Câu chuyện xảy ra với cô gái Ni Putu Melina, 22 tuổi, tới từ tỉnh Bali, Indonesia, theo tờ Daily Star.
Dự định kết hôn của Melina và cha của đứa bé trong bụng cô đã tan thành mây khói khi nhà trai bất ngờ "quay xe" chỉ 2 ngày trước khi lễ cưới diễn ra. Nhà trai không chấp nhận cho con trai tới ở rể tại nhà của Melina như đã thống nhất trước đó.
Melina (khăn vàng) là cô dâu trong hôn lễ đặc biệt ở Bali, Indonesia. Ảnh: Coconut
Dù chú rể vẫn bày tỏ tình cảm và rủ Melina cùng bỏ trốn nhưng bị nhà gái phản đối. Vì mọi việc bất ngờ và ngày cưới cận kề, nhà gái quyết định vẫn tổ chức lễ cưới cho Melina với một "chú rể" bất đắc dĩ.
Theo truyền thông địa phương, cô gái 22 tuổi đã kết hôn với một con dao găm truyền thống của Indonesia, như một phần phong tục của người Hindu, giúp xóa bỏ sự sỉ nhục đối với cô dâu và họ nhà gái.
Theo phong tục của người Hindu, con dao găm truyền thống này đại diện cho bản lĩnh đàn ông, có thể thay thế cho chú rể trong trường hợp người đó không thể tham dự lễ cưới (bị tử vong, ở xa...)
Trang Coconuts đưa tin, nhà gái cho biết, Melina phải làm đám cưới để đảm bảo đứa trẻ khi sinh ra không bị coi là con ngoài giá thú.
Một con dao găm truyền thống ở Indonesia. Ảnh: Getty
Tuy nhiên, các tài liệu chính thức cho thấy Melina là một bà mẹ đơn thân vì chưa được công nhận kết hôn hợp pháp. Việc kết hôn với con dao găm chỉ là giải pháp về mặt tinh thần, không có giá trị pháp lý.
Đám cưới với dao găm đã trở thành câu chuyện được bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội. Dù vậy, gia đình của Melina không ngại điều này. "Chúng tôi muốn các gia đình có con gái tới tuổi kết hôn rút ra bài học từ câu chuyện của con gái tôi", ông Ketut Suwardita, bố của Melina, nói.
Cô dâu có bầu trước khi cưới: Được gì và mất gì
Đã có nhiều vụ việc cô dâu có bầu trước khi cưới bị gia đình đối xử tệ bạc. Chỉ vì lỡ mang bầu trước khi cưới mà cô gái bị nhà chồng coi thường, thậm chí không cho làm nghi thức cưới.
Việc có bầu trước khi cưới hiện nay không còn là chuyện xa lạ ở xã hội hiện nay. Tuy nhiên, việc có bầu trước khi cưới cũng mang lại hai mặt tiêu cực và tích cực cho cuộc sống. Ảnh minh họa
Xét về mặt tích cực, việc có bầu trước khi cưới là sự chắc chắn. Đây là quan điểm của không ít các bạn trẻ hiện nay, Do hiện nay có quá nhiều trường hợp vô sinh xảy ra ở các cặp vợ chồng trẻ và nhiều người đã tiêu tốn rất nhiều tiền bạc cũng như công sức để có con, nhưng kết quả hầu như đều thất bại.
Điều đó dẫn tới hôn nhân không hạnh phúc, những cặp đôi lấy nhau không có con hầu hết đều không có hạnh phúc trọn vẹn, áp lực con cái luôn đè nặng trên vai.
Chính bởi thực trạng xã hội ngày càng nhiều những cặp đôi vô sinh nên các bạn trẻ lựa chọn phương án có thai trước khi cưới cho chắc ăn.
Bên cạnh đó, việc có thai trước khi cưới sẽ giải tỏa được tâm lý lo lắng của vợ chồng về vấn đề sinh con, vợ chồng sẽ không phải lo lắng về chuyện mình có khả năng sinh con hay không? Và khi có con rồi, hai vợ chồng sẽ thoải mái tâm lý không phải lo về chuyện đó nữa, thay vào đó là việc tập trung làm ăn và chăm lo cho tương lai của hai người, cũng như chăm sóc cho thiên thần nhỏ sắp chào đời.
Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, cô dâu có bầu trước sẽ bị xã hội dị nghị bởi rất nhiều người không chấp nhận việc có thai trước hôn nhân. Họ coi rằng đó là chuyện không nên làm, nếu có thai trước thì đêm tân hôn để làm gì, không đúng theo chuẩn mực từ xưa đến nay cho nên cô dâu sẽ bị nói ra nói vào, gây ảnh hưởng tâm lý cũng như thể chất.
Hơn nữa, việc có thai trước hôn nhân rồi nhanh chóng cưới chạy bầu các cô dâu thường không có kiến thức về hôn nhân gia đình cũng như thời gian tìm hiểu vì đang bận lo cưới. Chính vì thế khi gặp phải những vấn đề khó khăn trong hôn nhân các cô dâu thường không biết cách xử lý dẫn đến nhiều sai lầm.
Việc có bầu trước khi cưới sẽ ảnh hưởng đến việc nuôi dạy những đứa con. Khi cô dâu tuổi đời còn quá trẻ thì những kĩ năng chăm sóc, nuôi dạy con đều không có. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của những đứa trẻ, khi con ốm, con khóc, nấu ăn, thay tã, mẹ trẻ sẽ rất lúng túng để giải quyết mọi việc đấy.