Cặp vợ chồng 9X gây bão trên nhóm Làng “Bỏ phố về quê”.
Bị bố mẹ nghi là nghiện ngập, cờ bạc
Anh Phạm Văn Long (SN 1991), quê ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An là đại diện cho lớp trẻ chăm chỉ, sáng tạo và giàu ý chí nghị lực. Sau khi tốt nghiệp đại học Công nghiệp, anh ở lại Hà Nội làm việc cho một trung tâm tiếng Anh. Gắn bó một thời gian, anh chuyển sang công ty của Nhật Bản làm việc. Ban lãnh đạo nhận thấy anh là người có năng lực đã đề xuất anh qua Singapore đào tạo rồi khi về Việt Nam sẽ ký hợp đồng chính thức.
Mặc dù công việc ổn định, mức thu nhập cao và có cơ hội thăng tiến nhưng chưa bao giờ anh Phạm Long nghĩ sẽ ở lại thành phố. Từ khi còn là sinh viên, anh đã nhen nhóm những ý tưởng kinh doanh và mong muốn xây dựng một sản phẩm cho riêng mình. Anh bắt đầu trau dồi kiến thức kinh doanh bằng việc bán các sản phẩm địa phương như: Nem chua Thanh Hóa, giò bê Nghệ An... Các mặt hàng đều là thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo nên được khách hàng tin tưởng đặt mua.
Năm 2016, với số tiền tích cóp khoảng 50.000.000 đồng, anh Phạm Long bỏ phố về quê, quyết định gây dựng cơ nghiệp. Anh vay ngân hàng và bạn bè thêm 250.000.000 đồng để mở cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, anh nuôi thêm 500 con gà và hơn 10 con lợn.
Anh Phạm Long chia sẻ với phóng viên: “Thấy tôi ở Hà Nội có công việc lương cao, tự dưng lại đòi về quê nuôi lợn, ai cũng sửng sốt, ngạc nhiên. Bạn bè, người thân đều tò mò gọi điện dò xét, hỏi han. Riêng bố mẹ tôi thì quát mắng, khóc lóc, tra khảo. Bố mẹ nghĩ rằng tôi ở thành phố chơi bời lêu lổng, cờ bạc, rượu chè, nợ nần nên bỏ trốn về quê. Lúc đó, tôi giải thích thế nào bố mẹ cũng không tin”.
Trong khoảng thời gian này, anh có tâm sự với một cô bạn đồng khóa nhưng hiện đang làm việc và sinh sống tại TP. HCM. Đó là chị Nguyễn Liên (SN 1992), cùng quê với anh. Vô tình Facebook gợi ý bạn bè, nhận ra người quen cũ nên anh Phạm Long chủ động nhắn tin nói chuyện. Dần dần, họ nảy sinh tình cảm với nhau. Lắng nghe những ước muốn, hoài bão của bạn trai, chị Nguyễn Liên quyết định nghỉ công việc ở TP. HCM để về quê cùng anh Phạm Long gây dựng cơ đồ. Đó là quyết định không hề dễ dàng.
“Thuận vợ, thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn”
Sau gần một năm kinh doanh, hai vợ chồng anh Phạm Long phải đóng cửa hàng thức ăn chăn nuôi bởi không có lãi. Đàn gà 500 con cũng bị bệnh dịch nên cũng chết hết, lợn thì xuống giá trầm trọng. Tình hình khi ấy vô cùng thê thảm, anh chị ôm khoản nợ khổng lồ, không biết khi nào mới trả hết.
Gia đình, bạn bè bàn tán vào ra, chỉ trích nặng lời nhưng hai vợ chồng anh Phạm Long không nản chí, nản lòng. Họ an ủi, động viên nhau cùng bước qua khó khăn. Thời gian ấy, để duy trì cuộc sống sinh hoạt, anh chị quay trở lại việc bán thực phẩm địa phương. Thấy mặt hàng gì tiềm năng là họ ôm đồm làm hết.
Chị Nguyễn Liên chia sẻ: “Thời gian ấy cực khổ lắm! Hai vợ chồng đầu tắt mặt tối cả ngày, làm việc không lúc nào ngơi tay. Bán gì có tiền thì chúng tôi đều bán. Hai vợ chồng suốt ngày lúi húi tìm kiếm khách, chốt đơn, đóng hàng, ship hàng. May mắn, ông trời thương nên công việc đều đều, chúng tôi bỏ ra được khoản vốn nhỏ”.
Tình cờ một lần thấy vợ mua ngũ cốc các loại hạt về để bồi bổ, anh Phạm Long thấy có hứng thú với sản phẩm. Anh nhận thấy đây là sản phẩm mới, có nhiều tiềm năng phát triển như: Giá trị dinh dưỡng cao, nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào, dễ chế biến và bảo quản, giá thành hợp lý...Vì vậy, anh Phạm Long quyết định nghiên cứu và sản xuất ngũ cốc các loại hạt.
Dần dần, anh sắm được các loại máy móc hiện đại phục vụ việc chế biến theo quy trình khép kín đảm bảo vệ sinh an toàn. Xưởng sản xuất tạo công ăn việc làm cho hàng chục người lao động tại địa phương, giúp họ có thu nhập ổn định.
Hiện nay, anh Phạm Long đã phát triển hệ thống kinh doanh, mở thêm hơn 100 đại lý bán hàng trên toàn quốc. Anh tự mày mò, nghiên cứu cách bán hàng hiệu quả trên mạng xã hội để sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến. Hai vợ chồng anh Phạm Long còn tích cực đi làm thiện nguyện, mở các chương trình chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh tới các bạn trẻ.
Cặp vợ chồng 9X Phạm Long – Nguyễn Liên là tấm gương sáng cho các bạn trẻ học tập về: Tinh thần vươn lên, ý chí nghị lực phi thường, sự cần cù, chịu khó và sự sáng tạo, quyết tâm cao. Hơn thế nữa, họ sẻ chia ngọt bùi cùng nhau, là minh chứng cho câu nói: “Thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn”.
“Tôi muốn nói với các bạn trẻ đang khởi nghiệp rằng con đường ấy rất chông gai, vất vả. Sẽ có nhiều người xung quanh đàm tiếu, chê bai. Nhưng, bản thân phải luôn kiên định lý tưởng, hoài bão của mình, quyết tâm thực hiện. Thất bại không được nản chí, hãy đứng dậy và bước tiếp. Và tôi may mắn khi có một người vợ đảm đang, chăm chỉ, thu vén cho gia đình. Cô ấy là người lạc quan, đồng cam cộng khổ với tôi trong lúc khó khăn nhất”, anh Phạm Long tâm sự.