Chán cảnh "ở cao ốc, ngồi máy lạnh", vợ chồng 9X về rừng xây "vườn địa đàng"

“Bỏ phố về rừng” đang là trào lưu và phong cách sống của không ít người trẻ có ý định khởi nghiệp. Nguyễn Thành An (quê TP.HCM) và Trần Thị Mỹ Thuận (quê ở Di Linh, Lâm Đồng, cùng sinh năm 1995) quyết định bỏ Sài Gòn phố thị về xã Quảng Sơn (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) làm người nông dân, kinh doanh những sản phẩm từ thảo mộc.

Chán cảnh "ở cao ốc, ngồi máy lạnh", vợ chồng 9X về rừng xây "vườn địa đàng" - 1

Cặp đôi cùng mơ về căn nhà gỗ giữa rừng

Từ lúc mới yêu, Mỹ Thuận hay nói với Thành An về ước mơ có một ngôi nhà gỗ giữa ngọn đồi bát ngát xanh, trồng nhiều loại thảo mộc và chế biến thành những sản phẩm an lành. Thành An luôn ấp ủ, cùng người yêu thực hiện ước mơ ấy.

Cùng tốt nghiệp ra trường ĐH Tài chính – Marketing TP.HCM, Thành An làm nhân viên môi giới bất động sản, còn Mỹ Thuận làm việc trong lĩnh vực digi-tal marketing. Cả hai còn hợp tác với một người bạn bán hạt mắc ca.

Thấy công việc kinh doanh hạt “thuận buồm xuôi gió”, Thành An - Mỹ Thuận mơ ước xây dựng riêng một trang trại để tự chủ nguồn nguyên liệu và kiểm soát chất lượng. Họ luôn mơ về khoảng trời tự do nơi núi rừng, không muốn vùi đầu 8 tiếng trong văn phòng, nơi phố thị chật hẹp.

Chán cảnh "ở cao ốc, ngồi máy lạnh", vợ chồng 9X về rừng xây "vườn địa đàng" - 2

Nghĩ là làm, Thành An thuyết phục với ba mẹ về việc đầu tư trồng mắc ca, nhưng bị ngăn cản. Những ngày sau mắc ca tiếp tục “cháy hàng”, nhiều trong số khách hàng là những người bạn của mẹ. Dần dần, bà có chút mủi lòng, cặp đôi tiếp tục kể cho ba mẹ nghe về những ý định tương lai và có cam kết rõ ràng.

Sau hàng tháng trời trình bày kế hoạch cũng như cố gắng chứng minh, bố mẹ hai bên dần chấp nhận, thậm chí mẹ Thành An còn góp vốn mua đất vào năm 2018.

Đầu năm 2019, họ chuyển đến sống tại mảnh đất 10 hecta tại xã Quảng Sơn, huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông, nơi có ngôi nhà gỗ nằm cạnh hồ nước. Sau khi nhìn hình trên mạng và trực tiếp đến xem, cảm thấy như “đất chọn người”, An và Thuận đã quyết định đặt cọc và mua đất, rồi lên kế hoạch cải tạo.

Chán cảnh "ở cao ốc, ngồi máy lạnh", vợ chồng 9X về rừng xây "vườn địa đàng" - 3

Ngày cuối cùng ở Sài Gòn trước khi về hẳn vườn sống, Mỹ Thuận mặc một chiếc váy đỏ thật xinh, đi đôi giày cao gót, xịt thêm chút nước hoa tham dự year end party của công ty. Và sau đó bắt đầu những chuỗi ngày cô nàng chân mang ủng, đầu đội nón lá, tay cầm cuốc xẻng, người lúc nào cũng đầy mồ hôi...

Chuỗi ngày gian khó

Thời gian đầu về vườn có lẽ là khoảng thời gian bận rộn và vất vả nhất, đặc biệt với những ai đi theo hướng nông nghiệp không hoá chất. Mỹ Thuận - Thành An tập trung cải tạo vườn tược, trồng cây, làm đất. Và mọi khó khăn đều đổ ập đến vào lúc này…

Mỹ Thuận vốn xuất thân trong gia đình nông thôn nên nhanh quen với lao động chân tay. Nhưng An là “cậu ấm” đúng nghĩa. Ngày đầu cầm cái cuốc, tay cậu sưng phồng, lưng ê mỏi, làm được một ngày thì phải nghỉ mất hai ngày.

Khó khăn còn đến từ việc đầu tư trồng cây thì thất bại mất trắng, sâu bệnh, không người quen biết, hàng xóm lấn đất…

Đặc biệt, sau khi mua miếng đất 10 hecta, cả hai chỉ còn dư 100 triệu đồng. Nhưng rồi số tiền này cũng cạn kiệt vì dồn vào việc trồng và chăm sóc gần 2 hecta mắc ca. Đôi vợ chồng trẻ phải vay 10 triệu đồng để sống cầm chừng.

Chán cảnh "ở cao ốc, ngồi máy lạnh", vợ chồng 9X về rừng xây "vườn địa đàng" - 4

Nơi họ sống không có điện, nước, khó kết nối Internet. Côn trùng lại đầy rẫy, dễ đụng phải tổ ong, rắn thỉnh thoảng bò vào nhà. “Ngày đầu dọn đến, vợ chồng tôi phải trải chiếu nằm đất và chỉ đắp chiếc chăn mỏng. Đó là đêm lạnh người đáng nhớ nhất đời”, Thành An chia sẻ với PV ĐS&PL.

