Cầm vàng cưới chưa nóng tay, bố mẹ chồng đề xuất một việc khiến tôi lạnh lòng

Dẫu biết, ở đời “có đi có lại” là việc nên làm nhưng thiết nghĩ, bố mẹ chồng tôi không cần vội vàng thế.

Đề nghị của bố mẹ chồng ngay sau đám cưới khiến tôi buồn mãi không thôi (ảnh minh họa)

Đề nghị của bố mẹ chồng ngay sau đám cưới khiến tôi buồn mãi không thôi (ảnh minh họa)

Người ta nói, trước ngưỡng cửa hôn nhân, nếu còn điều gì đó lăn tăn tức là mối hôn sự này cần xem xét lại. Tôi đã cố tình bỏ qua nỗi đắn đo của mình nên giờ đây không còn cơ hội.

Vợ chồng tôi quen nhau 4 năm mới cưới. Bố mẹ anh làm nông, kinh tế không mấy khá giả vì phải lo cho 3 người con ăn học. Anh là con trai duy nhất trong nhà, trước đó vừa đi làm, vừa nuôi một cô em gái học đại học nên khoản tiền tiết kiệm được không nhiều.

Bố mẹ tôi đều là giáo viên, không giàu có nhưng cũng không để tôi phải thiếu thốn. Sau khi ra trường, tôi ngỏ ý gửi lương về nhà nhưng bố mẹ tôi nhất định không cầm. Bố mẹ nói, tiền tôi làm ra hãy thu vén, tiết kiệm làm vốn cho tương lai. Nhờ thế, trước khi cưới tôi có một khoản gần 500 triệu đồng, khoản này tôi không cho chồng biết.

Đám cưới bên nhà trai hầu hết do chồng tôi lo liệu, từ khoản cỗ cưới, rạp cưới cho đến khoản lễ lạt, tiền nạp tài… Những khoản khác như vest cưới, váy cưới, chụp ảnh cưới, nhẫn cưới, trang điểm… đều do một tay tôi chi trả. Biết hoàn cảnh gia đình anh khó khăn, bản thân anh cũng chưa dư dả nên tôi không phàn nàn gì. Nhưng thú thật, trong lòng tôi cũng có chút lăn tăn.

Trước hôm dạm ngõ, anh nói gia đình sẽ nạp tài 15 triệu đồng. Sau đó, gần đến ngày ăn hỏi, anh lại bảo số tiền ấy giảm xuống còn 10 triệu đồng. Con gái làng tôi lấy chồng, nhà trai thường đem 30 – 50 triệu đồng đến nhà, gọi đó là tiền lễ đen. Tôi đây đi lấy chồng, khoản lễ có hơn chục triệu mà còn bị nhà trai "giảm giá". Nghĩ đi nghĩ lại, tôi cũng thấy chạnh lòng.

Về khoản vàng cưới, bố mẹ tôi cho tôi 3 cây vàng. Bên nhà trai thì báo trước sẽ cho một chiếc dây chuyền vàng 5 chỉ. Mẹ chồng tôi còn nhấn mạnh: “Thời buổi giá vàng đu đỉnh, 5 chỉ là được rồi”. Tôi xác định, mình lấy chồng chứ không lấy nhà chồng nên một lần nữa gạt bỏ khúc mắc tiền nong sang một bên.

Thế nhưng, sự việc diễn ra ngay sau đám cưới khiến tôi buồn mãi không thôi. Hôm tổ chức lễ cưới tại nhà trai, tôi được hai bác, cô chú, cậu mợ và chị chồng trao cho 4 cái nhẫn, mỗi cái 1 chỉ vàng, kèm chiếc dây chuyền 5 chỉ của mẹ chồng.

Ngay tối hôm đó, bố mẹ chồng gọi chúng tôi ra nói chuyện. Bố chồng tôi đề nghị, vàng của chú bác bên nhà trai cho, sau này khi con họ làm đám cưới, vợ chồng tôi phải tự chuẩn bị vàng để ông bà đứng ra trả lại.

Trầm ngâm một hồi, mẹ chồng tôi đề xuất thêm: “Tốt nhất, hai con đưa 4 cái nhẫn đây mẹ giữ cho, phòng trừ lúc có việc, vợ chồng con lại khó khăn, không lo được. Số vàng cưới này trước sau gì cũng phải trả lại, các con giữ hay bố mẹ giữ cũng thế. Chi bằng, để mẹ giữ cho”.

Nghe xong câu này, tôi thực sự lạnh lòng. Dù gì, đó cũng là quà mừng cưới của chúng tôi, rạp cưới còn chưa dỡ, ông bà việc gì phải vội vàng như vậy. Chưa kể, chồng tôi là con trai độc đinh, dù bố mẹ chồng không nhắc nhở, tôi cũng tự biết tương lai chúng tôi phải lo liệu mọi việc trong nhà.

Trước đề nghị của bố mẹ, chồng tôi chẳng nói câu gì. Còn tôi ngay lập tức đưa 4 chiếc nhẫn vàng cho mẹ chồng giữ. Hôm sau, tôi lấy cớ bận việc để ra thành phố vì không muốn ở lại nhà chồng thêm giây phút nào.

Tôi bỗng nhớ lại những tính toán của nhà chồng trước đó, quả thực trong lòng đã đắn đo nhưng vẫn cố tình gạt đi. Liệu, tương lai tôi có phải trả giá vì sự nhu nhược của mình?