“Cuộc chiến” Tết nội – Tết ngoại và cách hóa giải mâu thuẫn

Khi vợ chồng hoà thuận, gắn kết thì ăn Tết ở đâu không còn là việc khó sắp xếp.

“Cuộc chiến” Tết nội – Tết ngoại và cách hóa giải mâu thuẫn - 1

Niềm vui sum vầy ngày Tết là điều ai cũng mong muốn (ảnh minh hoạ)

Tết nội – Tết ngoại trở thành nguyên nhân “đại chiến” của nhiều cặp vợ chồng mỗi dịp Tết đến xuân về nhưng không phải cặp đôi nào cũng gặp khúc mắc trong chuyện này. Có những gia đình, dù chồng là con trai độc đinh, vợ là con gái duy nhất vẫn có thể sắp xếp chu toàn Tết nội – Tết ngoại.

Nhà văn Hoàng Anh Tú (anh Chánh Văn) từng chia sẻ, chuyện Tết nội - Tết ngoại vốn không có gì ầm ĩ nếu chồng biết thương vợ và người vợ biết hiểu chồng. “Người chồng nào cũng sẽ biết ơn vợ nếu nhờ có sự tháo vát của vợ mà bố mẹ chồng mát mày mát mặt. Người vợ nào cũng hãnh diện về chồng nếu như có ông chồng tâm lý, chăm lo Tết nhà vợ”, anh Tú nói. Đó tưởng như là một lời khuyên chung chung, có phần sáo rỗng thế nhưng, lại là “chìa khoá” để hoá giải khúc mắc “ăn Tết bên nội hay bên ngoại”.

Chị Lê Thuỷ (40 tuổi) đã có 15 năm bước vào hôn nhân. Vợ chồng chị cũng có đôi lần mất Tết vì “cuộc chiến” Tết nội – Tết ngoại nhưng 10 năm nay, không có cuộc cãi vã nào về chủ đề này xảy ra trong ngôi nhà chị. Bởi lẽ, vợ chồng chị đã biết đặt ở vị trí của nhau để suy nghĩ và quyết định.

“Nhà nội – nhà ngoại tôi cách nhau gần 200 cây số, vợ chồng tôi cùng con cái sống ở Hà Nội. Thời gian đầu, tôi một mực ăn Tết nội ngoại luân phiên, năm nay ăn Tết bên nội thì năm sau phải đón giao thừa bên ngoại. Chồng tôi dĩ nhiên không đồng ý vì anh ấy là con trai trưởng, các chị em gái ăn lo Tết nhà chồng, anh ấy không thể để bố mẹ già lủi thủi ăn Tết với nhau. Tôi biết suy nghĩ đó là chính đáng nhưng vẫn không phục bởi, tôi cũng có bố mẹ, nhà tôi lại toàn chị em gái. Sau này, vợ chồng tôi ngồi lại với nhau và dàn xếp ổn thoả chuyện này”, chị chia sẻ.

Vợ chồng chị Thuỷ không có lịch trình cụ thể cho mỗi dịp Tết mà tuỳ vào hoàn cảnh của từng năm để sắp xếp. Thông thường, mỗi năm vợ chồng chị sẽ chọn một ngày trước Tết để về quê ngoại lễ lạt và sắm sửa Tết cho ông bà. Ngày 29, 30, mùng 1, chị sẽ lo Tết chu toàn bên nhà chồng và sáng mùng 2, chị cùng chồng con về bên ngoại cho đến ngày ra Hà Nội. Nhưng nếu năm nào đó bên nội hay bên ngoại có việc đột xuất, vợ chồng chị sẽ ưu tiên bên đó hơn.

Dẫu biết, ai cũng muốn ngày Tết được sum vầy bên bố mẹ, anh em ruột thịt nhưng theo chị Thuỷ, phải biết nghĩ cho nhau thì vợ chồng mới hoà thuận.

“Nếu một trong hai người hoặc cả hai vợ chồng đều ích kỷ, chỉ nghĩ cho bên nhà mình thì cuộc chiến Tết nội – Tết ngoại không bao giờ chấm dứt. Thậm chí, nếu chuyện bị đẩy lên cao trào thì còn mất Tết. Chồng không thể gia trưởng, lúc nào cũng phải Tết nội trước, Tết ngoại sau mà vợ cũng không được ngang bướng bỏ Tết nhà chồng để về nhà mình”, chị Thuỷ chia sẻ.

