Bám theo ôtô chồng chở bồ nhí để đánh ghen và cái kết bi kịch

Khi không còn tình yêu, không còn có thể tiếp tục gắn bó với nhau được nữa thì hãy buông tay, đừng để ghen tuông đánh mất lý trí dẫn đến những kết cục buồn.
Chia sẻ

Bám theo ôtô chồng chở bồ nhí để đánh ghen và cái kết bi kịch - 1

Ảnh minh hoạ

Một đoạn video ghi lại cảnh một người phụ nữ cố đu bám vào tay nắm cửa ôtô nhưng vấp ngã và bị cuốn vào bánh xe tử vong đã được công bố trên Whatsonweibo. Sự việc xảy ra ở Nantou, thành phố Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Đoạn video cho thấy khi tài xế chiếc Mercedes, một người đàn ông 46 tuổi, đang giảm tốc độ trên đoạn đường hẹp thì cô vợ 44 tuổi của ông ta chạy tới. Sau khi nhìn thấy bồ nhí của chồng ngồi ở ghế trước, người vợ tức giận, vừa chạy theo xe,vừa cố mở cửa ôtô. Tuy nhiên, cô nhân tình đã kịp khóa lại.

Sợ bị vợ đánh ghen, ông chồng lúc này cuống cuồng nhấn ga tăng tốc, khiến người vợ bị kéo theo trong khi vẫn đang nắm chặt lấy tay nắm cửa ôtô. Cô cố chạy theo nhưng bị vấp ngã và bị cuốn vào bánh xe. Nạn nhân sau đó ngã ra đường, bất tỉnh.

Theo truyền thông Trung Quốc, những người chứng kiến đã gọi xe cấp cứu tới hiện trường nhưng đã quá muộn. Người vợ qua đời do bị chính chiếc Mercedez của chồng nghiến lên người. Ông chồng, giám đốc điều hành của một công ty sơn địa phương, sau đó đã tới sở cảnh sát để đầu thú.

Đàn bà có nên bất chấp tất cả để đánh ghen?

Đánh ghen - cuộc "rửa hận" giữa những người chồng, người vợ, người tình, thường có một điểm gặp gỡ chung: nạn nhân là đàn bà.

Ghen là cảm xúc, là phản ứng của một cá nhân khi phát hiện chồng, vợ mình chia sẻ tình cảm cho người khác, khi đau đớn khổ sở vì bị phản bội. Cảm xúc ghen có điểm đặc biệt là rất dễ chia sẻ, dễ nhận được sự đồng cảm giữa những người đàn bà. Vậy mới có chuyện chị Bảy ghen chồng, là có thể rủ ngay được bà Tư, chị Sáu, bà Ba… cùng mình đi bắt ghen, đi "đánh dằn mặt" con nhỏ dám giựt chồng chị Bảy.

Chuyện của mình, mình ghen tức ghen tưởi đã đành, chuyện của người khác mình cũng ghen lồng ghen lộn theo. Cũng vì thế, nhìn vào một cuộc đánh ghen hội đồng, chưa chắc người ngoài nhận ra ai là "ghen chính chủ".

Kết cục nhân văn của cơn ghen tất yếu là đổ vỡ, ly hôn. Kết cục không nhân văn có thể còn bi thảm hơn: chết người, bị thương nặng… Mà kết cục buồn này không chỉ xảy ra trên người bị đánh ghen mà nhiều khi người đi đánh ghen lại phải lãnh hậu quả. Thế nhưng gần như không người đàn bà nào nghĩ đến những điều đó trước khi tìm cách xông vào tình địch trong cơn loạn cuồng.

Đánh ghen không hề mang lại kết cục tốt đẹp. Đánh ghen chỉ làm tổn thương chính bản thân kẻ đánh ghen.

Khi không còn tình yêu, không còn có thể tiếp tục gắn bó với nhau được nữa, sao không chọn giải pháp chia tay, mà cứ ở vậy chịu đựng, gây tổn thương cho nhau? Sai lầm của hôn nhân, nếu giải quyết bằng người thứ ba, bằng tình cảm bên ngoài, sẽ tạo ra chuỗi sai lầm càng lúc càng tệ hại hơn, lôi kéo thêm đông nạn nhân hơn, tàn phá cả những người lớn trong nhà lẫn những đứa trẻ vô tội.

Hôn nhân cũng như những câu chuyện khác, có thành có bại. Đa phần chúng ta từ hôn nhân, nhờ một cuộc hôn nhân hạnh phúc, êm đẹp mà trưởng thành, nhưng cách để đối phó với thất bại của hôn nhân thì… chưa mấy ai chuẩn bị cho mình. Thế nhưng, tìm mọi cách để đánh ghen chưa bao giờ là một lựa chọn tốt.