Tôi là một cô gái thôn quê, lấy chồng thành phố. Cuộc sống của chúng tôi bình dị, hạnh phúc, nhưng hoàn cảnh gia đình dường như luôn là rào cản vô hình giữa tôi và mẹ chồng. Mẹ chồng tôi là người cầu kỳ, tỉ mỉ và nhiều quy tắc nên rất nhiều thói quen của tôi không hợp mắt bà.
Gần đây, biết mẹ ruột không khỏe nên tôi quyết định đón mẹ lên thành phố ở mấy ngày để đi khám tổng quát và cho mẹ đi tham quan thành phố. Biết mẹ chồng có thể sẽ khó chịu, nhưng tôi không ngờ bà lại tỏ thái độ ra mặt như vậy.
Ngày mẹ tôi đến nhà, ánh nắng chói chang từ bên ngoài cửa sổ hắt vào cũng không xua tan được vẻ u ám trên gương mặt mẹ chồng tôi. Khi mẹ tôi chào, mẹ chồng chỉ đáp lại một cách hời hợt.
Về phía mẹ tôi, bà vẫn rất xởi lởi, vừa đặt hành lý xuống là vào bếp phụ nấu cơm với tôi. Một lúc sau, mẹ tôi bưng ra một đĩa đặc sản quê hương của tôi muốn mời bà thông gia nếm thử. Tuy nhiên, mẹ chồng nhẹ nhàng lắc đầu từ chối:
- Cảm ơn bà, tôi không quen ăn những thứ này.
Biết mẹ ruột không khỏe nên tôi quyết định đón mẹ lên thành phố ở mấy ngày để đi khám tổng quát. (Ảnh minh họa)
Chỉ có mấy ngày mà sự khác biệt trong thói quen sinh hoạt giữa mẹ chồng và mẹ ruột tôi dần lộ rõ. Một đêm nọ, mẹ tôi dọn bàn sau khi ăn. Theo thói quen, mẹ cất đồ ăn thừa để dành hôm sau ăn. Mẹ chồng thấy cảnh này liền nói:
- Những thứ này tốt nhất nên đổ đi, đồ ăn thừa để đến hôm sau ăn vào không tốt cho sức khỏe.
Mẹ tôi sững sờ một lúc rồi giải thích:
- Cất vào tủ lạnh, mai hâm lại vẫn ăn được mà. Vứt đi thật lãng phí, ở quê chúng tôi đều như vậy cả.
Sắc mặt mẹ chồng tối sầm lại, nghiêm giọng nói:
- Đây là thành phố, không phải nông thôn. Ở đây chúng tôi chú ý đến vấn đề vệ sinh và sức khỏe, những thói quen của bà đều không tốt.
Cứ như thế, hai người xảy ra tranh cãi gay gắt. Tôi cố gắng hòa giải nhưng mẹ chồng không chịu nhượng bộ. Trong lúc tức giận, bà nói:
- Bà là khách, đến nhà tôi phải theo quy tắc của nhà tôi. Dây chuyền vàng của tôi mới bị mất, có phải là bà lấy đúng không?
Tôi và mẹ đều bàng hoàng, không ngờ chỉ vì một chuyện nhỏ mà mẹ chồng đã “chụp mũ” cho mẹ tôi thành kẻ trộm.
Hai vợ chồng tôi cố gắng làm dịu mối quan hệ giữa hai người, nhưng mẹ chồng vẫn khăng khăng cho rằng mẹ tôi là kẻ trộm.
Tôi thật không ngờ mẹ chồng cho rằng mẹ tôi đã lấy trộm sợi dây chuyền của bà. (Ảnh minh họa)
Đúng lúc chúng tôi đang bối rối không biết nên làm thế nào thì một người bạn của mẹ chồng bất ngờ đến nhà. Cô ngập ngừng kể rằng gần đây cô gặp khó khăn về tài chính nên hôm đó khi đến thăm nhà, thấy sợi dây chuyền của mẹ chồng rơi sau ghế sofa, cô đã lấy nó. Biết chuyện này, mẹ chồng tôi tức đến mức ngất xỉu.
Khi mẹ chồng tỉnh lại, tôi có thể cảm nhận được sự bối rối và xấu hổ của bà. Hít một hơi thật sâu, tôi nói với mẹ chồng:
- Mẹ, con biết trước mẹ nói ra những lời như vậy là vì nóng giận. Chúng con đều hiểu mẹ coi trọng sợi dây chuyền vàng này đến mức nào, vì đó là kỷ vật bố tặng mẹ. Nhưng, không thể vì thế mà buộc tội người khác khi không có bằng chứng được.
Sắc mặt mẹ chồng có chút tái nhợt, bà hơi cúi đầu xuống như muốn che giấu sự xấu hổ của mình. Một lúc sau, bà ngẩng đầu lên, trong mắt hiện lên vẻ áy náy:
- Con à, mẹ xin lỗi, mẹ đã trách nhầm mẹ con.
Sau đó, mẹ chồng cũng chân thành xin lỗi mẹ tôi.
Tôi khẽ mỉm cười, bước tới nhẹ nhàng nắm tay mẹ chồng:
- Mẹ ơi, chúng ta là người một nhà, đôi khi hiểu lầm là không thể tránh khỏi. Bây giờ sự thật đã sáng tỏ, chúng ta nên buông bỏ quá khứ và bắt đầu lại, được không mẹ?
Mắt mẹ chồng có chút ươn ướt, bà nắm chặt tay tôi như đang tìm kiếm sự an ủi. Tôi quay đầu lại nhìn mẹ đang ngồi bên cạnh. Trên mặt mẹ cũng nở một nụ cười nhẹ nhõm.
Giây phút hai người bắt tay nhau làm hòa, tôi cảm nhận được sự hòa hợp và ấm áp chưa từng có. Tôi nhìn chồng bên cạnh, ánh mắt anh cũng ánh lên sự xúc động.