Nếu tôi bỏ rơi cô ấy lúc này thì sợ rằng cô ấy sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. (Ảnh minh họa)
Kính gửi chuyên gia tâm lý!
Tôi là một người đàn ông thành đạt, có trình độ trên đại học, có cửa hàng mua bán xe máy. Tôi đã ly dị vợ và chưa có con. Đầu năm 2020 tôi gặp một phụ nữ khá xinh đẹp, trẻ hơn tôi 11 tuổi, đã qua một đời chồng và có 2 đứa con riêng. Sau một thời gian ngắn tìm hiểu, cô ấy về chung sống với tôi nhưng chưa chính thức kết hôn. Tôi đã chu cấp cho cô ấy đầy đủ. Chỉ trong vòng hơn một năm mà tôi đã chi ra 500 triệu đồng cho cô ấy trả nợ cũ của cô ấy. Ngoài ra tôi còn giúp cô ấy nuôi con riêng mỗi tháng 15 triệu đồng, chúng đang sống với bà ngoại. Các khoản chi khác của tôi đều trang trải.
Sống với tôi, cô ấy không phải lo lắng việc bếp núc hoặc chăm sóc cho tôi và tôi cũng không quan tâm đến việc kinh doanh riêng của cô ấy. Thế mà chỉ sau 3 tháng sống chung, tôi rơi vào trạng thái trầm cảm, buồn bã vô cùng bởi vì cô ấy có những cơn nóng giận bất thường khoảng 3 ngày một cơn. Những lúc đó cô ấy dùng lời lẽ hết sức nặng nề để mạt sát tôi như: "khôn nhà dại chợ”, “có học mà như vô học”, “học thế thì học làm gì" và còn nhiều nữa mà tôi không muốn kể ra đây.
Tôi đã dùng những lời lẽ chân thành khuyên nhủ cô ấy, nhưng không có kết quả gì cả. Tôi bị tổn thương nghiêm trọng bởi vì trong đời, tôi chưa từng bị ai xúc phạm như vậy. Sau mỗi lần hết “cơn điên” cô ấy lại xin lỗi tôi, nói rằng do gia đình tan vỡ, làm ăn thất bát nên cô ấy bị stress nặng từ lâu, không kiểm soát được ngôn từ. Cô ấy vẫn nói rằng rất yêu tôi, nếu tôi bỏ rơi cô ấy thì cô ấy không sống nổi.
Nghe vậy, tôi lại cho qua, không chấp những lỗi lầm của cô ấy. Gần đây, chỉ sau một năm chung sống, nghe những lời xúi giục của gia đình, cô ấy đòi tôi phải cho cô một căn chung cư để cô ấy đứng tên, nhằm lo thân sau này. Tôi hứa để cuối năm sẽ giải quyết, nhưng dường như cô ấy không tin tưởng, nên tần suất các cuộc cãi vã ngày càng tăng, tôi không thể chịu đựng được nên đã ly thân 3 ngày nay.
Xin chuyên gia cho tôi lời khuyên tôi phải làm thế nào? Có phải cô ấy đến với tôi vì tiền không? Nếu tôi bỏ rơi cô ấy lúc này thì sợ rằng cô ấy sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Hơn nữa, tôi thấy hình như cô ấy có bệnh về thần kinh, thường xuyên kêu đau đầu và ngày nào cũng phải uống thuốc nhức đầu. Tôi không nỡ bỏ cô ấy trong tình cảnh như thế. Tôi đang bối rối quá, rất mong những lời khuyên hữu ích!
Cho tôi được giấu tên
CHUYÊN GIA TƯ VẤN
Chuyên gia tư vấn Tâm lý Trịnh Trung Hòa |
Bạn thân mến!
Khi một người đàn bà đẹp tự nguyện chung sống không hôn thú với một người đàn ông hơn mình hàng chục tuổi thì nhất định phải có động cơ gì đó rất mạnh cuốn hút cô ấy. Nếu không, chẳng ai nỡ gửi 2 con về quê để chung sống với một “anh già” như vậy mà lại không chính thức kết hôn.
