Song hành cùng niềm vui, hân hoan khi mỗi độ Tết đến xuân về là những mối lo toan, nên đây là thời điểm rất dễ xảy ra các xung đột, nhất là với những cặp vợ chồng trẻ mới cưới. Nếu không sớm được giải quyết, mâu thuẫn có thể kéo dài khiến vợ chồng mất Tết.
Dưới đây là 4 xung đột vợ chồng thường gặp nhất vào ngày Tết và cách hóa giải.
1. Đón Tết ở đâu
Không ít cặp vợ chồng xảy ra xung đột chỉ vì không biết Tết này nên ăn Tết ở đâu, bên nội hay bên ngoại, ở lại nhà trên thành phố hay đi du lịch. Vấn đề này nghe có vẻ đơn giản nhưng không hề giản đơn chút nào.
Để tránh xung đột về vấn đề này, các cặp vợ chồng nên chia thời gian cho cả hai bên nội ngoại. Có thể năm nay mùng 1 Tết nội, mùng 2 Tết ngoại hoặc năm sau đổi ngược lại. Nếu hai quê quá xa, không thể sắp xếp thời gian đi lại được, hãy ăn Tết ở một nơi, năm sau thì đổi lại.
Còn nếu không còn vướng bận gì quá nhiều, gia đình bạn có thể đi du lịch cũng là một ý hay. Nói chung, hai vợ chồng nên bình tĩnh, cùng nhau thảo luận, nói ra những mong muốn của mình trong ngày lễ một cách thật thà nhất và xem liệu cả hai có thể thỏa hiệp được với nhau hay không.
(Ảnh minh họa)
2. Tiền bạc
Tết là một trong những thời điểm phải dùng tới nhiều tiền nhất với vô số khoản phải chi chẳng hạn như sắm Tết, chi phí đi lại, biếu Tết đôi bên, lì xì,… Nếu không có sự chuẩn bị sớm về tài chính cũng như kế hoạch chi tiêu rõ ràng thì vợ chồng có thể nảy sinh xung đột và mất Tết.
Vì vậy, tốt hơn hết các cặp vợ chồng nên trung thực với nhau về các khoản lương thưởng để từ đó lập ra kế hoạch chi tiêu. Hai vợ chồng cần thống nhất với nhau việc biếu Tết hai bên thế nào, lì xì ra sao,… cho hợp lý.
Bên cạnh đó, để lương thưởng cuối năm không phải gánh tất cả chi phí trong dịp Tết, mỗi tháng trước đó hai vợ chồng cần tiết kiệm một chút, đồng thời bạn có thể chọn những mặt hàng bán giảm giá trong dịp Tết hoặc tự mình làm đồ ăn, đồ trang trí nhà cửa,… để giảm chi. Đừng để mình lâm vào cảnh rỗng túi sau kỳ nghỉ Tết, nếu không khi cạn tiền, xung đột vợ chồng cũng có thể nảy sinh đấy.
3. Phân công lao động
Tết đến có ti tỉ thứ việc cần phải làm, nào là con cái, việc dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị Tết, sắp cỗ cúng,… Nếu vợ chồng tị nạnh nhau trong công việc thì rất dễ xảy ra cãi vã, khi đó việc làm không hiệu quả mà vợ chồng lại bất hòa.
Hai vợ chồng nên cùng nhau lập ra danh sách những gì cần làm, xác định trách nhiệm cho từng người một khi chuẩn bị Tết. Chẳng hạn như vợ đi chợ búa thì chồng ở nhà dọn dẹp nhà cửa, mỗi người một việc thì việc nhà sẽ không còn là nỗi ám ảnh ngày Tết nữa. Hơn nữa, cùng nhau làm việc nhà còn giúp vợ chồng gắn kết tình cảm hơn vì có thời gian trò chuyện nhiều hơn.
(Ảnh minh họa)
4. Quà tặng, quà biếu
Ai sẽ là người được tặng quà, tặng quà gì,… cũng có thể trở thành nguyên nhân khiến vợ chồng xảy ra tranh cãi nếu không tìm được tiếng nói chung. Chìa khóa để tránh xung đột về quà tặng, quà biếu Tết là hai vợ chồng cần trao đổi thẳng thắn với nhau, đồng thời lên dự kiến chi phí chi cho biếu quà ngày Tết.