21h ngày 25/2, sau khi tiếng loa nhạc của đám cưới vàng được tắt, ông Nguyễn Ngọc Linh, 75 tuổi và bà Phan Thị Lan, 70 tuổi, ở xóm Yên Phú, xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn lại tất bật cùng các con dọn dẹp đồ đạc, sắp xếp lại bàn ghế để nghỉ ngơi.
"Dù đã có với nhau 8 người con, hơn 20 cháu chắt cảm xúc của tôi vẫn hồi hồi, xúc động như thời trẻ. Cầm tay và hôn má vợ mà vẫn thấy run run", ông Linh kể.
Vợ chồng ông Linh chụp ảnh lưu niệm với người thân tại tiệc cưới. Ảnh gia đình cung cấp
Gia đình ông Linh và bà Lan lên miền Tây Nghệ An khai hoang, lập nghiệp năm 1965, dựng nhà cách nhau khoảng 20 m. Ở tuổi 23, chàng trai trẻ cảm mến cô thiếu nữ hàng xóm tên Lan xinh đẹp, hiền thục nên quyết tâm chinh phục. Cô gái nhận lời yêu lúc 17 tuổi nhưng phải hai năm sau mới đồng ý về làm vợ.
Ông Linh kể, ngày trước gia đình đông con (8 người), kinh tế eo hẹp nên chỉ tổ chức hôn lễ đơn sơ, mâm cỗ chủ yếu là rau, món chủ đạo là sắn độn cơm. Cưới xong, hai vợ chồng ra ở riêng, được họ hàng, làng xóm tới giúp đỡ làm nhà tạm, sắm cho ít vật dụng để làm nghề nông.
Bà Lan trải qua 8 lần sinh nở, với 5 trai, 3 gái, cứ hai năm lại vượt cạn một lần. Tám người con làm nhiều nghề như giáo viên, kinh doanh tự do. Con trai cả của họ nay đã năm 50 tuổi. Tuổi trẻ của ông bà là những lần di cư qua nhiều nơi như TP HCM, TP Vinh rồi các huyện Quỳ Hợp, Hưng Nguyên của tỉnh Nghệ An.
Giữa năm 2023, người con gái đang sống ở TP HCM mời bố mẹ vào chơi, đưa đi du lịch Đồng bằng sông Cửu Long. Ông Linh nói với vợ "giống như đi tuần trăng mặt". Bà Lan nghe xong cười nói: "Ngày xưa cưới có biết trăng mật là gì đâu, nhà gần nhau nên xe hoa cũng chẳng được ngồi". Sau vài giây suy nghĩ, ông Linh nói "mình tổ chức lại đám cưới nhé", bà Lan chưa kịp gật đầu thì cô con gái bảo "bọn con ủng hộ hai tay".
Trở về quê, ông Linh và bà Lan lên kế hoạch tổ chức lại đám cưới ở tuổi 75, chọn ngày 25/2 trùng với ngày hôn lễ 50 năm trước. Dù các con đề nghị được đóng góp kinh phí nhưng vợ chồng ông Linh nhất quyết từ chối.
Ông Linh tiết lộ, vợ chồng trích khoảng 40 triệu để mua thực phẩm, thuê dựng rạp, âm thanh, ánh sáng, ôtô rước dâu. Khách mời chủ yếu là con cháu, họ hàng cùng một số bạn bè thân thiết. Khi mời khách, ông Linh ra điều kiện là "mâm cỗ miễn phí, không nhận phong bì, ai mừng sẽ trả lại".
Không cho con cháu góp tiền nhưng ông Linh yêu cầu họ cùng chung sức làm 30 mâm cỗ. Ông mua một con bê sữa 35 kg, một con lợn rừng 40 kg, 40 con gà, tất cả đều được nướng bằng than, khi chín thì cắt đều trải lên lá chuối, bỏ mỗi mâm vài bát nước chấm để khách mời thưởng thức.
"Đây là những món ngày thường gia đình hay chế biến, nên tôi áp dụng cho đám cưới. Rất vui vì ai cũng khen các món ăn độc lạ và rất ngon, thưởng thức hết", cụ ông cho hay.
50 năm trước, hai vợ chồng nhà cách nhau 20 m nên lúc rước dâu chỉ đi bộ vài phút. Hôm qua, ông Linh thuê riêng xe đón dâu để rước bà Lan từ nhà mẹ vợ cách đó 5 km. Bố mẹ ông Linh đã mất, bố vợ cũng vậy nên lúc ông đến "xin dâu" chỉ có mẹ vợ 90 tuổi.
Cầm tay vợ tiến vào hôn trường, ông Linh mặc bộ vest màu trắng, bà Lan diện áo dài màu xanh sẫm, nở nụ cười tươi sánh vai chồng trong tiếng vỗ tay, reo hò của các con, cháu, chắt, họ hàng, bạn bè.
Vợ chồng ông Linh chụp ảnh kỷ niệm cùng các con, cháu, chắt trong ngày cưới. Ảnh gia đình cung cấp
Bà Lan nói rất vui khi mọi người khen hai vợ chồng "vẫn trẻ như thời xuân sắc". Hôm qua bà thay bốn bộ áo dài để chuẩn bị cho các phần lễ, mỗi khi bước ra sân khấu đều thu hút mọi ánh nhìn, ai cũng khen đẹp. Biết ông bà không nhận phong bì, mọi người chuẩn bị sẵn nhiều bó hoa cầm lên tặng, chụp hình lưu niệm sau đó cùng hát hò nhảy múa đến khi tàn cuộc.
"Vợ chồng rất hài lòng vì đã thực hiện được dự định ấp ủ bấy lâu. Đây là ngày con cháu đoàn tụ đông đủ nhất, dù ở xa hay gần đều không vắng mặt. Nếu trời cho khỏe mạnh, có thể 10 năm sau vợ chồng tôi sẽ khiến mọi người có dịp trầm trồ tiếp, lần này gọi là đám cưới kim cương cũng được", ông Linh cười nói.