Cha mẹ ngượng chín mặt vì câu chuyện đùa “con là lao động chính những ngày Tết”

Trong những ngày tết, nhiều phụ huynh nói vui “con là lao động chính ngày Tết”. Câu nói đùa này đã vô tình khiến cho nhiều gia đình gặp chuyện bi hài vì trẻ đòi lì xì Tết.

Cha mẹ ngượng chín mặt vì câu chuyện đùa “con là lao động chính những ngày Tết” - 1

Ý nghĩa của phong bao lì xì không chỉ nằm ở giá trị vật chất (Ảnh minh họa)

Mấy ngày Tết vừa rồi, chị Trần Mai Anh (Hưng Yên) được phen đỏ mặt vì con chủ động đòi tiền lì xì Tết hết người này đến người khác. Cậu con trai tinh nghịch 7 tuổi của chị gặp ai cũng bảo mình là "lao động chính ở trong nhà" ngày Tết. Nói con không được bảo vậy thì con quay lại nói "sao bố mẹ nói con là lao động chính Tết này kiếm tiền nuôi bố mẹ".

Chuyện bi hài này bắt nguồn từ việc hai vợ chồng chị vẫn đùa với con rằng là Tết này bé là lao động chính trong nhà nên đi theo bố mẹ để nhận lì xì. Ngay cả các anh chị, người lớn khác trong nhà cũng nói với bé như vậy. Chị không thể ngờ được Tết đến mình lại trở thành nạn nhân từ câu nói đùa này. Lời đùa cợt của người lớn đã vô tình làm hư con khiến chị ái ngại suốt cả cái Tết với bạn bè.

"Ban đầu tôi cũng chỉ nghĩ câu nói đó là đùa. Không nghĩ là con lại nhớ suốt rồi còn chủ động đòi tiền lì xì người lớn. Thậm chí khi thấy người lớn lì xì con ít tuổi, cháu liền tỏ thái độ không vui, còn ai mà mừng tuổi số tiền lớn là cháu lại nhảy lên vui sướng. Nếu chỉ lì xì chiếc bánh, cái kẹo là chẳng nói, chẳng rằng… Ngay ngày đầu năm đã phải chấn chỉnh lại thái độ của con với tiền lì xì" – chị chia sẻ.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Sỹ cũng gặp bi hài không kém vì câu nói đùa "con là lao động chính trong nhà ngày Tết". Chả là, cậu con trai của anh bình thường đã rạn rĩ hơn những đứa trẻ bình thường khác. Mùng 2 Tết về quê chơi, cu cậu liền theo đám trẻ ở trong làng vào từng nhà để được người lớn mừng tuổi dù không có họ hàng gì. Sau khi đã cầm trên tay một sấp phong bao lì xì, cu cậu chạy về nhà khoe với bố mẹ. Lúc này anh chị mới ngớ người ra. Hỏi con thì con nói "bố mẹ bảo con là nguồn thu nhập Tết của cả nhà" nên theo các bạn đến các nhà đòi người lớn lì xì.

Theo chuyên gia tâm lý Hồng Hương, người lớn không nên coi con là nguồn thu nhập, công cụ kiếm tiền lì xì ở trong dịp Tết. Ngay cả việc đùa với trẻ cũng phải thận trọng vì vô tình khiến trẻ có suy nghĩ độc hại. Với những trẻ nhỏ vài tháng tuổi không sao, nhưng trẻ từ trên 2 tuổi khi biết hơn sẽ hiểu sai về lì xì, đong đếm tình cảm của người lớn thông qua giá trị bao lì xì. Trẻ cũng sẽ có suy nghĩ tiền dễ kiếm được.

Việc lì xì mừng tuổi đầu năm là truyền thống, nhưng giờ cũng bị thương mại hóa. Bản thân chiếc lì xì không xấu, chỉ xấu khi không dạy trẻ hiểu đúng ý nghĩa của lì xì, vì sao Tết con lại được nhận tiền mừng tuổi... để từ đó trân trọng tấm lòng của người mừng tuổi. Con trẻ giống như một tờ giấy trắng và dễ dàng tiếp thu những gì mà cha mẹ, người lớn dạy hay nói nhiều lần. Mỗi hành vi, câu nói của cha mẹ dần dần góp phần hình thành tư duy, thái độ sống của con trẻ. Đôi khi việc đùa quá trớn lại khiến trẻ hiểu sai ý nghĩa.

Theo chuyên gia, một đứa trẻ được bố mẹ dạy bảo hẳn hoi khi nhận tiền lì xì sẽ cảm thấy vui dù bất cứ là gì. Việc mừng tuổi cũng chính là cơ hội để có thể giáo dục con trẻ về sự biết ơn, kỹ năng quản trị tài chính... Cha mẹ nên nói với con tiền lì xì không chỉ là món quà vật chất mà còn chứa đựng tình cảm của người tặng dành cho con và đổi lại cha mẹ cũng có trách nhiệm lì xì các bạn nhỏ khác.

Ý nghĩa của phong bao lì xì không chỉ nằm ở giá trị vật chất, mà còn được thể hiện qua thái độ, lời chúc tụng và gửi gắm tình cảm của người tặng tới người nhận. Nếu muốn dạy con hướng tới nét đẹp văn hóa dân tộc thông qua việc lì xì thì cách thức, tác phong hay lời nói khi đưa phong bao lì xì tặng trẻ cũng cần để ý.