Thông thường có hai động cơ: một là tình, hai là tiền. Nhưng tôi không tin chị ta chung sống với anh vì tình yêu. Vì tôi chưa thấy ai yêu một người đến mức đó mà lại thường mạt sát người ta là “ngu”, là “vô học” và “còn nhiều nữa không muốn kể ra”. Vậy chỉ còn động cơ thứ hai là tiền.
Tôi tin là thế vì anh đã cung cấp cho cô ấy khá nhiều tiền. Và bây giờ còn đòi anh mua cho cô ấy một căn nhà đứng tên cô ấy để lo thân sau này. Cho nên câu hỏi “Có phải cô ấy đến với tôi vì tiền không?”, thì ai cũng thấy rõ câu trả lời rồi, có lẽ tại anh đang quá yêu mà không nhìn ra sự thật chăng?
Về phía anh, đã có lúc nào anh tự hỏi: “Vậy ta đến với cô ấy vì gì?”. Có lẽ cũng không phải vì tình yêu? Tôi chưa thấy ai yêu một người hàng ngày đối xử với mình đến nỗi “trong đời chưa từng bị ai xúc phạm như vậy”. Phải chăng anh đến với cô ấy vì sắc đẹp và tuổi trẻ của cô ấy? Chứ đâu phải vì tâm hồn tính cách cô ấy?
Nói tóm lại mối quan hệ của hai người là một bên cần tiền, một bên cần sắc. Người này đáp ứng cái mà người kia cần. Ngoài ra chẳng yêu ai, trái lại toàn mạt sát, coi thường nhau. Tôi cảm thấy rất rõ sự coi thường đó khi đọc những lời anh kể trong thư. Tôi nghĩ rằng mối quan hệ này không có triển vọng nào cả. Càng kéo dài thì tần suất cãi nhau sẽ càng tăng và ngôn từ càng “không kiểm soát nổi”. Bệnh thần kinh của cô ấy sẽ tăng lên và có thể đến một lúc chính anh cũng không kiểm soát được hành vi của mình nữa.
Đó là tôi chưa biết vì sao cô ấy lại bảo anh là “ngu quá”, là “vô học”, không có lý gì tự nhiên người ta nói như thế? Chắc là anh chưa kể hết thôi! Nếu chỉ nghe một tai rất khó có lời tư vấn chuẩn xác. Nhưng vì bất cứ lý do gì, mối quan hệ đó càng kéo dài thì anh sẽ càng tốn kém và càng bị tổn thương thêm. Nếu anh không mua nhà cho cô ấy chắc chắn cuộc chiến sẽ còn căng thẳng nữa.
Anh chưa nỡ bỏ cô ấy vì thương cô ấy sẽ không sống nổi nếu không có tiền của anh và bệnh thần kinh sẽ nặng thêm nữa. Nhưng liệu tiếp tục cuộc sống thế, này cô ấy sẽ khỏe mạnh hơn về tinh thần và anh sẽ vui vẻ hơn khi buộc phải mua nhà và đứng tên cô ấy không? Tôi nghĩ sẽ không có lợi cho cả hai người, nhất là về sức khỏe tâm thần.
Nhân đây tôi muốn hỏi tại sao anh và cô ấy chung sống nhưng không đăng ký kết hôn? Do anh, do cô ấy, hay cả hai đều muốn thế? Có phải muốn “sống thử” xem có hợp nhau thì mới kết hôn không? Nếu thế, tôi cho rằng phép thử của anh đã có đáp án rõ ràng rồi còn chờ gì nữa? Hy vọng anh đã hiểu tôi muốn khuyên anh có nên tiếp tục “sống thử” nữa hay không? Chúc anh có lựa chọn sáng suốt và kịp thời.