Mỹ Thuận vẫn không thể quên những ngày khó khăn ấy: “Có rất nhiều lúc chúng tôi cảm thấy không còn gì thảm hại hơn trong bộ quần áo dính đầy đất đỏ, người ướt mồ hôi ngồi bên đống phân bò, nước mắt rơi lã chã vì không biết mình có lựa chọn sai hay không?

Có những lần bố mẹ lên thăm, nhìn con đen và gầy hơn trước, mẹ rơi nước mắt bảo “Về đi con, thiếu gì việc mà con phải cực thế này”. Bọn tôi ôm mẹ oà khóc và hứa với mẹ sẽ làm tốt, sống tốt với lựa chọn này”.

Sau 500 ngày về vườn, họ ít tiền hơn, da đen hơn nhưng sống vui cười nhiều, bớt phán xét và có mục tiêu sống rõ ràng. Đôi trẻ tổ chức đám cưới nhỏ vào ngày 8/8/2020.

Hạnh phúc khi tạo ra "vườn địa đàng"

Chán cảnh "ở cao ốc, ngồi máy lạnh", vợ chồng 9X về rừng xây "vườn địa đàng" - 5

Giờ đây, ngoài 1 hecta cà phê, 100 cây mít ta hơn 10 năm tuổi có từ trước, cơ ngơi của An và Thuận còn có 1.000 gốc chuối, 2 hecta mắc ca và bơ, sầu riêng cùng cây ăn trái sum suê, thêm vào đó là nhiều cây rừng được cả hai trồng xen liên tục. Còn lại, 1 hecta đất trồng thảo mộc và rau xanh được họ tận dụng để làm ra các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, trong đó chủ lực là dầu gội bồ kết cà phê và dầu trái bơ.

Để tạo ra được sản phẩm bán được ra thị trường, có thương hiệu riêng, được mọi người tin dùng, đôi vợ chồng trẻ đã phải mua hết các dòng cùng loại trên thị trường để dùng thử rồi phân tích, đánh giá.

Thành An chia sẻ, với dầu gội bồ kết cà phê, họ phải nấu thử suốt mấy tháng mới ra thị trường được mẻ đầu tiên hoàn chỉnh. Ban đầu còn sợ ế hàng nhưng ngờ đâu được đón khách hàng đón nhận nhiệt tình. Từ đó, An và Thuận cứ nghe ý kiến khách hàng rồi cải tiến công thức dần dần cho chất lượng tốt hơn và cũng được mọi người yêu thương tin dùng.

Chán cảnh "ở cao ốc, ngồi máy lạnh", vợ chồng 9X về rừng xây "vườn địa đàng" - 6

Nhận thấy vùng Tây Nguyên trái bơ bạt ngàn và giá thành rẻ, trong khi công trồng công chăm cực nhọc, thế là Thuận và An cho ra đời sản phẩm dầu trái bơ. Để tạo ra dầu bơ nguyên chất, cặp vợ chồng trẻ phải trải qua loạt công đoạn cực nhọc: Từ thu hoạch, cắt bơ, lấy thịt bơ, sấy, ép thủy lực. Quy trình lặp lại suốt mười mấy ngày để tiêu thụ hết 1 tấn bơ hái ở vườn.

Đáng nói tất cả quy trình để làm ra sản phẩm, đóng gói, marketing bán hàng ra thị trường chỉ có Thuận và An trực tiếp làm. Thành An lý giải: “Do nhân công ở trong rừng không như thành thị, đều là người đồng bào dân tộc thiểu số, nói tiếng Kinh không sõi. Khi việc làm vườn quá tải, chúng tôi mới thuê. Riêng việc kinh doanh và tạo ra sản phẩm ở xưởng chỉ có 2 vợ chồng trực tiếp làm mới đảm bảo quy trình và chất lượng”.

Giờ đây, công việc tương đối ổn định với thu nhập bình quân từ 50-60 triệu đồng/tháng, cuộc sống vừa đủ, ngôi nhà của cặp vợ chồng “bỏ phố về rừng” lại vừa có thêm thành viên mới là một bé trai đáng yêu, kháu khỉnh. Họ tin rằng cùng nhau tạo ra khu “vườn địa đàng” là cách để sau này, con cái có thể tự do khám phá và gieo tình yêu thiên thiên, yêu lao động…

Chán cảnh "ở cao ốc, ngồi máy lạnh", vợ chồng 9X về rừng xây "vườn địa đàng" - 7

Tết là sum vầy

Dù một năm đã qua có bao điều lo lắng, vất vả thì những ngày Tết, ai cũng mong được về sum họp cùng với gia đình của mình.

Sau 1 năm lao động miệt mài, Thành An - Mỹ Thuận trở về đoàn tụ bên gia đình. Cả nhà cùng nhau tận hưởng khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng và không khí ấm cúng ngập tràn trong những ngày đầu năm mới.

Cả hai cũng gặp vài người bạn thân lâu không gặp do xa cách địa lý, cùng nhau chia sẻ những câu chuyện khởi nghiệp và dự định tương lai.

Tết là dịp để nhắc nhở quá khứ, trân trọng những gì đã qua và hướng tới những điều tốt đẹp.

Mỗi năm qua đi, Thành An - Mỹ Thuật thường nhìn lại và hỏi rằng: "Liệu mình có đang tốt lên hay không?". Với họ là có bởi họ trồng được nhiều cây hơn, sống vui vẻ hơn, cười nhiều hơn, bớt phán xét mọi người, bao dung hơn, có mục tiêu sống rõ ràng hơn. Trở nên tốt hơn, phát triển hơn chính là động lực khiến chúng ta sống và sống hạnh phúc…

Chán cảnh "ở cao ốc, ngồi máy lạnh", vợ chồng 9X về rừng xây "vườn địa đàng" - 8