“Cuộc chiến” Tết nội – Tết ngoại và cách hóa giải mâu thuẫn - 2

Vợ chồng biết thông cảm cho nhau thì Tết nội - Tết ngoại không còn là cuộc chiến (ảnh minh hoạ)

Lấy chồng xa hàng trăm cây số, chị Hương Quỳnh (35 tuổi) hiểu rõ hơn ai hết nỗi xót xa khi không được về nhà ăn Tết của chị em phụ nữ. Chị Quỳnh may mắn có chồng và nhà chồng tâm lý, việc về ngoại ăn Tết không gặp chướng ngại. Nhưng vì nhiều nguyên nhân khác như con nhỏ, đau ốm, kinh tế hạn hẹp… mà có những năm chị không thể về bên bố mẹ ngày Tết.

Chị đưa ra gợi ý, những trường hợp lấy vợ, lấy chồng xa vài trăm cây số nên ăn Tết nội – ngoại luân phiên để hai bên gia đình đỡ chạnh lòng. Người chồng gạt bỏ được sự gia trưởng, hiểu cho tâm lý của vợ thì sẽ chẳng có cuộc cãi vã nào xảy ra. Còn nếu hai bên gia đình chỉ cách nhau khoảng 200 cây số đổ lại thì vợ chồng chịu khó đón Tết ở cả hai nơi, thời gian bố trí sao cho phù hợp với hoàn cảnh là ổn.

“Chị em chúng mình đừng quá quan trọng thời khắc giao thừa. Chỉ cần được về bên bố mẹ thì mùng 2, mùng 3 cũng vẫn là Tết. Quan trọng nhất là chúng ta phải biết gây dựng niềm vui, đón Tết bên nội thì vui với chồng con, với gia đình chồng, đón Tết bên ngoại cũng vậy. Đừng để chuyện Tết nội – Tết ngoại trở thành gánh nặng để rồi Tết mất đi niềm vui sum vầy”, chị chia sẻ.

Là đàn ông nhưng anh Trần Vương (37 tuổi) không hề có suy nghĩ “Tết nội trước, Tết ngoại sau”. Anh quan điểm, bố mẹ nào cũng là bố mẹ nên không thể áp đặt vợ phải chu toàn Tết bên nhà nội xong xuôi mới được về nhà mình đón Tết.

6 năm kết hôn thì 4 năm anh đưa vợ con về quê ngoại đón Tết từ hôm 30. Anh kể rõ hơn về hoàn cảnh gia đình mình: “Vợ chồng tôi ở riêng nhưng đi chừng 30 phút là về đến nhà nội, còn nhà ngoại thì phải ba tiếng. Hằng năm, vợ chồng tôi về nội rất nhiều, còn về ngoại thì chỉ mấy dịp lễ được nghỉ dài ngày. Do vậy, ngày Tết tôi ưu tiên nhà vợ. Trước 28 Tết, vợ chồng tôi về sắm sửa Tết chu toàn cho hai ông bà, để các em, các cháu về bố mẹ tiếp khách. Sau đó, hai vợ chồng cùng con cái khởi hành về ngoại ăn Tết, đến mùng 3 lại quay về nhà nội nghỉ ngơi cho đến khi về nhà riêng. Bố mẹ tôi còn 2 người con trai nữa, trong khi vợ là con gái độc nhất nên bố mẹ tôi cũng không phàn nàn về chuyện tôi để vợ về ngoại ăn Tết”.

Anh không áp đặt người đàn ông nào cũng phải hành xử như mình bởi, mỗi gia đình có một hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên, anh nhận thấy, muốn gia đình yên ấm thì vợ chồng phải đặt vào hoàn cảnh của nhau để thông cảm.

“Nhà nội đón Tết một mình buồn thì nhà ngoại cũng vậy thôi và ngược lại. Chị em phụ nữ cũng phải hiểu cho hoàn cảnh của chồng, đừng đẩy chồng vào hoàn cảnh khó xử. Nhưng theo tôi thấy, trong cuộc chiến này, chồng là người nắm chìa khoá hoá giải. Chỉ cần các anh bao dung, nghĩ cho vợ một chút là êm thấm ngay”, anh Vương nói.

Khi vợ chồng hoà thuận, gắn kết thì ăn Tết ở đâu không còn là việc khó sắp xếp. Hơn nữa, ngoài việc ăn Tết cùng bố mẹ, vợ chồng đừng quên còn một gia đình nhỏ cần vun vén, sắp xếp để con cái có được cái Tết trọn niềm vui.