Việc lặp đi lặp lại rằng con phải dừng hành động xấu nếu không mẹ sẽ phạt con sẽ không mang lại tác dụng như ý (Ảnh minh họa)
Cha mẹ quá nuông chiều trẻ
Nguyên nhân chính làm cho trẻ trở nên hư hỏng chính là do cha mẹ quá nuông chiều, dễ dãi, không đặt ra những giới hạn cho con và bị khuất phục bởi những cơn giận dữ và than khóc của con. Nếu cha mẹ cho con quá nhiều quyền lực, chúng sẽ tự cho mình là trung tâm của mọi thứ.
Nhiều cha mẹ làm điều này vì không muốn con mình phải đối mặt với những cảm giác thất vọng hết sức bình thường trong cuộc sống. Cha mẹ thay đổi sẽ thấy con trở nên "ngoan" hơn.
Cha mẹ bất nhất trong cách dạy con
Cổ nhân có câu: "Tử bất giáo, phụ chi quá" (con không có giáo dục, là lỗi của người làm cha). Có đôi khi người cha đang nghiêm nghị dạy con thì người mẹ lại thường hay xen vào ngăn cản, bảo vệ con theo kiểu: "Con đang nhỏ, cần gì nghiêm khắc như thế", hoặc đôi khi cha mẹ đang dạy dỗ con cái thì ông bà sẽ bênh cháu: "Các ngươi không thể đòi hỏi quá cao như vậy, trẻ con khi lớn lên sẽ tự hiểu biết; ngày xưa các ngươi bằng tuổi nó cũng đâu có làm được như nó bây giờ".
Cha mẹ không thiết lập hậu quả
Nếu bạn chắc chắn con đã nghe được yêu cầu của bạn và bạn đã đưa ra hướng dẫn phù hợp với khả năng hiểu của bé, nhưng con vẫn không nghe lời, bạn cần cho bé thấy hậu quả của hành động đó.
Ví dụ, bạn có thể nói yêu cầu của bạn, theo sau là hậu quả nếu con không tuân theo: "Mẹ biết con muốn đi chơi nhưng con phải ăn xong đã". Nếu bé không làm, vẫn năn nỉ ra ngoài chơi, bạn có thể chỉ cần nói vấn đề hiển nhiên: "Xin lỗi con, con không ăn hết nên không ra ngoài được". Hãy nhất quán trong việc làm này, để bé biết rằng bạn mong đợi con nghe lời ngay lần đầu bạn nói điều gì đó, chứ không cần nhắc lại yêu cầu 2, 3 hay 4 lần.
Hãy để bé chú ý và nói yêu cầu của bạn rõ ràng. Nếu bé không nghe theo, áp dụng hệ quả.
Thói quen lười biếng, cẩu thả
Trong sinh hoạt hàng ngày cha mẹ thường hay dung túng con trẻ, ăn uống, học tập, chơi đùa lung tung bất kể thời gian, không tập cho con trẻ thói quen sinh hoạt có quy luật giờ giấc. Trẻ làm gì cũng không quản, ngủ muộn, bỏ bữa không ăn, ban ngày mơ mơ màng màng, ban đêm thì coi phim, chơi game đến khuya…
Một đứa trẻ có sinh hoạt như vậy, lớn lên mất đi bản tính hiếu động, bản năng tò mò tìm hiểu mọi sự vật xung quanh, khi trưởng thành sẽ thành người có tính cẩu thả, làm việc không đến nơi đến chốn.
Chỉ dọa bé mà không thực hiện biện pháp can ngăn
Hình phạt đôi khi cần thiết để bé nhận biết được các giới hạn. Làm một ông bố hay bà mẹ nghiêm khắc thật không dễ dàng và vui vẻ tí nào. Thế nhưng, các hình phạt vẫn cần được thi hành khi cần thiết. Việc lặp đi lặp lại rằng con phải dừng hành động xấu nếu không mẹ sẽ phạt con sẽ không mang lại tác dụng như ý.
Thay vì vậy, hãy hành động ngay nếu bé tiếp tục không nghe lời. Chẳng hạn, khi cậu bé tiếp tục tranh đồ chơi của em, mẹ cần dừng cuộc chơi ngay và có thể yêu cầu bé dọn đồ chơi, xin lỗi em hoặc đứng dựa tường và không được chơi hay làm gì trong vòng 30 phút.