Ảnh minh họa
Trong 5 năm nghiên cứu về cách nuôi dạy con của những người thành công, tiến sĩ Kumar Mehta - tác giả của những cuốn sách nổi tiếng về nuôi dạy trẻ thành công - phát hiện hầu hết những người xuất chúng đều được cha mẹ tạo ra môi trường để khuyến khích họ phát triển một cách mạnh mẽ.
1. Luôn luôn lắng nghe con nói
Những đứa trẻ rất nhạy cảm với cảm xúc của người lớn. Đừng bao giờ nghĩ rằng con còn nhỏ chưa "đủ tinh tế" để nhận ra rằng bạn đang chăm chú lắng nghe hay chỉ "trả lời cho có" khi con bạn kể về món đồ chơi yêu thích của con hoặc về bạn cùng lớp mới của mình.
Những đứa trẻ sẽ hạnh phúc hơn khi biết rằng bố mẹ đang quan tâm đến cảm xúc của chúng. Điều đó sẽ giúp làm tăng sự tự tin cho con và đồng thời nó như một sợi dây vô hình kết nối giữa cha mẹ và con cái.
2. Dành thời gian chất lượng cho con
Các bố mẹ hiện đại đều có lịch bận rộn. Khi cảm thấy mệt, nhiều người bật TV cho con xem để mình khỏi bị quấy rầy. Nhưng có những hoạt động khiến cả con cái lẫn bố mẹ đều vui. Trẻ sẽ quên ngay những thứ bạn mua cho nhưng sẽ nhớ mãi thời gian bạn cùng chung chia sẻ với chúng.
Chẳng hạn, khoa học đã chứng minh những trẻ gắn bó với cha sau này sẽ xây dựng được các mối quan hệ thân thiết và hạnh phúc.
3. Để trẻ làm việc nhà
Đừng nghĩ trẻ con có làm hay không làm việc nhà cũng chẳng sao. Một đứa trẻ đã lười biếng, không chịu làm việc khi còn nhỏ. Thử hỏi nó có thể trở thành một người chăm chỉ khi lớn lên được hay không?
Nếu như cha mẹ cứ mãi làm hộ con việc nhà, cha mẹ không chỉ làm hạ thấp chỉ số hạnh phúc của con, mà còn dung túng cho những thói hư tật xấu của trẻ. Đứa trẻ đó sẽ trở thành những cậu ấm cô chiêu yếu ớt. Sự bao bọc quá mức của cha mẹ đã hại một đời con.
Cha mẹ cần phải tập rèn cho con những thói quen tốt ngay từ khi con bé. Chia sẻ công việc nhà với cha mẹ chính là một trong những thói quen đó. Điều này vừa giúp tăng tính tự giác của trẻ nhỏ, cũng như hình thành đức tính chăm chỉ, yêu lao động trong con. Điều này cũng rất có ích cho quá trình học tập, làm việc và sinh sống của con sau này.
4. Thúc đẩy con chơi theo sở trường
Thần đồng cờ vua Magnus Carlsen, người Na Uy có khả năng độc đáo là vô cùng kiên nhẫn giải các câu đố và cấu trúc Lego phức tạp từ khi còn nhỏ. Cha của Carlsen nghĩ những kỹ năng này sẽ rất có ích cho cờ vua, vì thế đã giới thiệu trò này đến con. Đó là bước đệm đưa Carlsen đến các giải đấu cờ vua và thành công sau này.
Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có kỹ năng nổi trội hơn trong một số lĩnh vực so với trẻ khác. Có trẻ mạnh về không gian, như khả năng suy nghĩ trừu tượng và đa chiều. Hoặc có trẻ có năng khiếu về toán học và có thể phân tích các vấn đề một cách logic, khoa học... Là cha mẹ, luôn để ý năng khiếu bẩm sinh của con và giúp con phát triển dựa trên tài năng bẩm sinh này.
5. Khen ngợi nỗ lực của con
Tiến sĩ Bob Murray, tác giả của cuốn sách "Raising an Optimistic Child" (Nuôi dưỡng một đứa trẻ lạc quan", từng khẳng định: "Hạnh phúc phụ thuộc phần lớn vào cảm giác rằng những gì chúng ta đã làm được người khác đánh giá tốt".
Vì vậy, cách tốt nhất là bố mẹ nên tập trung vào điểm mạnh của con và khen ngợi kịp thời những nỗ lực của chúng, điều đó sẽ làm cho chúng cảm thấy có giá trị và định hướng.
6. Khuyến khích sự tự tin
Giúp con xây dựng sự tự tin sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn sau này trong cuộc sống. Nó khuyến khích họ ước mơ lớn và ngăn không bỏ cuộc sau những thất bại. Ngay cả khi còn là những đứa trẻ, hãy luôn tin những thành tích xuất sắc nằm trong tầm tay và không chỉ dành riêng cho những người mà chúng ta nhìn thấy trên TV hoặc đọc trên tin tức.
Khi cha mẹ khuyến khích sự tự tin thay vì chỉ trích và hạ thấp thì có nhiều khả năng con sẽ đạt được thành tích cao nhất. Sự tự tin này - hay niềm tin vững chắc rằng con có thể là người giỏi nhất - là chìa khóa để đạt được sự vĩ đại.
7. Đừng để con "dán mắt" vào tivi, điện thoại
Nghe có vẻ chẳng liên quan nhưng nghiên cứu của các nhà khoa học chỉ ra rằng có mối liên hệ mạnh mẽ giữa hạnh phúc và việc không xem tivi quá nhiều.
Vậy nên bố mẹ hãy khuyến khích con thường xuyên tập thể dục, thể thao để giải phóng endorphin (hormon kích thích cảm giác hạnh phúc) và thúc đẩy cảm xúc tích cực.
Ảnh minh họa
8. Giúp con phát triển kỹ năng giao tiếp
Các nhà khoa học tại Đại học Pennsylvania và Đại học Duke đã nghiên cứu 700 trẻ cho tới lúc 25 tuổi. Hóa ra những trẻ mẫu giáo đã biết hòa đồng, hợp tác với bạn bè thì có tỷ lệ đỗ đại học và có việc làm cao hơn. Những người gặp vấn đề về giao tiếp có nhiều nguy cơ trở thành tội phạm hay nghiện rượu hơn.
9. Đừng can thiệp vào chuyện con có thể làm
Nhà giáo dục Sukhomlynsky từng nói: "Hãy để con tự làm những chuyện cần làm trong khi trưởng thành. Hãy cho con một môi trường tự do để phát triển, để giúp con không ngừng lớn khôn".
Cha mẹ cần phải tập cho con tính tự giác. Cha mẹ cần phải để con tự làm những chuyện trong khả năng của chúng, ngay cả khi con có thể đem đến nhiều phiền phức cho cha mẹ đi chăng nữa. Phải để con tự làm, bởi con chỉ có thể khôn lớn khi con tự làm được những việc đó.