từ tinh thần, concept thiết kế, nội thất cửa hàng, đến mức nếu nhìn thoáng qua thì có thể nhận nhầm là một store Le Labo nào đó.
Tất nhiên, chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó khi thương hiệu Việt quyết "học hỏi" đến cùng để tạo ra những chai nước hoa hao hao Le Labo từ hình dáng chai cho đến nhãn dán cũng như cách đặt tên. Một phần cũng vì thiết kế của dòng nước hoa đến từ New York khá đơn giản nên nếu muốn bắt chước cũng không quá khó khăn. Cả hai dòng nước hoa khác xuất xứ đều có chung diện mạo là lọ thủy tinh trong suốt với nắp bạc, thân chai được dán giấy trắng in tên nguyên liệu + số nguyên liệu, ngày sản xuất, dung tích và tên người sở hữu.
Thậm chí dòng chữ in trên nhãn chai nước hoa cũng là font chữ đánh máy gợi liên tưởng ngay đến sản phẩm của Le Labo. Chính sự giống nhau từ đầu chí cuối khá trắng trợn nên thương hiệu Việt khiến không ít dân sành nước hoa thấy phản cảm.
Quan sát nhãn của chai nước hoa hàng Việt, lỗi to đùng đập vào mắt chính là dòng chữ "Eau de Perfume". Từ "eau de" vốn là tiếng Pháp lại được ghép cùng từ tiếng Anh "perfume" trong khi đúng ra phải là "Eau de Parfum". Cách viết nửa Pháp nửa Anh lạc quẻ phần nào cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp của thương hiệu này.
Chưa hết, style chụp ảnh của thương hiệu nước hoa tự pha chế tại Việt Nam không khác Le Labo điểm nào. Nếu bạn muốn tìm một chút sáng tạo nào trong đây thì e là khó như mò kim đáy bể.
Thương hiệu Việt (trái) gần như copy nguyên si hình ảnh của Le Labo (phải).
Dĩ nhiên sản phẩm na ná thì khó mà "chất" được bằng "bản gốc". Bởi trên nhãn dán chai nước hoa của thương hiệu này không trực tiếp in tên khách hàng chuẩn như Le Labo mà thay vào đó là sử dụng phương pháp viết tay thủ công.
Có lẽ điểm "sáng" duy nhất mà thương hiệu có thể thuyết phục khách hàng lựa chọn nước hoa tự pha chế ở cửa hàng chính là mức giá bán rẻ hơn gần 3 lần so với Le Labo. Được biết, mỗi chai nước hoa 50ml tại đây có giá 1,5 triệu, trong khi đó nước hoa Le Labo 50ml giá khoảng 4,4 triệu đồng.
Tựu trung, không bàn đến chất lượng mùi hương, nhưng chỉ riêng việc "copy" chất xám từ một thương hiệu tên tuổi, được yêu thích như Le Labo là đã đủ để nhiều tín đồ nước hoa mất cảm tình từ cái nhìn đầu tiên với nhãn hàng nước hoa pha chế Việt.
Thăm dò ý kiến
Bạn nghĩ sao về dòng nước hoa Việt giống Le Labo?
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.